04:12 08/04/2015

Minh bạch cơ chế xã hội hóa cảng hàng không

Nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện chủ trương khai thác thương mại các cảng hàng không, trong đó có việc mua lại quyền khai thác nhà ga cần phải được làm rõ.

Ngày 8/4 tại Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) phối hợp với Báo Lao động đã hội thảo "Xã hội hoá hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam" để làm rõ chủ trương cho phép các doanh nghiệp tham gia khai thác thương mại các cảng hàng không. Vietjet Air, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp đã đề xuất được nhượng quyền khai thác một số cảng sân bay như: Nhà ga T1 Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng...

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, thị trường hàng không Việt Nam hiện luôn đạt mức tăng trưởng cao, liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2001-2014 là 14,5% về hành khách và 15,3% về hàng hoá. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đánh giá thị trường hàng không Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng. Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không: Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific Airlines (BL), VietJet Air (VJ) và VASCO, khai thác 111 tàu bay, 56 đường bay quốc tế, 46 đường bay nội địa. Theo kế hoạch, đến năm 2020 đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ là 205 chiếc.

Hội thảo làm rõ chủ trương cho phép doanh nghiệp khai thác các sân bay.


Theo dự báo, giai đoạn 2015-2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất khó khăn, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế, vì vậy để khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội thì việc xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) là một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, một số cơ chế để thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo thu hút được nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng.

Bộ GTVT hiện đã ban hành đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” tại quyết định số 4908/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2014 để huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy hoạch cảng hàng không, sân bay được duyệt. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ được tham gia vào thị trường hàng không thông qua các hình thức phổ biến như: Hợp đồng dịch vụ, hợp đồng quản lý, hợp đồng nhượng quyền khai thác, hợp đồng BOT, bán sân bay cho đối tác chiến lược, cổ phần hóa (IPO).

Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air Nguyễn Đức Tâm chia sẻ: Ba năm trước, Vietjet Air là hãng hàng không trẻ tuổi nhất tại Việt Nam đã bay trong hoài nghi của nhiều người, trong lo lắng của nhiều người cũng như sự chờ đợi, mong mỏi, hy vọng của rất nhiều người, rất nhiều đồng bào. Nhưng đến nay, việc vận chuyển hành khách nội địa của hãng đã tăng trên 20%, cao nhất từ trước tới nay và việc đi máy bay đã không còn xa xỉ, hàng triệu người lần đầu tiên được đi trên những máy bay mới hiện đại. Nhờ chính sách mở cửa cho tư nhân tham gia vào vận chuyển hàng không, Vietjet đã phát triển đội bay 23 chiếc tàu bay mới và trong năm 2014 doanh thu công ty đạt trên 8100 tỉ đồng, nộp ngân sách và thu hộ các lệ phí đạt trên 1400 tỉ đồng, lũy kế trên 2600 tỉ đồng.

Dù tăng trưởng mạnh, nhưng Vietjet gặp không ít khó khăn do hãng này hoàn toàn không có mặt bằng tại sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất thuộc hãng. Vietjet là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ các dịch vụ cung ứng tại các cảng hàng không đều không do hãng tự cung cấp. Trong khi đó, nhu cầu mở rộng, nâng cấp, xây mới các nhà ga sân bay đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để đáp ứng được tốc độ tăng nhu cầu vận chuyển của người dân mà ngân sách nhà nước không thể tiếp tục bao cấp. Do đó, Vietjet Air mong muốn Bộ GTVT nhượng quyền khai thác một số nhà ga mà hiện hãng đang hoạt động với khoảng 150 chuyến bay hàng ngày. Vietjet Air cũng cam kết nếu được giao nhượng quyền quản lý, hãng sẽ làm thay đổi toàn diện những hạng mục được giao không thua kém các nhà ga tiên tiến trong khu vực.

Để thực hiện xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không hiệu quả, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu khẳng định: Bộ GTVT đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để tiến hành nhượng quyền các cảng hàng không như Nhà ga T1, sảnh E, sân bay Phú Quốc. Sau khi hoàn thiện cơ sở pháp lý, Bộ GTVT sẽ có phương án cụ thể cho từng dự án nhượng quyền. Việc định giá các cảng hàng không sân bay sẽ do Bộ Tài chính chủ trì và Bộ GTVT sẽ công khai các vấn đề pháp lý.

“Đã đến lúc không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, cần huy động các nguồn lực khác cho sự phát triển của ngành GTVT. Hiện tại, đã có đầy đủ cơ sở pháp lý cơ bản, nhưng vẫn cần hoàn thiện thêm, trong đó có sự tham gia đóng góp của nhân dân, báo chí. Vấn đề cần giải quyết hiện nay là tạo được cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác các cảng hàng không hay không, đồng thời đảm bảo không có độc quyền”, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết.


Tiến Hiếu