12:01 04/12/2020

Mê Linh phấn đấu về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2021

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) Hoàng Anh Tuấn, đến nay, huyện đã cơ bản đạt 7/9 nhóm tiêu chí của huyện nông thôn mới và phấn đấu về đích huyện nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2021.

14/16 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện chủ trương thực hiện "nhiệm vụ kép": Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển ổn định kinh tế.

Chú thích ảnh
Thắp hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng. Ảnh: TN

Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng giá trị sản xuất toàn huyện ước đạt hơn 28.200 tỷ đồng (bằng 99,3% kế hoạch); tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 7,7% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, thu nội địa năm 2020 của huyện Mê Linh dự kiến đạt 1.553 tỷ đồng, bằng 157,1% dự toán HĐND TP. Hà Nội giao, xếp thứ 3/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội.

Kinh tế ổn định tạo nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã có 14/16 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, còn 2 xã Tam Đồng và Tự Lập đang được huyện tập trung nguồn lực đầu tư gần 170 tỷ đồng để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, Mê Linh đầu tư hơn 78 tỷ đồng cho 2 xã Liên Mạc và Đại Thịnh thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Chú thích ảnh
Khảo sát mô hình trang trại. Anhr: TN

Đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn mới đã có những sự thay đổi cơ bản, khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Các xã trên địa bàn huyện cũng không còn nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, đến nay huyện đã cơ bản đạt 7/9 nhóm tiêu chí của huyện Nông thôn mới (NTM) gồm: Giao thông, thuỷ lợi, điện; sản xuất, an ninh, trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM.

Ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái

Nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng đầy đủ các kế hoạch, chương trình, đề án để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đồng thời, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp an toàn gắn với sơ chế, chế biến sâu để tận dụng thế mạnh địa phương, giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Thu hoạch nông sản.

Nói về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết sẽ tập trung chỉ đạo các xã xây dựng đề án, các kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện công tác xây dựng NTM theo tiêu chí xã NTM nâng cao; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất, trường học, cơ sở vật chất văn hoá đảm bảo đạt theo tiêu chí NTM nâng cao.

Cụ thể, trong năm 2021, huyện đầu tư cho 2 xã còn lại là Liên Mạc và Đại Thịnh để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới để trình các cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2021.

Chú thích ảnh
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời huyện cũng tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí huyện NTM để cuối năm 2021, hoàn thành hồ sơ trình Thành phố, Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Bên cạnh đó, trong hai tiêu chí Huyện nông thôn mới chưa đạt chuẩn, lãnh đạo huyện đánh giá môi trường là tiêu chí khó, bởi hiện, địa phương vẫn còn tới 14/16 xã chưa có bãi tập kết rác thải.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, TP. Hà Nội đã giao huyện thực hiện đấu thầu thu gom xử lý rác. Việc đấu thầu sẽ được triển khai từ ngày 1/1/2021 và đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Huyện sẽ rà soát, xác thực từng tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm chính xác đến từng vị trí, từng km đường để nhân với đơn giá của thành phố.

Chú thích ảnh
Hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Theo quy định, huyện phải có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đạt tiêu chuẩn; cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ như công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường. Bởi vậy, huyện đang tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn lập dự án đầu tư xây dựng những điểm tập kết còn thiếu, hướng tới hoàn thiện rất cả các điểm tập kết có tường bao, mái che, nền bê tông và hố xử lý nước thải.

Quy hoạch nông thôn mới yêu cầu mỗi thôn mới yêu cầu mỗi thôn có ít nhất một bãi tập kết rác để trung chuyên, nhưng kinh phí bố trí chưa có. Khi không có bãi rác dẫn đến tình trạng người dân đổ rác ra nơi công cộng, ven các tuyến đường. Huyện có 99 thôn, tổ dân phố nên sẽ phải có 99 bãi tập kết.

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thiện 2 tiêu chí còn lại là Môi trường và Y tế - Văn hóa - Giáo dục, để cuối năm 2021, có thể hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Phạm Liên