10:20 30/10/2019

Máy bay vũ trụ X-37B Mỹ báo hiệu mặt trận quân sự mới?

Giới quan sát cảnh báo nếu máy bay trinh sát Boeing X-37B của Mỹ có thể gắn vệ tinh thì nó cũng có thể gắn vũ khí sát thương. 

Việc vũ khí hóa vũ trụ đang ngày càng có khả năng sau chuyến bay thử nghiệm phá kỷ lục của máy bay vũ trụ X-37B. Máy bay này vừa trở về Trái Đất sau 780 ngày trên quỹ đạo. Tàu vũ trụ duy nhất có thể tái phóng duy nhất trên thế giới hiện nay – chiếc Boeing X-37B – đã trở về Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida ngày 27/10. Không quân Mỹ tuyên bố máy bay này đã hoàn tất chuyến bay dài nhất và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trong đó có phóng một số vệ tinh nhỏ.

Đây là chuyến bay thứ 5 và cũng là lần dài nhất của chiếc máy bay không người lái, nâng tổng số ngày nó hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất lên 2.865 ngày. Không quân Mỹ dự kiến đưa X-37B trở lại vũ trụ vào năm sau. 

Chú thích ảnh
Máy bay Boeing X-37B của Không quân Mỹ hạ cánh tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Ảnh: NASA

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), so với tàu con thoi, máy bay vũ trụ này nhỏ hơn nhưng lại bay dài ngày hơn, dường như được dành riêng cho các sứ mệnh quân sự. Ông Heather Wilson, cựu quan chức Không quân Mỹ, cho biết sức mạnh của X-37B nằm ở chỗ nó bay quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình trứng và có thể điều hướng khi di chuyển gần bầu khí quyển Trái Đất để thay đổi quỹ đạo. 

“Điều này đồng nghĩa với việc kẻ thù không hề hay biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo ở phía bên kia Trái Đất”, ông Wilson nói. 

Nhà bình luận quân sự Song Zhongping ở Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng khả năng thay đổi vị trí nhanh chóng giúp X-37B có thể hoạt động do thám đối với các vệ tinh khác hoặc các mục tiêu trên Trái Đất, cũng như tiến hành tấn công. 

“Nếu X-37B có thể chở vệ tinh nhỏ, nó cũng có thể chở vũ khí. Nó cũng có thể gắn thêm cánh tay robot để bắt các vệ tinh khác trên quỹ đạo”, ông Song nhận định. 

Khi X-37B được phóng năm 2017, trang China Space News gọi nói là “sát thủ vệ tinh” bởi nó có thể tiêu diệt vệ tinh của bất kỳ đối thủ nào vào bất kỳ lúc nào. Giới chuyên gia cũng lo ngại rằng việc máy bay vũ trụ này phóng vệ tinh có thể vi phạm luật kiểm soát vũ khí vũ trụ hiện có.

Jonathan McDowell, nhà thiên viên học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian viết trên mạng xã hội Twitter ngày 27/10 rằng động thái phóng vệ tinh trên là “đáng báo động” bởi Mỹ không hề thông báo theo yêu cầu của Công ước đăng ký Liên hợp quốc. Theo ông, đây có thể là lần đầu tiên cả Mỹ lẫn Nga đều bỏ qua công ước. 

Được Liên hợp quốc công bố năm 1974, công ước này dựa trên Hiệp ước Vũ trụ 1967 quy định tất cả các vật thể được phóng vào vũ trụ phải được đăng ký. Được xem là luật vũ trụ quốc tế nền tảng, công ước trên nhấn mạnh mục đích khai thác vũ trụ trong hòa bình, cấm triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt lên không gian. 

Tuy vậy, chuyên gia Song cho rằng một cuộc đua vũ trang trên vũ trụ hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh các quốc gia như Nga và Trung Quốc  - được xem là đối thủ của Washington – phát triển những tàu vũ trụ tấn công tương tự hay trang bị cho vệ tinh và trạm không gian vũ khí phòng vệ. 

Tuần trước, Trung Quốc đã hoàn tất thử nghiệm đường hầm gió để thiết kế và thử nghiệm máy bay hai giai đoạn – bước tiến quan trọng trong kế hoạch xây dựng một chiếc máy bay vũ trụ. 

Bắc Kinh cũng tiến hành thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh cũng như phóng vệ tinh “Roaming Dragon” để dọn rác vũ trụ năm 2016. Các chuyên gia quân sự bày tỏ lo ngại rằng Roaming Dragon cùng cánh tay robot có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. 

Trong khi đó, Nga được cho là đang gấp rút xây dựng máy bay vũ trụ không người lái. 

Xuân Chi/Báo Tin tức