01:06 16/01/2015

Minh bạch giá điện, giá cước vận tải

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải đăng ký giảm giá cước theo yêu cầu của Bộ Tài chính, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì.

Những ngày đầu năm 2015, câu chuyện về giá điện, giá cước vận tải trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi trong dư luận, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện 9,5%; còn với giá cước vận tải, đã là thời hạn cuối (15/1), các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải đăng ký giảm giá cước theo yêu cầu của Bộ Tài chính, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


Xung quanh vấn đề tăng giá điện lâu nay để lại khá nhiều điều tiếng về sự thiếu minh bạch, biểu hiện của sự độc quyền. Thực tế, vấn đề dư luận quan tâm không phải là việc có tăng giá điện hay không, mà quan trọng hơn là giá điện cần được minh bạch.

Việc giá điện chưa được bóc tách rành mạch, cụ thể, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn gây bất ổn thị trường giá cả, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Cách đây gần một năm, Bộ Công Thương đã ra Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc công khai, minh bạch giá điện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, cho đến giờ này, người dân vẫn không thể biết rõ các yếu tố cấu thành giá đối với loại hàng hóa đặc biệt này.

Tại lễ tổng kết hoạt động của ngành điện năm 2014, lãnh đạo EVN đã đưa ra một số thông tin đáng chú ý, trong đó có con số lỗ 16.800 tỷ đồng. Càng giật mình khi EVN cho biết các chi phí đầu vào đã tăng rất lớn từ đầu năm 2014 và chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành.

Vẫn với điệp khúc, phải tăng giá điện là do thu không đủ bù chi, vì giá nguyên liệu tăng (giá than) và cần vốn phát triển ngành điện... Vậy những lý do mà ngành điện đưa ra liệu có chính đáng?

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố mới đây cho thấy, EVN không chỉ sai phạm trong việc đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ, mà còn hạch toán nhiều khoản chi sai, không đúng mục đích vào giá bán điện, khiến giá điện tăng một cách bất hợp lý, gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Dư luận đồng tình với kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, tại lễ tổng kết năm 2014 của ngành điện, đại ý: Trước hết, EVN cần phải nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sắp xếp lại bộ máy đang hết sức cồng kềnh, đổi mới kinh doanh, giải quyết hậu quả thoái vốn ngoài ngành...

Với góc độ người tiêu dùng, thực tế họ không trông chờ giá điện rẻ, mà chỉ mong muốn giá điện phải thật sự minh bạch, cạnh tranh và chất lượng dịch vụ phải tương xứng với giá trị đồng tiền họ bỏ ra. Việc lấy vốn đầu tư xây nhà ở công nhân, biệt thự cho quan chức của ngành, rồi tính vào giá thành điện là không thể chấp nhận, cần phải được làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Còn với giá cước vận tải, đã là thời hạn cuối (15/1) các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải đăng ký giảm giá cước, sau khi giá xăng dầu giảm sâu trong thời gian qua. Tuy nhiên, báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về kết quả kiểm tra tại một số địa bàn trọng điểm cho thấy, các doanh nghiệp chỉ mới kê khai giảm giá cước từ 2-10%; thậm chí có không ít doanh nghiệp làm ngơ, hoặc giảm chiếu lệ.

Không có chế tài, một số địa phương rất lúng túng trong việc xử lý. Thực tế cho thấy có dấu hiệu của sự bắt tay nhau giữa các doanh nghiệp trong việc định giá cước vận tải. Không có thỏa thuận ấn định giá thì làm sao có sự trùng hợp khi giá xăng dầu tăng, thì đồng loạt các doanh nghiệp tăng giá cước; còn khi giá xăng dầu giảm, dư luận đòi hỏi phải giảm giá cước, thì họ bắt tay nhau chây ì.

Theo các chuyên gia kinh tế, xảy ra tình trạng trên là do hành lang pháp lý trong kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm (trong đó có điện, vận tải) rất yếu và thiếu, chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp phải minh bạch. Trong khi đó, việc giám sát thi hành pháp luật trong kinh doanh các mặt hàng nói trên cũng chưa chặt chẽ để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Thế nên, không tránh khỏi tình trạng kinh doanh trục lợi, người tiêu dùng chịu thiệt mà chẳng biết kêu ai. Vấn đề đặt ra, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, tăng cường vai trò giám sát của người dân; cần xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh và phải triệt tiêu sự độc quyền trong kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt này.


Y.N