07:22 24/07/2015

Miền Trung thiệt hại do nắng hạn kéo dài

Người dân khu vực miền Trung đang phải chống chọi với những đợt nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất.

Người dân khu vực miền Trung đang phải chống chọi với những đợt nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất.

“Giặc hạn” hoành hành

Nắng nóng kéo dài liên tục trên 40 độ C, kèm gió Lào thổi mạnh trong thời gian qua đã khiến rất nhiều sông suối, hồ đập ở Nghệ An cạn khô, nhiều diện tích lúa hè thu đã gieo cấy đã bị héo khô, nhiều diện tích đất thiếu nước không thể canh tác. Ở các huyện miền núi như Thanh Chương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Tương Dương..., nhiều nơi bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hàng loạt vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra trên địa bàn các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Con Cuông, khiến hàng trăm hécta rừng bị thiêu rụi. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, nắng nóng cùng hạn hán đã khiến cho gần 14.000 ha diện tích vụ hè thu chưa thể gieo cấy vì thiếu nước, 4.500 ha lúa đã cấy rồi nhưng bị khô, chết, 2.500 ha ngô bị cháy chết và gần 2.000 ha chè cháy lá.

Hoa màu của hộ ông Phạm Châu (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) bị chết do hạn hán kéo dài.Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Ngày 1/7/2015, khu vực rừng thông Động Tù Và, thuộc 2 xóm Tân Long và Ngọc Sơn (xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đã xảy ra cháy rừng, do đêm tối, khu vực bị cháy lại dốc đứng và xa nguồn nước, nên việc dập lửa rất khó khăn.

Cùng tình trạng, tỉnh Ninh Thuận vừa phải hứng chịu đợt nắng nóng, khô hạn khốc liệt nhất trong hơn 20 năm qua, các hồ chứa cơ bản hết nước, dung tích đều dưới 10%. Theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận, diện tích cây trồng vụ đông xuân của địa phương này mất trắng trên 500 ha, giảm năng suất gần 1.600 ha; diện tích hè thu phải dừng do thiếu nước là hơn 10.000 ha; gần 1.500 con gia súc bị chết do thiếu thức ăn và nước uống… Nắng hạn kéo dài khốc liệt đã khiến UBND tỉnh Ninh Thuận phải ký quyết định công bố khẩn cấp tình trạng hạn hán trong toàn tỉnh. Ông Phan Văn Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Vừa rồi ở Ninh Thuận đã có mưa, nhưng vẫn chưa đủ nước để tiến hành gieo trồng vụ lúa hè thu, vì vậy Sở đã xây dựng đề án để thay thế các loại cây trồng khác như: ngô, đậu, cỏ chăn nuôi… hạn chế ruộng bỏ hoang”.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), chỉ tính riêng các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa, tình trạng nắng hạn đã làm thiệt hại khoảng 54.833 ha diện tích cây trồng vụ đông 2014-2015 và vụ hè thu 2015. Tổng diện tích không canh tác được do thiếu nước tại 5 tỉnh trên khoảng 47.082 ha; trong đó diện tích lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước khoảng 30.531 ha, diện tích cây trồng cạn phải dừng sản xuất gần 16.551 ha. Không chỉ làm lúa, bắp chết vì thiếu nước, mà chăn nuôi của bà con nông dân cũng đang thiệt hại nặng nề. Hạn hán đã gây thiếu nguồn nước, nguồn thức ăn, làm suy dinh dưỡng và ngộ độc chết khoảng 1.810 con gia súc gồm dê, cừu, trâu bò… tập trung chủ yếu tại Ninh Thuận.

Nắng hạn kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Theo thống kê của Bộ NN & PTNT, từ tháng 1/2015 đến cuối tháng 6/2015, có gần 150.000 người dân bị lâm vào cảnh thiếu nước ăn và nước sinh hoạt. Trong đó, Bình Thuận là nơi thiếu nước trầm trọng nhất, với 119.350 người bị ảnh hưởng.

Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tình trạng thiếu nước, khô hạn ở Trung Bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ sẽ còn tiếp tục kéo dài, đến khoảng nửa đầu tháng 9/2015. Tình trạng hạn hán tiếp tục xảy ra ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt tại một số huyện thuộc các tỉnh: Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận... xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Bộ.

Cần biện pháp ứng phó

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng hạn hán kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, giảm năng suất, sản lượng cây trồng, giảm nguồn thu ngân sách… mà còn gây ra những biến động xã hội như di dân, ngưng trệ nhiều nguồn sinh kế, phải cứu trợ khẩn cấp. Để cứu bà con cũng như sản xuất nông nghiệp khỏi đại hạn, nhiều tỉnh đã có công văn đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí, khắc phục thiệt hại và tháo gỡ những khó khăn. Chính phủ cũng đã phê duyệt kinh phí để khắc phục hạn hán, cứu trợ đời sống nhân dân bị thiệt hại.

Trước tình hình thiên tai khốc liệt, nhiều địa phương đã kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp, bằng cách hỗ trợ nước sinh hoạt, gạo cứu đói… cho người dân. Nhưng đó vẫn chỉ là những giải pháp tạm thời trước mắt. Về lâu dài, rất cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng ứng phó với biến đổi khí hậu để đảm bảo an sinh cho người dân. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi lớn và nhỏ ở nơi có điều kiện, để tăng tích trữ nước phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là các địa phương có nguy cơ cao về khô hạn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn tình trạng phá rừng, đồng thời tiến hành trồng rừng để tăng độ che phủ và tăng khả năng giữ nước.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Cần Thơ, để giải quyết nạn hạn hán ở Việt Nam là rất khó và tốn kém. Chính phủ và các cơ quan bảo tồn nguồn nước có thể dùng ngân sách quốc gia hoặc của tỉnh để đầu tư nâng cấp hệ thống kênh thủy lợi và hệ thống hồ chứa, làm một số đập dâng trên hệ thống sông, mở rộng các nhà máy cấp nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, chúng ta cần dùng cả các giải pháp đắt tiền như đầu tư thiết bị và công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt song song chọn lựa và canh tác các giống cây trồng chịu hạn, áp dụng các phương pháp tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp và tăng cường biện pháp dự trữ nước cho các hộ gia đình. Nhưng cấp bách nhất là phải nhanh chóng trồng lại và bảo vệ các cánh rừng đầu nguồn nhằm giảm tác dụng khô nóng và làm nơi dự trữ nước tự nhiên cho sông, rạch trong lưu vực.

TG