07:05 20/07/2011

Mở hướng bảo tồn, phát huy ngôn ngữ dân tộc Thái, Mông

Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn, ngôn ngữ Mông, Thái ảnh hưởng rất lớn đến các dân tộc khác bởi tỷ lệ cơ cấu dân số của người Mông, Thái chiếm tỷ lệ khá cao, lại có nền văn hóa bản địa lâu đời.

Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn, ngôn ngữ Mông, Thái ảnh hưởng rất lớn đến các dân tộc khác bởi tỷ lệ cơ cấu dân số của người Mông, Thái chiếm tỷ lệ khá cao, lại có nền văn hóa bản địa lâu đời. Trước nguy cơ ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Thái, Mông ngày một mai một và có chiều hướng không theo kịp được ngôn ngữ hiện đại.

Lớp học của học sinh dân tộc thiểu số.


UBND tỉnh Điện Biên đã thông qua “Đề án dạy tiếng Thái, Mông cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020”, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) tỉnh Điện Biên thực hiện.

Đề án nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái, Mông trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo đó sẽ hoàn chỉnh bộ chương trình và tài liệu dạy tiếng Thái, Mông; triển khai thực hiện chương trình dạy cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở theo quy mô, nội dung và lộ trình; đào tạo đội ngũ cán bộ giáo viên dạy tiếng Thái, Mông phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu tiếng dân tộc…

Dự kiến đề án này sẽ được triển khai trong năm 2011. Mục tiêu đặt ra là mỗi năm sở GD-ĐT sẽ mở 40 lớp dạy tiếng Thái, 40 lớp dạy tiếng Mông cho khoảng 2.000 học sinh lớp 3. Ở độ tuổi này cũng là lúc học sinh, nhất là con em dân tộc Mông, Thái đã đọc, viết thành thạo ngôn ngữ tiếng Việt phổ thông nên không bị hạn chế trong việc học, tiếp thu ngôn ngữ của cộng đồng dân tộc mình. Đồng thời, tránh được gánh nặng khi học thêm một môn “ngoại ngữ” lâu nay các em vẫn sử dụng giao tiếp, thông tin, trao đổi...

Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT sẽ duy trì số học sinh này lên các lớp 4, 5 (bậc Tiểu học) và 6, 7, 8, 9 (bậc Trung học cơ sở). Sẽ có 40 trường tiểu học và 40 trường trung học cơ sở được huy động tham gia dạy học. Đề án sẽ duy trì quy mô các lớp học này cho đến năm lớp 9, giai đoạn 2016 - 2020.
Về chương trình học và tài liệu giảng dạy, ở cấp tiểu học tiếng Thái sử dụng chương trình và tài liệu thí điểm biên soạn giai đoạn 2001- 2005; tiếng Mông sử dụng chương trình, tài liệu do Bộ GD-ĐT ban hành. Lên bậc trung học cơ sở, khi kiến thức, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Thái, Mông của học sinh được nâng cao thì tài liệu sẽ được biên soạn mới theo hướng phát triển, mở rộng và nâng cao hơn, tuy nhiên vẫn đảm bảo nội dung tài liệu bám sát nội dung, chương trình môn Ngữ văn cấp THCS.

Đề án thống nhất, đối với tiếng Thái sẽ sử dụng ngôn ngữ ngành Thái đen (Tay Đăm) và mẫu chữ Thái cổ; đối với tiếng Mông thì sử dụng ngôn ngữ ngành Mông đỏ (Mông Lềnh - Mông Hoa) và sử dụng mẫu chữ do Bộ GD-ĐT quy định. Tổng kinh phí của đề án qua 2 giai đoạn 2011- 2015 và 2016 - 2020 là 8,3 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban dân tộc tỉnh Điện Biên: Việc triển khai đề án để bảo tồn, phát huy chữ viết, ngôn ngữ Thái, Mông là nhu cầu cấp thiết. Vì vậy, ngoài yêu cầu có một bộ sách giáo khoa chuẩn, đòi hỏi nguồn giáo viên tham gia công tác giảng dạy phải được sàng lọc kỹ, hội tụ các yếu tố tâm huyết, yêu nghề, hiểu biết văn hóa dân tộc…

Đánh giá về tính khả thi của đề án, ông Lê Văn Quý, Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Đây là đề án có tính quy mô và sự hoàn chỉnh bậc nhất so với các chương trình giảng dạy trước đây, tính quy mô và hoàn chỉnh đó không những phạm vi đối với tỉnh Điện Biên mà còn đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện đội ngũ giáo viên đảm nhận công tác giảng dạy của đề án đã sẵn có trên địa bàn với trên 1.500 giáo viên dân tộc Thái, gần 200 giáo viên dân tộc Mông. Thực tế cho thấy ngành có đủ điều kiện để tuyển vào đào tạo nguồn giáo viên của đề án.

Được biết, trước đây, trong các giai đoạn 1996 - 2000 và 2001- 2005, tỉnh Điện Biên cũng đã triển khai thí điểm dạy chữ Thái, Mông trong các trường tiểu học cho gần 4.500 học sinh tại 4 huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên và Điện Biên Đông. Thành công và kinh nghiệm rút ra từ các chương trình này đã tạo cơ sở cho đề án đạt kết quả.

Xuân Tiến