01:15 06/01/2011

Mỏ đá Hòn Chà, Bình Định Cần sớm được quản lý

Ở phía đông núi Hòn Chà, phường Trần Quang Diệu, thành phố Qui Nhơn (Bình Định), hàng ngày có nhiều người khai thác đá trái phép giữa thanh thiên bạch nhật và họ đã “cướp đi” hàng nghìn mét khối đá các loại, không chỉ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước...

Ở phía đông núi Hòn Chà, phường Trần Quang Diệu, thành phố Qui Nhơn (Bình Định), hàng ngày có nhiều người khai thác đá trái phép giữa thanh thiên bạch nhật và họ đã “cướp đi” hàng nghìn mét khối đá các loại, không chỉ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, mà còn gây bức xúc cho người dân địa phương và những người làm ăn chân chính.

Qua phản ánh của nhiều người dân địa phương về việc có nhiều đơn vị có cơ sở đóng tại khu công nghiệp Phú Tài đang đua nhau nổ mìn khai thác đá trái phép tại phía đông núi Hòn Chà, chúng tôi đã lên đến khu vực phía đông núi Hòn Chà, nằm sát khu vực phía Tây của khu công nghiệp Phú Tài, phường Trần Quang Diệu, nơi đang có nhiều doanh nghiệp chế biến đá xây dựng và xuất khẩu để tìm hiểu sự việc này.

Đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng tan hoang của sườn núi phía đông Hòn Chà. Leo lên nơi khu vực có nhiều người đang ngồi chẻ đá, chúng tôi đến hỏi, thì không ai dám xưng tên mà cho biết họ chỉ là người làm thuê cho Công ty đá Viễn Đông, có trụ sở và cơ sở sản xuất thuộc khu công nghiệp Phú Tài.

Dưới chân núi có hàng chục khối đá còn mới nguyên và mỗi khối ước khoảng vài ba mét khối, mới được nổ mìn tung từ trên cao rơi xuống trước đó. Còn nhìn lên một khối đá lớn nằm lưng chừng núi, thì có vài người vẫn ngang nhiên khoan lỗ để chuẩn bị cho một vụ nổ mìn mới.

Ngang nhiên khai thác đá trái phép tại phía đông núi Hòn Chà (ảnh chụp ngày 31/12/2010).


Cách đó vài trăm mét, cảnh tượng cũng chẳng khác mấy, ở đây người khai thác đá trái phép dùng cả xe tải và xe cẩu hạng nặng để chở đá. Vết bánh xe chạy đã tạo ra những con đường ngoằn ngoèo, lồi lõm từ dưới lên lưng chừng núi.


Đến đây, những khối đá to và đá chẻ được xếp ngổn ngang thành khối, chỉ chờ phương tiện lên chở. Theo người dân địa phương, khu vực khai thác đá trái phép này là của doanh nghiệp Phú Minh Trọng (cũng là một doanh nghiệp chế biến đá và trụ sở nằm cách đó không xa).

Không dừng lại đó, chúng tôi lại đi về phía khu vực nghĩa địa phường Bùi Thị Xuân (phía nam khu công nghiệp Phú Tài). Ở dưới phóng tầm mắt lên sườn núi phía đông Hòn Chà có rất nhiều điểm khai thác đất đá còn mới nguyên. Có những điểm mỏ chỉ cách trục đường chính của khu công nghiệp Phú Tài vài trăm mét, ở đây người ngồi chẻ đá rất thản nhiên.

Đặc biệt, sát khu vực phía bắc nghĩa địa Bùi Thị Xuân (phường Bùi Thị Xuân) có một bãi tập kết đá khối, có đến hàng nghìn khối được vận chuyển từ khu mỏ khai thác cách đó vài trăm mét. Một điều ngạc nhiên khác, là ngay vị trí khu vực tập kết đá gần đường và sát bãi tập kết đá có một biển cắm cảnh báo với dòng chữ còn rất to và rõ ràng: “Cấm không được vào khai thác đá”.

Người dân địa phương cho biết nạn khai thác đá trái phép ở phía đông núi Hòn Chà đã diễn ra trong vài năm nay, nhưng trong thời gian gần đây lại “nóng lên”. Chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh và thành phố, cả đến Ban quản lý Khu công nghiệp đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và xử lý không rốt ráo nên một số đơn vị tham gia khai thác đá trái phép chỉ lo cho quyền lợi cục bộ của mình mà coi thường pháp luật. Có ý kiến người dân địa phương cho rằng: Họ làm ngang nhiên như vậy vì có “ông nào” bảo kê chăng?

Chúng tôi liên lạc điện thoại với ông Trần Kiến Thiết, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Định, thông báo việc khai thác đá trái phép đang diễn ra ở đây. Ông cho biết: Ngày nào đơn vị cũng cử cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để kiểm tra. Nhưng khi chúng tôi đến đây chẳng thấy có đồng chí công an nào cả.

Chúng tôi lại liên lạc với ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, thì ông cho rằng việc khai thác đá trái phép là ở phía đông núi Hòn Chà nằm ngoài khu vực quản lý của khu công nghiệp, nên ban không thể quản lý, mà trách nhiệm thuộc ngành chức năng tỉnh và thành phố Quy Nhơn.

Còn ý kiến của ông Lê Minh Luận, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định là: Việc khai thác trái phép đá tại núi Hòn Chà đã diễn ra từ lâu và Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ là một trong số các đơn vị quản lý.


Muốn tổ chức kiểm tra phải phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh, thành phố Quy Nhơn và khi tổ chức đi kiểm tra thì người khai thác đã biết trước và rút lui im ắng; khi đoàn đi khỏi thì mọi chuyện đâu lại vào đó.

Phải chăng mỏ đá Hòn Chà nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng? Đã đến lúc các ngành chức năng và UBND tỉnh Bình Định sớm xem xét cấp phép cho khu mỏ đá này để có chủ khai thác đích thực, nhằm tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản, đảm bảo được kỷ cương phép nước.

Viết Ý