08:23 20/08/2013

Mèo Vạc chuẩn bị tốt cho năm học mới

Nằm trên Cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao; nhưng huyện Mèo Vạc luôn quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện tốt nhất mỗi khi bước vào năm học mới.

Nằm trên Cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao; nhưng huyện Mèo Vạc luôn quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện tốt nhất mỗi khi bước vào năm học mới.


Trường PT dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn được xây dựng khang trang, sạch đẹp đáp ứng tốt nhu cầu cho năm học mới.

 

Chuẩn bị cho năm học mới, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo rà soát, thống kê và lập danh mục các phòng học, điểm trường bị xuống cấp để tiến hành tu sửa, đầu tư xây mới kịp thời trong dịp nghỉ hè. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND huyện bố trí kinh phí tu sửa 66 phòng học tại 41 điểm trường của 18 xã, thị trấn; và xây dựng tường rào, láng lát sân trường học.


Đồng chí Trần Kim Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: Huyện đã tập trung chỉ đạo sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp học, điểm trường học với nguồn kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình giáo dục như: Xây dựng nhà lưu trú giáo viên, học sinh. Huy động nhân dân các xã cùng chung tay chuẩn bị cho năm học mới. Đến nay cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ. Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị trường học bố trí chỗ ăn, ở cho học sinh bán trú đảm bảo hợp lý, khoa học, giúp các em yên tâm ở lại trường, học tập tốt hơn.


Năm học 2013-2014, toàn huyện Mèo Vạc có 55 đơn vị trường học; 1.099 lớp, nhóm lớp, với 22.346 học sinh. Số phòng học hiện có 1.063 phòng, trong đó 355 phòng kiên cố, 535 phòng học cấp 4 và 173 phòng học tạm. Và có 483 phòng lưu trú giáo viên, 172 phòng lưu trú học sinh.

Bên cạnh đó, nhằm tạo ra sự đột phá trong việc nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, Thường trực UBND huyện đã dành nhiều thời gian đi cơ sở, làm việc cụ thể với cấp ủy, chính quyền 16 xã về công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động học sinh đi học THPT và học nghề theo Đề án 844 của UBND tỉnh Hà Giang. Kết quả, tính đến ngày 31/7/2013 đã có gần 400 hồ sơ học sinh đăng ký tuyển sinh vào trường THPT Mèo Vạc, tăng hơn 2 lần so với năm học trước.


Đến thời điểm này các nhà trường hầu hết đang tích cực hoàn thiện cơ sở vật chất, lớp học, bàn ghế… nhằm đón học sinh bước vào năm học mới. Thầy giáo Hoàng Thanh Hải- Hiệu trưởng trường PT dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn phấn khởi cho biết: “Ngay trong tháng 4/2013, nhà trường đã được huyện quan tâm đầu tư láng lát sân trường rộng 2.200 m2 và xây dựng tường rào bao quanh khuôn viên trường với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Xây dựng nhà ăn 5 gian, rộng 105 m2, phục vụ cho các em học sinh bán trú hàng ngày. Bên cạnh đó, trong năm 2012-2013, nhà trường đã đầu tư 140 triệu đồng để nâng cấp, tu sửa ba phòng học bộ môn. Dự án Plan cũng đã hỗ trợ lắp đặt đường ống dẫn nước sinh hoạt dài 1.000 m từ hồ treo của xã về trường học, do đó năm học mới này thầy trò cũng không lo thiếu nước nữa”. Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc còn tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên và đôn đốc các đơn vị cung ứng sách giáo khoa, vở viết kịp thời cho các đơn vị trường học đảm bảo đầy đủ trước thềm năm học mới.


Trong năm học 2013-2014, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường ở bậc mầm non, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Triển khai các đề án về đổi mới phương pháp dạy và học, đề án phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi, đề án nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học THPT...


Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng sự chủ động và khẩn trương của ngành giáo dục; huyện Mèo Vạc bước vào năm học 2013-2014 với niềm tin tưởng sẽ có nhiều bước đột phá mới, phấn đấu trở thành điểm sáng về sự nghiệp giáo dục trên Cao nguyên đá.



Bài và ảnh: Quỳnh Lưu