01:09 31/01/2012

Mô hình hay bảo vệ trẻ em ở Quảng Trị

Lập quy ước bảo vệ trẻ em tại thôn, bản, xây dựng sổ quản lý trẻ em đến từng hộ gia đình là những kinh nghiệm của Quảng Trị sau 2 năm xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em từ cộng đồng.

Lập quy ước bảo vệ trẻ em tại thôn, bản, xây dựng sổ quản lý trẻ em đến từng hộ gia đình là những kinh nghiệm của Quảng Trị sau 2 năm xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em từ cộng đồng. Nhờ vậy, chuyện trẻ bỏ học, trẻ vi phạm pháp luật, trẻ bị xâm hại, lao động nặng nhọc tại tỉnh này đã được phát hiện kịp thời; đồng thời kiềm chế nguy cơ trẻ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu trao quà cho học sinh tại 2 xã vùng trũng Hải Tân và Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) .

Quảng Trị là tỉnh miền Trung có dân số 600.462 người. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 11%. Theo ông Hoàng Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Quảng Trị, hai năm về trước, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Hai huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất là Đakrông và Hướng Hóa đều có tỷ lệ trẻ lao động sớm, lao động trong điều kiện độc hại cao, có nguy cơ bị xâm hại tình dục do điều kiện kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, cũng theo ông Thông, còn một bộ phận không nhỏ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được quan tâm đúng mức.

Quy ước cấp... thôn

Tháng 4/2010, Quảng Trị bắt tay vào triển khai thí điểm “Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại huyện Vĩnh Linh và Đakrông. 7 xã được chọn trong đó có 5 xã gồm Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh) và Mò Ó, Đakrông (huyện Đakrông) đều có ban bảo vệ trẻ em gồm 7 - 10 người.

Sau khi thành lập, Ban bảo vệ trẻ em của 7 xã này cùng với cộng tác viên (cả người lớn và trẻ em) được tập huấn về Quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, các chính sách của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, quy trình xử lý trường hợp các ca bị bạo hành, bị xâm hại cũng như các kỹ năng thu thập thông tin trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Cũng ở cấp xã, các diễn đàn kỹ năng làm cha mẹ và các buổi sinh hoạt nhóm được tổ chức cho phụ huynh của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Sang năm 2011, mô hình này tiếp tục được nâng cao chất lượng bằng cách xây dựng Quy ước bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng và lập sổ quản lý trẻ em đến từng hộ gia đình. Có 21 thôn thí điểm xây dựng mô hình này. “Quy ước là một thỏa thuận quan trọng trong hệ thống mô hình bảo vệ trẻ em; giúp phát hiện, ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em bị xâm hại tại cộng đồng một cách nhanh nhất; gắn trách nhiệm của cộng đồng, đoàn thể, gia đình và bản thân trẻ em với công tác bảo vệ trẻ”, ông Hoàng Văn Thông nói. Sau khi có quy ước này, các tổ chức, cá nhân khi đến công tác, học tập, đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh.

Đến thời điểm này, Quảng Trị đã có 21 thôn, bản xây dựng được quy ước bảo vệ trẻ em. “Quy ước bảo vệ trẻ em tại cộng đồng phải rõ ràng để mọi cá nhân, tổ chức tôn trọng. Cha mẹ nào bạo ngược với trẻ, khi họp thôn sẽ căn cứ vào quy ước đó để xử lý”, ông Hoàng Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Quảng Trị cho biết.

Bảo vệ trẻ từ gia đình

Song song với quy ước bảo vệ trẻ em, việc xây dựng sổ quản lý trẻ em đến hộ gia đình là biện pháp làm cơ sở lưu trữ dữ liệu gốc, từ đó nắm được thông tin quản lý hộ gia đình, tình trạng gia đình, tình hình trẻ có hoàn cảnh đặc biệt để quan tâm kịp thời có các hình thức ngăn ngừa, trợ giúp.

Với những trường hợp trẻ em lang thang, các tổ chức nhân đạo, từ thiện đã thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em và Phòng Trẻ em của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tới động viên và hướng dẫn bố mẹ trẻ các biện pháp cải thiện kinh tế gia đình. “Nhờ vậy, tình trạng trẻ em địa phương bỏ nhà đi lang thang rất ít và kiểm soát được. Năm 2010, toàn tỉnh chỉ có khoảng 30 em trong diện này”, ông Hoàng Văn Thông cho biết.

Sau 2 năm xây dựng mô hình, ghi nhận từ phòng Trẻ em của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Quảng Trị cho thấy nguy cơ trẻ bỏ học, trẻ vi phạm pháp luật, trẻ bị xâm hại, lao động nặng nhọc đã được phát hiện kịp thời; đồng thời kiềm chế được nguy cơ trẻ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình này ra 9 xã. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, cần xem xét thêm về chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cộng tác viên, cần có kinh phí thường xuyên cho lực lượng này”, một cán bộ làm công tác trẻ em của xã Đakrông bày tỏ quan điểm.

Mạnh Minh