07:06 17/07/2016

Mê mải đi tìm tiếng trúc, tiếng tơ…

Triển lãm nhạc cụ truyền thống bằng dây tơ (diễn ra từ 8-18/7/2016) tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Nhiều người tò mò bởi đàn dây tơ đã thất truyền từ lâu, giờ lại xuất hiện. Càng thú vị hơn nữa, là những những cây đàn này do NSND Xuân Hoạch, một trong những nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam về âm nhạc truyền thống tự mình phục dựng, chế tác. 

Tìm lại tiếng tơ… 

Căn nhà lá đơn sơ nằm sâu trong ngõ Chùa Láng, vừa là “trụ sở” để NSND Xuân Hoạch cùng các đồng nghiệp của ông tổ chức gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về nghệ thuật truyền thống, vừa là “xưởng” chế tác nhạc cụ của ông. Thông thường, trừ những ngày đi công tác, hoặc đi biểu diễn xa, thời gian còn lại, hầu như ngày nào ông cũng có mặt ở đây. Khi thì ông cùng các bạn diễn của mình luyện tập các tiết mục để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn, hôm ông lại bố trí thời gian dạy học trò của mình đánh đàn, tập hát… những khi một mình, ông lại từ nghệ sỹ “biến” thành thợ mộc, tay cưa, tay đục, rồi mài dũa… để “phù phép” cho những khúc tre, những vỏ dừa, vỏ quả bầu nậm vô tri thành những cây đàn bầu, đàn nhị mộc mạc. Làm xong đàn, ông lại miệt mài lấy tơ tằm se lại làm dây đàn… tất cả là để tạo ra những chiếc đàn cổ truyền như các cụ xưa vẫn thường sử dụng. 

Âm thanh từ dây tơ của những cây đàn truyền thống do NSND Xuân Hoạch trình diễn chinh phục khán giả bởi sự gần gũi và da diết.

NSND Xuân Hoạch kể, khi còn theo học, thầy ông, nghệ nhân Đinh Khắc Ban thường nhắc đến những cây đàn ngày xưa các cụ dùng dây tơ, và ca ngợi tiếng đàn dây tơ hay lắm, khác lắm chứ không giống như tiếng đàn bằng dây thép, hay dây cước như bây giờ, nên ông tò mò, rất muốn tìm hiểu xem đàn dây tơ nó như thế nào. Những khi có dịp trò chuyện cùng bạn bè trong giới nghệ thuật, ông vẫn thường lân la tìm hiểu, xem có ai biết về dây tơ không. Rồi có người mách ông, ngày xưa, trên phố Khâm Thiên thường có những người dân làng lụa Vạn Phúc, mang những sợi tơ tằm đi rao bán để cho các nghệ nhân làm dây đàn. Có người bạn thấy ông cứ mãi trăn trở với dây tơ, nên đã tìm đến làng lụa Vạn Phúc, mua về cho ông một mớ dây tơ để ông thử nghiệm.  

Có sợi tơ tằm, ông mày mò tìm cách tết dây đàn. Loay hoay mấy tuần mới tết được một sợi dây, ông lắp thử vào đàn, thấy tiếng đàn dây tơ lạ lắm. Tiếng đàn trầm đục, nhưng nó gần gũi, da diết hơn. Chỉ tiếc là, vừa đánh được vài hôm dây đã bị đứt. Ông lại tiếp tục thử, rồi lại đứt… sau này, có người mách ông phải miết sáp ong lên dây tơ, để cho dây bền hơn, ông lại làm thử, quả nhiên dây đàn cứng và bền hơn trước nhiều. “Những sợi tơ thô, mới se ra từ kén, vẫn còn nguyên nhựa của con tằm. Mình se xong, vuốt sáp ong vào để sáp ong bám và giữ chắc dây, sau đó lại đo kích thước, se thành dây đàn, cầu kỳ và mất công lắm”, NSND Xuân Hoạch cho biết. 

Se được dây đàn đã khó như thế, nhưng làm thế nào để có đủ bộ dây phù hợp với cây đàn càng khó hơn. Ông đành phải se một lúc nhiều dây, với nhiều kích cỡ khác nhau, rồi lắp vào cây đàn chơi thử, dây nào vừa thì dùng, rồi vừa làm, vừa chỉnh sửa, cuối cùng, tiếng đàn đáy dây tơ của ông được các nghệ sỹ là những cao nhân trong làng cổ nhạc khen ngợi, họ bảo "Xuân Hoạch tìm lại được tiếng tơ rồi".  

Một đời say đắm với cung đàn   

Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, cái nôi của chiếu chèo đất Bắc. Khi còn nhỏ, Xuân Hoạch thường đi xem các anh, chị, chú bác trong gia đình đi tập diễn chèo. 8 tuổi tự mày mò học đánh đàn, đến năm 10 tuổi, Xuân Hoạch đã đánh đàn nhị, đàn tam cho tốp chèo trong xã biểu diễn. Năm 16 tuổi, Xuân Hoạch trúng tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), theo học khoa nhạc cụ dân tộc. Ra trường, ông được phân về đoàn Ca múa Trung ương (nay là Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam), cho đến khi về hưu. Tính đến nay, ông đã có hơn 50 năm gắn bó với cây đàn, với âm nhạc dân tộc.  

Được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND bởi những đóng góp với âm nhạc cổ truyền và là nghệ sỹ đánh đàn nguyệt, nhưng NSND Xuân Hoạch tự học và thông thạo hầu hết các nhạc cụ dân tộc, đàn đáy, đàn tam tứ, đàn nhị, rồi có khi thiếu người, ông còn đánh cả trống… Ông là bậc kỳ tài trong làng cổ nhạc với khả năng chơi thành thạo 6 loại nhạc cụ, một trong số rất ít những nghệ sỹ Việt Nam được tổ chức “World Masters” (Những bậc thầy thế giới) công nhận là Nghệ nhân thế giới. 

NSND Xuân Hoạch tâm sự, sau nhiều năm gắn bó và tâm huyết với âm nhạc truyền thống, một trong những tâm nguyện của ông là âm nhạc cổ truyền, nên ông rất muốn làm những cây đàn mộc như các cụ ngày xưa. Bởi ông nghĩ, bảo tồn âm nhạc truyền thống, nên dùng những nhạc cụ truyền thống với âm thanh mộc, chứ không nên dùng đàn có sử dụng loa âm thanh hiện đại như hiện nay. Thế là ông lục tìm trong tài liệu lưu trữ, tìm đến những người cao tuổi trong làng nhạc dân tộc để tìm hiểu về những cây đàn cổ. Cách đây hàng chục năm, ông đã bắt đầu mày mò học làm đàn bầu bằng tre, bằng gỗ mộc, với mong muốn tìm lại tiếng đàn mộc mạc ngày xưa, và ông đã thành công. Những cây đàn bầu của ông được giới trong nghề đánh giá cao. 

Cách đây vài năm, trong một lần tình cờ, ông có được một cây đàn nhị làm bằng quả dừa, về sau đó ông thay dây tơ vào, tiếng đàn nghe gần gũi, đi vào lòng người. Từ khuôn mẫu, ông lấy những quả dừa, quả bầu hồ lô, những cành tre trúc… tạo thành những chiếc đàn bầu, đàn nhị mộc mạc, nhưng được rất nhiều người yêu thích. “Lúc đầu chỉ định làm chơi, nhưng làm nhiều lại thấy ham”, NSND Xuân Hoạch tâm sự. 

Đàn bầu được ông làm bằng tre, gỗ, đàn nhị thì thường dùng quả dừa, quả bầu nậm, hoặc gốc tre để tạo thành. Ông còn cầu kỳ tạo hình công, phượng trên những cây đàn, khiến cho nhiều người rất thích, nhiều người đặt mua đàn do ông làm, trong đó có cả một số nhà nghiên cứu âm nhạc nước ngoài.  

Tính đến nay, tự tay ông đã chế tác được khoảng 20 cây đàn bầu, 20 chiếc đàn nhị. Ông bảo, đó là “cuộc chơi” của ông với những cung đàn, ông chế tác đàn vì muốn giữ lại hồn cốt của âm nhạc truyền thống. Trong cuộc chơi này, NSND Xuân Hoạch tha thiết muốn có thêm nhiều nhiều người tham gia, với một lý do đơn giản: “Không ai có thể sống mãi để đàn hát, nên tôi mong muốn có được những lớp trẻ kế cận có thể tiếp nhận và gìn giữ, để tinh hoa dân tộc không bị mai một”, NSND Xuân Hoạch tâm sự.
Phương Lan