09:20 26/09/2019

‘Mày mò’ thực hiện mô hình trường tiên tiến hội nhập

Đề án trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế đã triển khai được 5 năm tại TP Hồ Chí Minh nhưng đến nay chỉ có 13 trường thực hiện mô hình này. Trong khi đó, những trường đang thực hiện mô hình này cũng gặp không ít những khó khăn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, đề án xây dựng trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế được UBND Thành phố ban hành từ năm 2014, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay đã có 13 trường tiểu học thực hiện theo mô hình này. Theo đó, những trường thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập đều được đầu tư sơn sửa trường lớp, trang trí đẹp theo hướng hiện đại, các phòng học chức năng được trang bị các thiết bị dạy học khá đầy đủ. Giáo viên cũng thay đổi phương pháp dạy học giúp học sinh chủ động trong việc học tập….

Chú thích ảnh
Một số trường vẫn đang chờ để được trang bị thêm các thiết bị hiện đại như bảng tương tác, máy vi tính.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề nghị, các trường chưa thực hiện mô hình nên suy nghĩ phấn đấu thực hiện, song song với thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 sắp tới. Mỗi quận, huyện phải tính toán xây dựng một đến 2 trường tiên tiến theo xu thế hội nhập trên địa bàn, nhưng phải hết sức quan tâm đến nâng cao chất lượng đội ngũ.

Tuy nhiên, theo các trường đang thực hiện mô hình này, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn như áp lực gia tăng dân số cơ học, áp lực tuyển sinh các lớp đầu cấp khiến nhiều quận huyện vẫn chưa xây dựng được mỗi cấp học có ít nhất một trường tiên tiến theo xu thế hội nhập. Cơ sở vật chất tuy đáp ứng đủ chỗ học và thiết bị dạy học tối thiểu nhưng qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp. Một số trường vẫn đang chờ để được trang bị thêm các thiết bị hiện đại như bảng tương tác, máy vi tính… nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu giảng dạy theo hướng hiện đại.

Chú thích ảnh
Áp lực gia tăng dân số cơ học, áp lực tuyển sinh các lớp đầu cấp khiến nhiều quận huyện vẫn chưa xây dựng được ít nhất một trường tiên tiến theo xu thế hội nhập ở mỗi cấp học.

Đại diện trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q. Tân Phú) cho hay, các trường đang bị bó buộc bởi những quy định nên trang bị cơ sở vật chất hết sức khó khăn. Đơn cử muốn trang bị máy lạnh thì phải đăng ký tập trung lên thành phố mất từ một đến 2 năm mới được duyệt, điều này phụ huynh hoàn toàn không đồng ý. Tương tự trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10) đi vào hoạt động đã 17 năm, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp dù đang thực hiện mô hình được 3 năm.

Khó khăn nữa mà các trường đang gặp phải đó là giáo viên dạy tiếng Anh một số trường chưa đạt trình độ B2 theo chuẩn quốc tế, thiếu giáo viên bộ môn, nhân viên. Cô Phạm Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.12) cho biết, nhà trường đã tham gia thực hiện mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập đến nay đã được 3 năm. Thế nhưng, hầu hết các năm đều không tuyển kịp giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh và tin học, trong khi chuẩn đầu ra 2 môn học này là yếu tố đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường.

Ngoài ra, một số trường cho rằng vẫn bỡ ngỡ, phải tự mày mò thực hiện mô hình, vừa xây dựng, vừa học hỏi thêm để từng bước hoàn thiện. Nhiều trường băn khoăn, gặp khó khăn trong đánh giá học sinh hiện nay theo thông tư 22, khác với hướng dẫn của thông tư 32 trước đây (đánh giá chất lượng học sinh theo học lực giỏi, khá). Với yêu cầu kết quả giáo dục phải có 50% học sinh đạt chuẩn tin học quốc tế là rất khó và kiến nghị sở nên có hướng dẫn cụ thể hơn.

Để tháo gỡ khó khăn các trường đang gặp phải, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận huyện, trường học tìm hiểu kỹ các văn bản hướng dẫn cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện. Đây cũng là cơ sở để phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND quận, huyện trong quy hoạch mạng lưới trường lớp, giải quyết khó khăn cho các trường. Trong đó, có thể tham mưu mở rộng tuyển sinh trên toàn quận, hoặc giao quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên cho nhà trường. Việc đầu tư cơ sở vật chất, nếu nằm ngoài khoản thu 1,5 triệu đồng/tháng thì có thể sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc xã hội hóa theo thông tư quy định về tài trợ mà Nhà nước đã ban hành.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức