02:08 22/02/2013

May nhờ, rủi chịu

Sau nhiều trì hoãn, cuối cùng thì ngày khai mạc Giải vô địch bóng đá quốc gia 2013 cũng đã được xác định (ngày 2/3). Dù quá trình chuẩn bị của các câu lạc bộ gặp không ít trắc trở, rồi cả nguy cơ giải đấu có thể phải hoãn, nhưng tất cả đã lên dây cót tinh thần cho mùa bóng mới.

Sau nhiều trì hoãn, cuối cùng thì ngày khai mạc Giải vô địch bóng đá quốc gia 2013 cũng đã được xác định (ngày 2/3). Dù quá trình chuẩn bị của các câu lạc bộ gặp không ít trắc trở, rồi cả nguy cơ giải đấu có thể phải hoãn, nhưng tất cả đã lên dây cót tinh thần cho mùa bóng mới.

 

Động thái trong mấy ngày qua đã cho thấy quyết tâm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) trong việc giải cứu một mùa bóng đầy những biến động.

 

Nói vậy, nhưng những tín hiệu được phát ra từ cuộc họp của VPF diễn ra ngày 20/2 cho thấy, bóng đá Việt Nam đang đứng trước thử thách sống còn. Trước cuộc khủng hoảng về tài chính kéo dài, không ít doanh nghiệp đã quyết định rút lui khỏi bóng đá, nhiều CLB đã buộc phải giải thể hoặc sang nhượng... Một sự thật không được mong đợi là có quá nhiều thay đổi ở giải đấu có truyền thống hơn 10 năm như V.League. Cụ thể, V.League từ số lượng 14, chỉ còn 12 CLB trước khi mùa bóng 2013 khởi tranh. Ở giải hạng Nhất tình hình thậm chí còn u ám hơn nhiều, chỉ với 8 CLB đăng ký tham gia, nhưng có tới 3 suất thăng hạng (lên V.League) ở mùa bóng năm sau (2014)...

 

Hầu hết các CLB dù nhận lời tham dự giải, nhưng đều ở trạng thái miễn cưỡng. V.League giờ chẳng khác gì đánh trống ghi tên, không còn là cuộc đua tranh quyết liệt (cả lên hạng và trụ hạng) như những mùa giải trước. Các CLB đều thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu, thoi thóp để tồn tại; tuyển thủ cũng chấp nhận hạ lương (còn hơn là thất nghiệp) và việc treo thưởng ở các CLB cũng rất dè dặt. Chưa kể, dù ngày khai mạc mùa giải mới đã cận kề, nhưng một số CLB hiện vẫn đang nợ lương huấn luyện viên và cầu thủ. Mới chỉ một năm trước thôi, cầu thủ bóng đá còn được xem là nghề hái ra tiền, bởi chế độ đãi ngộ mà các cầu thủ được hưởng vượt trội so với mặt bằng chung của xã hội. Lương cầu thủ ở V.League thậm chí còn cao hơn cả lương cầu thủ ở một số nền bóng đá trong khu vực. Cầu thủ ngôi sao giàu có, sung túc đã đành, có không ít cầu thủ chỉ thi đấu trong một thời gian ngắn nhưng đã có tỷ nọ, tỷ kia rủng rỉnh.


Tuy nhiên, thời thế thay đổi quá nhanh, khi mà nền bóng đá đang phải gồng mình chống chọi với cơn khủng hoảng kinh tế trên diện rộng. Với không ít cầu thủ, mong ước của họ giờ chỉ cần có chốn dung thân, để tập luyện và thi đấu... Vậy nên, mùa giải 2013 đã sắp khởi tranh mà không thấy những bản hợp đồng bom tấn như những mùa giải trước. Những quả bong bóng về giá trị chuyển nhượng cầu thủ ở V.League cũng nhanh chóng xì hơi.


Chẳng khó để lý giải cho sự thay đổi đến kinh ngạc nói trên, bởi sau hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam ở cấp CLB vẫn chưa thể tự nuôi nổi bản thân, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài. Vậy nên, khi nguồn tiền cung cấp cho bóng đá bị thu hẹp (hoặc bị cắt giảm), thì lập tức đội bóng đứng bên bờ vực phá sản.


Hẳn là ở thời điểm này, dù có lạc quan mấy chăng nữa, cũng chẳng ai dám đặt cược vào sự thành công ở mùa bóng mới của bóng đá Việt Nam ở cả cấp độ CLB cũng như ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Vẫn chỉ là “may nhờ, rủi chịu”. Và dĩ nhiên chưa thể khẳng định được điều gì khi trái bóng V.League 2013 vẫn còn chưa lăn.

Yến Nhi