05:08 23/05/2018

#MeToo thế giới, #MeToo Việt Nam

Liên hoan phim Cannes ở Pháp năm nay không giống mọi năm. Ngoài những bộ phim hay, những diễn viên xúng xính xiêm y đi dự lễ, còn có những vụ tố cáo cưỡng hiếp, mà người bị tố chính những nhân vật nổi tiếng trong ngành.

Ngày 19/5, giới chức Pháp mở một cuộc điều tra nhằm vào đạo diễn phim người Pháp nổi tiếng Luc Besson. Một nữ diễn viên đã tố cáo bị ông này đánh thuốc rồi cưỡng hiếp tại khách sạn vào thời điểm Liên hoan phim sắp bế mạc.


Ngày 20/5, trong bài phát biểu tại lễ bế mạc Liên hoan phim Cannes, diễn viên kiêm nữ đạo diễn Italy Asia Argento đã nhân cơ hội đứng trên sân khấu để nhắc lại, để tố cáo lại một lần nữa, bằng giọng nói đanh thép, rằng chính tại nơi hào nhoáng này cách đây 20 năm, bà đã bị nhà sản xuất, ông trùm truyền thông Hollywood Harvey Weinstein cưỡng hiếp. Argento là một trong những người đầu tiên tố cáo ông Weinstein năm 2017, góp phần tạo nên phong trào tố cáo thủ phạm quấy rối tình dục #MeToo phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.


Khi bộ mặt thật của ông trùm người Mỹ Weinstein bị vạch trần, Hollywood chấn động, thế giới chấn động. Khoảng tối của thế giới điện ảnh hòa hoa bị phơi bày rõ hơn bao giờ hết, nơi mà các nữ diễn viên suốt mấy chục năm qua đã bị ép phải chịu đựng, đánh đổi thân xác để có chỗ đứng trong nghề.


Nhưng với những tiếng nói như của Asia Argento, các nữ diễn viên nói riêng và phụ nữ nói chung không giấu kín bi kịch nữa, không chịu đựng trong im lặng nữa. Họ đã vùng lên, đã dũng cảm điểm mặt chỉ tên kẻ quấy rối, cưỡng hiếp, tấn công tình dục mình. Phong trào #MeToo (tạm dịch: Tôi cũng vậy) phát triển như cơn sóng cuộn trào, lần lượt cuốn phăng tên tuổi, địa vị, danh dự, tự trọng của những “yêu râu xanh” núp bóng nghệ thuật. Nào Harvey Weinstein, nào Kevin Spacey, nào Louis CK… tất cả đều bị nhìn với ánh mắt khinh thường.


Phong trào #MeToo lan rộng sang các lĩnh vực khác, vạch trần những bộ mặt thật của người nổi tiếng trong làng truyền thông, báo chí và cả Quốc hội Mỹ. #MeToo cho thấy sức mạnh của tiếng nói tập thể, của tinh thần phản kháng từ những con người luôn bị coi là phái yếu.


Từ Mỹ, #MeToo đã được phụ nữ khắp thế giới đón nhận khi họ ý thức rằng mình cần phải công khai câu chuyện để kẻ đáng xấu hổ là thủ phạm chứ không phải nạn nhân.


Còn ở Việt Nam thì sao? Báo chí trong nước gần đây cũng nóng chuyện tố cáo lạm dụng tình dục trong giới nghệ thuật. Ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa đã chịu sức ép dư luận nặng nề khi thời gian đầu nhất định không thừa nhận mình đã “gạ tình” vũ công Phạm Lịch. Sự im lặng chối tội đó không tồn tại được lâu khi xuất hiện người thứ hai, rồi người thứ ba lên tiếng tố cáo. Anh Khoa đã buộc phải cúi đầu, khóc xin lỗi các nạn nhân trong một họp báo chóng vánh. Nếu không có sức mạnh cộng hưởng từ hai cô gái lên tiếng sau đó, thì có lẽ Phạm Lịch vẫn bị nhiều người cho là dựa hơi Anh Khoa, tạo scandal để nổi tiếng.


Mới đây, một người mẫu khỏa thân cũng đã dũng cảm công khai tên tuổi khi tố cáo một họa sĩ nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh cưỡng hiếp mình khi đang vẽ trong phòng khách sạn. Dù ý thức rằng sẽ có những ý kiến nhục mạ nghề nghiệp khỏa thân nhạy cảm nhưng cô cho biết không vì thế mà im lặng để rồi sẽ có nhiều nạn nhân tiếp theo.


Cách đó không lâu, một nhà báo ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị cho thôi việc vì bị nữ cộng tác viên tố cáo cưỡng hiếp. Chuyện một ông lão phải ra tòa vì dâm ô nhiều trẻ em. Một lái xe công nghệ Grab đang bị điều tra vì quấy rối tình dục một khách hàng là bé gái 9 tuổi bằng lời nói…


Có thể nói, với các vụ tố cáo gây tác động mạnh đến dư luận chỉ đếm trên đầu ngón tay như thời gian qua, phong trào #MeToo chưa thể gọi là đã có mặt ở Việt Nam. Những vụ việc mới đây chỉ là manh nha, khiến người ta liên hệ với #MeToo trên thế giới. Dù vậy, đó là tín hiệu tích cực và cần phải nhân cơ hội này thúc đẩy mạnh hơn nữa tiếng nói tố cáo của phụ nữ.


Quấy rối tình dục không chỉ xảy ra ở thế giới nghệ thuật, mà phổ biến ở mọi ngành nghề, tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, không ít nạn nhân vì tâm lý xấu hổ, e sợ bị trả thù hay vì lý do nào khác mà phải cam chịu. Họ không biết rằng họ đang tiếp tay cho tội ác bằng sự im lặng không phải là vàng đó.


Cũng phải nói đến một thực tế rằng luật pháp chưa đủ mạnh để đứng về nạn nhân. Chứng minh một nghi phạm quấy rối tình dục trước tòa là điều không dễ dàng. Xã hội cũng chưa có cái nhìn đúng đắn về nạn nhân quấy rối tình dục vì nhiều khi họ bị đổ lỗi là tạo điều kiện cho các vụ cưỡng hiếp.


Nhưng không vì thế mà phụ nữ phải im lặng, im lặng suốt 20 năm như nữ đạo diễn Asia Argento. Bản thân phụ nữ cần phải dũng cảm, nhưng xã hội cũng cần phải chia sẻ và tạo sức mạnh cho họ để tội ác không còn đất sống, như lời cảnh báo cứng rắn của bà Asia tại Cannes: “Chúng tôi biết các anh là ai và chúng tôi sẽ không cho phép các anh thoát tội nữa”.


Thùy Dương