12:10 07/12/2010

Mĩ thuật VN: Mang hơi thở đương đại

5 năm một lần, giới mỹ thuật Việt Nam và những người yêu mỹ thuật lại có dịp hội ngộ trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Triển lãm năm 2010 diễn ra từ 1 - 15/12/2010...

5 năm một lần, giới mỹ thuật Việt Nam và những người yêu mỹ thuật lại có dịp hội ngộ trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Triển lãm năm 2010 diễn ra từ 1 - 15/12/2010, tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, số 2 Hoa Lư – Hà Nội, nhằm tổng kết, đánh giá chất lượng sáng tác, chất lượng tác phẩm và khuynh hướng nghệ thuật, cùng các vấn đề của đời sống mỹ thuật, đồng thời giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu trong 5 năm qua (2006 - 2010). Với sự đa dạng về ngôn ngữ, chất liệu cùng với sự phong phú về những mảng đề tài phản ánh cuộc sống, triển lãm năm nay đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc khác lạ.

Hơi thở đương đại

836 tác phẩm của 735 tác giả trên cả nước (trong tổng số gần 5.000 tác phẩm được gửi đến tham dự) đã được chọn để trưng bày tại triển lãm. Theo đánh giá của BTC, chất lượng các tác phẩm trong triển lãm khá đồng đều, chủ đề, đề tài phong phú và đa dạng. Bên cạnh những chủ đề, đề tài quen thuộc như lịch sử, về đời sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc... có rất nhiều tác phẩm đi sâu vào phản ánh những khía cạnh của xã hội, vấn đề môi trường, giao thông, những vấn đề của thế hệ trẻ, nhịp sống đương đại. Những tác phẩm này hầu hết được sáng tác bởi các họa sỹ trẻ.

Những tác phẩm tại triển lãm thu hút sự quan tâm của người xem trong ngày khai mạc. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN


Vấn đề môi trường, một trong những mặt nhức nhối nhất của cuộc sống hiện đại được các họa sỹ trẻ quan tâm đặc biệt và thể hiện qua nhiều chất liệu, từ tranh sơn dầu, sơn mài, đến sắp đặt, từ điêu khắc đến hội họa... Đó là “Sông chết” của tác giả Lê Thế Anh với hình ảnh khuôn mặt ngây thơ của một bé gái đeo chiếc mặt nạ chống độc, tay cầm chiếc chong chóng đứng bên cạnh dòng sông chết do ô nhiễm. Rồi “Hiệu ứng nhà kính”, “Dưới phố”, “SOS”, “Nhận tai – tại nhân”, “Môi trường”, “Sự nhạy cảm của thiên nhiên”... Ngoài ra, các vấn đề của cuộc sống đương đại như vấn nạn giao thông, nạn dây điện “chăng tơ nhện” trong thành phố... cũng được các tác giả khai thác và thể hiện.

Họa sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm nay đã có nhiều nét mới, xuất hiện nhiều tác phẩm có đề tài mới như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... Các tác giả cũng đi sâu vào thể hiện nội tâm, số phận của con người. Chất liệu kim loại như đồng, sắt được lựa chọn nhiều, nghệ thuật sơn mài cũng có nhiều điểm mới... Đã có một cuộc chuyển giao thế hệ ở đây. Những phương pháp biểu đạt cũ, những đề tài quen thuộc hàng thập kỷ đã nhường chỗ cho những tìm tòi sáng tạo mới”.

Gương mặt mới chiếm ưu thế

Nhìn vào đội ngũ các tác giả lên nhận giải thưởng năm nay, có rất nhiều gương mặt họa sỹ trẻ, điều đó cho thấy sự phát triển không ngừng của hội họa nước nhà. Ba giải Vàng đều thuộc về những gương mặt mới: Tác phẩm sơn dầu “Mầm đá” của Vũ Cương (Hà Nội), tác phẩm sơn mài “Hà Nội có cầu Long Biên” của Nguyễn Trường Linh và tác phẩm bằng đồng “Những lá thư thời chiến” của Nguyễn Quốc Thắng.

3 tác phẩm này đều mang tính nhân văn sâu sắc. Họa sỹ Vũ Cương, tác giả bức “Mầm đá” cho biết: “Bức tranh được lấy cảm hứng từ cuộc sống nhọc nhằn của đồng bào vùng cao sống trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Những em bé người Mông ấy như mầm sống vươn lên từ những khe đá tai bèo hiểm trở. Cuộc sống nhọc nhằn, khí hậu khắc nghiệt là thế, nhưng vẫn không ngăn cản được sức sống mãnh liệt của một dân tộc cần cù lao động”.

Tác phẩm sơn mài “Hà Nội có cầu Long Biên” của tác giả Nguyễn Trường Linh cũng với một đề tài, hình ảnh rất quen thuộc, nhưng được tác giả sử dụng màu sắc mới, với sắc xanh trong sơn mài đã làm nên một tác phẩm khá độc đáo. Tác phẩm “Những lá thư thời chiến” bằng chất liệu đồng của tác giả Nguyễn Quốc Thắng đã phản ánh hành trình đầy bom đạn mà người chiến sỹ quân bưu phải vượt qua để từ hậu phương ra tiền tuyến, thông qua sự phối hợp ngôn ngữ điêu khắc và sắp đặt.

PGS, họa sỹ Lê Anh Vân – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội họa và Đồ họa nhận xét: “Các tác giả trẻ qua các tác phẩm của họ đã tạo nên một luồng sinh khí mới, trẻ trung cả về quan niệm, cách nhìn, ý tưởng, cách xử lý chất liệu, góp phần tạo nên thành công của triển lãm. Nếu chúng ta có những chính sách, những đầu tư hợp lý hơn nữa, mỹ thuật Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai”.

PV