11:15 27/11/2019

Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại 26 tỉnh, thành

Sau một năm thực hiện Chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cấp quốc gia tại 11 tỉnh, thành phố, Việt Nam sẽ triển khai mở rộng thêm 15 tỉnh, thành mới, nâng số địa phương sử dụng biện pháp phòng chống HIV/AIDS này lên con số 26.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “PrEP Việt Nam: Một năm nhìn lại hướng tới tương lai” do Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế phối hợp với phối hợp với Dự án USAIDS/PATH Healthy Markets (Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ) và UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV và AIDS) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/11.

Chú thích ảnh
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Đánh giá kết quả một năm thực hiện Chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV cấp quốc gia tại 11 tỉnh, thành phố, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hương - Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, đã có trên 6.000 người đăng ký sử dụng PrEP, trong đó có 3.946 người mới tham gia PrEP trong năm 2019.

PrEP là tắt từ tiếng Anh (Pre-exposure prophylaxis), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Hiện tại, thuốc PrEP đang sử dụng ở Việt Nam có tên là Truvada. Khi dùng Truvada hàng ngày, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho vi-rút HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể. Khi sử dụng PrEP đúng mỗi ngày, PrEP có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%.

Với những kết quả đạt được, theo Phó Giáo sư Phan Thị Thu Hương, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mở rộng thêm ở 15 tỉnh, thành phố. Chỉ riêng trong giai đoạn 2019-2020, Quỹ Toàn cầu đã cam kết hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại cho Việt Nam để can thiệp phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Điều này giúp Việt Nam có thêm chi phí để hỗ trợ cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP.

Trong khi đó, bà Ritu Singh - Giám đốc Văn phòng Y tế Việt Nam của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) nhìn nhận, mặc dù việc sử dụng PrEP đang gia tăng ở Việt Nam nhưng cần có nhiều người tiếp cận dịch vụ này hơn nữa để có thể đạt được tác động làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng. Do đó, trong thời gian tới, USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác thúc đẩy hơn nữa việc tạo cầu và đảm bảo rằng khách hàng sử dụng PrEP nhận được sự hỗ trợ cần thiết để duy trì sử dụng PrEP.

Theo các chuyên gia, khi được sử dụng đúng cách, PrEP là một trong những phương pháp dự phòng HIV hiệu quả nhất. Năm 2014, WHO đã khuyến cáo cung cấp PrEP cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Trên cơ sở bằng chứng rõ ràng hơn về hiệu quả và khả năng chấp nhận PrEP, năm 2015, WHO đã mở rộng khuyến cáo cung cấp PrEP cho tất cả những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Kimberly Green, Giám đốc Chương trình toàn cầu về HIV và Lao của PATH phát biểu tại hội thảo.

Tại Việt Nam, các nhóm đích có nguy cơ nhiễm HIV bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, những người tiêm chích ma túy và bạn tình, bạn chích âm tính của người nhiễm HIV mà tải lượng vi-rút chưa ở ngưỡng ức chế.

Tiến sỹ Kimberly Green - Giám đốc Chương trình toàn cầu về HIV và Lao của PATH cho biết, PrEP là một công cụ hữu hiệu để kiểm soát dịch HIV ở cấp độ quần thể nhưng quan trọng hơn, ở cấp độ cá nhân, nó làm thay đổi cuộc sống của con người, giúp tạo ra sự thân mật hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và sự an tâm cho những người có nguy cơ nhiễm HIV.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)