12:15 24/12/2020

Mở rộng diện BHXH tự nguyện đảm bảo an sinh xã hội

Trong năm 2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Ngày 24/12, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 tại điểm cầu chính BHXH Việt Nam và 63 điểm cầu tại BHXH các tỉnh, thành phố cùng 646 điểm cầu tại BHXH các quận, huyện.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của BHXH Việt Nam vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 để hoàn thành vượt các chỉ tiêu của Đảng và Nhà nước giao. Trong đó, đáng chú ý là độ bao phủ BHYT đạt trên 90%. Để làm được việc này, trung bình trên thế giới các nước mất 40-70 năm, Việt Nam làm trong vòng 17 năm. Đây không chỉ là nỗ lực của BHXH Việt Nam mà còn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

“BHXH Việt Nam cũng là đơn vị triển khai mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT). BHXH Việt Nam đã trở thành một trong những điểm nhấn rất quan trọng của mạng lưới hệ thống CNTT quản trị đất nước. Chỉ hơn nửa năm, BHXH cùng với Bưu điện Việt Nam lấy được dữ liệu của hơn 90 triệu người dân, hình thành cơ sở dữ liệu đầu tiên. Đây là thực tế là dữ liệu về con người và được cấp mã số có tính nền tảng lan tỏa ra các ngành; góp phần giúp ngành công an vượt qua rất nhiều thủ tục từ các bộ, các cơ quan khác thúc đẩy dự án thẻ căn cước công dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH. Rút kinh nghiệm từ việc mở rộng BHYT, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH giao chỉ tiêu cho các địa phương.

“Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH khó hơn BHYT rất nhiều vì BHYT liên quan trực tiếp đến sức khỏe và người dân thấy ngay lợi ích. Còn tham gia BHXH là dài hạn, người dân không thấy ngay. Vì vậy, quan trọng nhất là làm thay đổi suy nghĩ, thói quen của người dân. Đó là không phải mua gạo, thóc, vàng dự phòng mà tư duy bây giờ chính là tham gia BHXH. Do đó, để thay đổi tư duy, thói quen của người dân thì hãy đưa ra các gói bảo hiểm giá trị rất nhỏ. Để làm được việc này, địa phương bàn với BHXH Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có đề án cải cách hệ thống bảo hiểm, có biện pháp giao kế hoạch, xem xét kết hợp với gói hỗ trợ an sinh xã hội. Chỉ có hệ thống bảo hiểm sẽ bao phủ toàn dân và từ đó an sinh xã hội mới bền vững, đất nước mới bền vững”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.

Chú thích ảnh
Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 3 tập thể và cá nhân của BHXH Việt Nam. Ảnh: BHXH VN

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững.

Trong năm 2021, BHXH Việt Nam đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đến hết năm 2021, phấn đấu số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ khoảng 91,56% dân số.

BHXH đề ra các giải pháp để thực hiện; trong đó tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông BHXH, BHYT tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện để cán bộ, đảng viên, nhân dân.

BHXH cũng tập trung giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp thất nghiệp; chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT đảm bảo đúng quy định và dự toán được Chính phủ giao năm 2021.

Đồng thời, BHXH tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng VssID.

Đến cuối năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: Số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Theo chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1% nhưng đến năm 2020 đã vượt chỉ tiêu được giao, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2015. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia BHTN (đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Chỉ tiêu bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. 

XC/Báo Tin tức