09:01 26/09/2019

Mây mù gây ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh là sương mù quang hóa

Chiều 25/9, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện tượng mây mù, gây ô nhiễm không khí diễn ra trong các ngày 18 – 22/9 vừa qua tại Thành phố là sương mù quang hóa.

Chú thích ảnh
Các phương tiện lưu thông tại TP Hồ Chí Mimh. Ảnh: TTXVN

Đây là hiện tượng thời tiết bất lợi đặc thù thường xuất hiện trên địa bàn Thành phố vào cuối tháng 9, tháng 10 và thời điểm giao mùa Đông Xuân (tháng 1 và tháng 2 năm sau).

Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, sương mù quang hóa là sương mù xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ (ánh mặt trời) gây đảo nhiệt kết hợp với độ ẩm trong không khí cao, từ đó tích tụ ngưng kết các chất ô nhiễm sẵn có trong không khí ở tầng cao, tạo hiện tượng mù quang hóa, đặc biệt trong khu vực nội thành. Hiện tượng này có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn. Tình hình mù quang hóa sẽ giảm dần khi chất lượng không khí được cải thiện trong vài ngày tới.

Trước tình hình trên, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm.

Khi lưu thông trên đường xa lộ, cao tốc, người sử dụng phương tiện nên hạn chế tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, bật đèn sương mù để đảm bảo an toàn giao thông. Người dân cần nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, tăng cường vệ sinh nhà cửa, hệ thống chiếu sáng, hạn chế phơi thực phẩm, áo quần, hạn chế sử dụng nước mưa.

Trước đó từ ngày 18-22/9, một số khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh có hiện tượng mây mù, nhất là khu vực gần sông Sài Gòn. Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết nguyên nhân ô nhiễm không khí, do cháy rừng từ Indonesia cũng như do hiện tượng mưa nhiều, thiếu nắng.

Trần Xuân Tình (TTXVN)