04:19 02/04/2015

Mô hình sinh kế cho vùng ven biển Bắc Bộ

Trước tác động của biến đổi khí hậu, một mô hình sinh kế phù hợp là rất cần thiết đối với vùng ven biển Bắc Bộ.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, một mô hình sinh kế phù hợp là rất cần thiết đối với vùng ven biển Bắc Bộ.

Ảnh hưởng của chính sách tới sinh kế

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu tới sinh kế tiểu vùng ven biển - hải đảo là ở tỷ lệ số hộ phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, kiên cố hóa nhà ở hay di chuyển nơi ở. Hơn 10% số hộ trong vùng phải tạm dừng hoạt động khai thác thủy, thổ sản; hơn 9% số hộ phải thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh; 71% số hộ phải thực hiện kiên cố hóa nhà ở; gần 16% số hộ phải thay đổi chỗ ở và có tới 49% hộ thường trực phải chuẩn bị lương thực và thuốc phòng khi có thiên tai xảy ra.

Người dân khai thác thủy, hải sản dưới tán rừng ngập mặn.
Ảnh: Nguyễn Lành-Thu Hoài/ TTXVN


Về năng lực thích ứng, nhiều người dân đã biết chủ động phòng ngừa và hành động khi diễn biến thời tiết bất lợi và thiên tai xảy ra để sản xuất ổn định. Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản cũng chỉ ra rằng cộng đồng cư dân địa phương phần lớn chỉ chú trọng tới tác động trước mắt hơn là lâu dài, luôn khẳng định khó khăn khi thích ứng với biến đổi khí hậu của họ là thiếu nguồn lực về vốn. Trong khi thực tế họ còn thiếu nhiều kỹ năng khác như nhận thức về biến đổi khí hậu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thích ứng, luôn trông chờ sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài và Nhà nước mà chưa tiếp cận một cách phù hợp để thích ứng chủ động hơn đối với biến đổi khí hậu.

Mô hình sinh kế phù hợp

Tiến sĩ Bùi Thế Anh, Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các hoạt động hỗ trợ thích ứng được xây dựng đơn giản với tính khả thi cao. Theo đó là phân nhóm các hoạt động hỗ trợ theo yếu tố tác động lên sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cho nhiều hoạt động sản xuất để có thể chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phân nhóm theo các chỉ số về tình trạng dễ bị tổn thương, đối tượng được hỗ trợ thuộc nhóm cộng đồng dân cư cận nghèo.

Do vậy, việc xây dựng mô hình sinh kế đối với nuôi trồng thủy sản phải dựa trên việc đưa một số đối tượng thủy sản có khả năng thích ứng với môi trường nước lợ để nuôi tại các ao đất ven biển như cá vược, cá hồng mỹ… Bên cạnh đó, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau cũng là một hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Có thể lựa chọn các loại rau khác nhau phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Với Thái Bình - địa phương có khả năng bị tổn thương cao khi biến đổi khí hậu xảy ra, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giải pháp mang tính bền vững, lâu dài nhất đối với sinh kế cho người nghèo ở địa phương là ổn định tư liệu sản xuất cho người dân. Người nghèo ven biển có thể đánh bắt thủy hải hản, đi biển, nhưng đó chỉ là nghề phụ, nghề chính của họ vẫn phải là nông nghiệp. Trong tình trạng đất đai bị ảnh hưởng nhiều bởi xâm nhập mặn, thì giải pháp về thủy lợi cần phải đặt lên hàng đầu, cần cải tạo hệ thống thủy lợi để có thể tưới tiêu và rút bớt độ mặn của đất, có thể canh tác được. Giải pháp thứ 2 là có thể chuyển sang mô hình nuôi trồng thủy sản nhưng cần có sự quy hoạch cụ thể, cũng như phát triển nghề phụ cho người nghèo.

Minh Nguyệt