11:15 06/11/2024

'Mở cửa' để Đà Nẵng phát triển bứt phá - Bài 2: Tiên phong xây dựng khu thương mại tự do

Trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã thực hiện và đạt nhiều thành công khi xây dựng khu thương mại tự do. Nhưng tại Việt Nam thì Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước được phép nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do theo định hướng của Nghị quyết 136. Chính sách đặc thù này được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho Đà Nẵng trong thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác…

Chú thích ảnh
Dự án Cảng Liên Chiểu đang được triển khai. Ảnh: TTXVN phát

Phát huy tối đa tiềm lực sẵn có

Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã định nghĩa: Khu thương mại tự do là một loại hình khu kinh tế; là khu vực địa lý nơi hàng hóa có thể được nhập khẩu, lưu trữ, xử lý, sản xuất hoặc tái chế biến và tái xuất khẩu theo các quy định hải quan riêng và thường không phải chịu thuế hải quan.

Trên thế giới, mô hình khu thương mại tự do đã được áp dụng phổ biến tại trên 150 quốc gia. Trong khu vực châu Á, các nước Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc... đã phát triển nhiều khu thương mại tự do và rất thành công. Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương dẫn chứng, tại Trung Quốc có tổng cộng 21 khu thương mại tự do, chỉ chiếm chưa đến 0,4% diện tích đất, nhưng đã đóng góp tới 18,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 17,8% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ở Trung Quốc vào năm 2022.

Còn ở Việt Nam, việc nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Đà Nẵng gắn liền định hướng hình thành và phát triển của Cảng biển Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Hiện nay, thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng của Cảng biển Liên Chiểu và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược; Sân bay Đà Nẵng cũng là một trong các đầu mối về thương mại để hội nhập, xúc tiến các hoạt động logistics. Khi hình thành khu thương mại tự do thì các hạ tầng này là điều kiện tiên quyết để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Chú thích ảnh
Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Tán Văn Vương. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Bên cạnh đó, việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch - dịch vụ, vốn là thế mạnh của thành phố Đà Nẵng. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Tán Văn Vương, việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do sẽ là cơ hội đột phá để tạo ra chuỗi sản phẩm dịch vụ cao cấp về thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ quốc tế, cực tăng trưởng của du lịch của Việt Nam. Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thông minh. Sở cũng tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm, phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao để đón lượng du khách tiềm năng mà Khu thương mại tự do mang lại.

Nỗ lực hoàn thiện khung chính sách, hạ tầng

Hiện nay chính quyền thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương tổ chức khảo sát, lựa chọn vị trí các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do; xúc tiến, làm việc với một số nhà đầu tư chiến lược và chuẩn bị hồ sơ Đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 12/2024.

Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh Miền Trung - Tây Nguyên, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), để hình thành khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam, Đà Nẵng cần xây dựng được những cơ chế, chính sách thực sự vượt trội, khác biệt so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần sớm hoàn thành việc lựa chọn địa điểm triển khai và sớm thu hút đầu tư hạ tầng, xây dựng hệ sinh thái liên quan. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công và đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng rất kỳ vọng được tham gia vào quá trình đầu tư hạ tầng phục vụ Khu thương mại tự do, theo mô hình hợp tác công tư, giúp cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng cũng như cả nước có nhiều cơ hội đầu tư, phát triển.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh Miền Trung - Tây Nguyên, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI). Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Về khung chính sách pháp luật, tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình khu thương mại tự do, Đà Nẵng cần lưu ý đến một số nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn như: nguy cơ trở thành kho lưu trữ, phân phối hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; điểm trung gian cho các các doanh nghiệp lẩn tránh các chính sách, pháp luật về thuế…

Để tránh các nguy cơ trên, tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa khuyến nghị, Đà Nẵng cần tiếp cận có chọn lọc các chính sách ưu đãi khu thương mại tự do tại khu vực ASEAN và các chính sách ưu đãi đã thành công từ các mô hình kinh tế khác đã được triển khai trong nước; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách thí điểm phù hợp với điều kiện thể chế tại Việt Nam. Đồng thời, thành phố cần rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài trong Khu thương mại tự do nhằm giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính. Việc nghiên cứu thí điểm, rút kinh nghiệm đối với khu thương mại tự do nên được triển khai đan xen với việc hoàn thiện dần khung khổ pháp lý...

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Về lợi ích của mô hình này, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho biết, khi đầu tư vào Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như: miễn, giảm thuế; hỗ trợ tăng cường đầu tư trực tiếp vào các ngành mục tiêu; thuận lợi về vận chuyển, dịch vụ logistics... Còn về phía thành phố cũng có lợi khi thiết lập được môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, với khung chính sách đầu tư tương tự khu kinh tế nên Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ mang lại lợi ích kinh tế không thấp hơn mức bình quân của các khu kinh tế ven biển hiện nay.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh (bên phải) trao đổi với phóng viên TTXVN về triển khai Nghị quyết 136. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, điểm đột phá của Nghị quyết 136 chính là nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do, với 3 phân khu (sản xuất, thương mại dịch vụ và logistics). Khu thương mại tự do sẽ thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp các dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng biển và cảng hàng không.

Ngoài ra, việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ giúp thành phố khơi thông các nguồn lực, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung. Khu thương mại tự do với các dịch vụ đẳng cấp sẽ tạo thành một điểm đến đặc biệt, hấp dẫn du khách quốc tế; tạo ra thêm nhiều công việc mới và tăng thu nhập cho người lao động; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Đà Nẵng do hiệu ứng lan tỏa mang lại.

Bài cuối: Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống

Quốc Dũng (TTXVN)