02:09 22/02/2011

Miền Bắc sẽ có mưa rào trong những ngày giữa tuần

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào những ngày giữa tuần này (23-24/2), do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao ở Bắc bộ sẽ xuất hiện mưa rào nhẹ rải rác.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào những ngày giữa tuần này (23-24/2), do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao ở Bắc bộ sẽ xuất hiện mưa rào nhẹ rải rác.


Lượng mưa tuy không lớn (dự kiến khoảng 5-15 mm) nhưng cũng cung cấp một lượng ẩm đáng kể cho sản xuất và đời sống, giảm nguy cơ cháy rừng, nhất là đối với các tỉnh vùng núi.

Sau lần xả thứ 2, kéo dài từ ngày 11 đến 20/2, các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng đã lấy nước vào đồng được 98% diện tích gieo cấy lúa đông xuân. Những tỉnh đạt gần 100% là Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên.

Sau đợt xả thứ 2, mực nước các hồ thủy điện đã giảm nhiều, đến ngày 21/2, mực nước hồ Hòa Bình xuống mức 88,14 m, trên mực nước chết 8 m; hồ Tuyên Quang xuống mức 99,6 m, trên mực nước chết 9,6 m. Lượng nước còn ít ỏi này để phát điện bổ sung trong trường hợp nắng nóng bất thường xảy ra vào đầu mùa hè sắp đến.

Đến 7 giờ sáng ngày 21/2, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã xuống mức 1,4 m. Dự báo, trong vài ba ngày tới, mực nước hạ lưu sông Hồng tiếp tục xuống và dao động trong khoảng từ 0,4 đến 0,8 m.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ trong những ngày đầu tháng 2, độ mặn cao nhất trên sông Sài Gòn tại trạm Nhà Bè (TP.HCM) dao động ở mức 14,6 g/lít (cao hơn cùng kỳ năm 2010 gần 6 g/lít). Tương tự, tại các sông Vàm Cỏ Đông (Long An), Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (Trà Vinh), Đại Ngãi (Hậu Giang), độ mặn cũng tăng 3,3 - 13 g/lít so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tăng độ mặn là do lưu lượng nước thượng nguồn sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long về ít, gió mùa đông bắc thổi mạnh, đẩy mặn sâu vào cửa sông và nội đồng. Kết quả quan trắc của Viện Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường TP.HCM cho thấy trên sông Sài Gòn, độ mặn 4 - 5 g/lít cũng đã xâm nhập qua vùng Cát Lái, Thủ Thiêm.

Dù sông Sài Gòn bị nhiễm mặn nhưng Nhà máy nước Tân Hiệp vẫn có thể lấy nước để xử lý là nhờ hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn. Tuy nhiên mực nước trong hồ Dầu Tiếng (ngày 18/2) chỉ còn ở cao trình +20,61 m, thấp hơn 2 m so với cùng kỳ 2010 và chỉ còn cao hơn mực nước chết 3 m. Với lượng nước còn lại trong hồ Dầu Tiếng khoảng 446 triệu m3, trong đó sẽ phải phục vụ đẩy mặn cho Nhà máy nước Tân Hiệp khoảng 140 triệu m3, lượng còn lại phục vụ tưới tiêu cho Tây Ninh và TP.HCM (kéo dài đến tháng 7/2011) nên hồ sẽ cạn rất nhanh.

Trong tuần qua, nắng nóng cục bộ ở Nam bộ, nhất là ở các tỉnh miền Đông và TP.HCM đã bắt đầu và sẽ gia tăng trong từ nay đến cuối tháng 4 nên tình hình xâm nhập mặn, khô hạn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

T.H