10:07 15/10/2015

Mây bay ngang trời

Tôi yêu Hà Nội, yêu ngay lần đầu gặp gỡ, giống như cô gái trúng phải tiếng sét ái tình. Và đã có lúc tôi như bị choáng ngợp bởi sự phồn hoa nơi này.

Những dãy nhà cao tầng, những trung tâm thương mại sang trọng và bên kia mặt kính sáng loáng là phản chiếu một thế giới mà tôi chưa bao giờ chạm đến, giây phút ấy tôi như quên đi mùi bùn đất của quê hương mình. Cũng như rất nhiều sinh viên khác, tôi khát khao được ở lại đây sau khi ra trường, vì một giấc mơ mang tên “tương lai”.

Một đêm, cô bạn trong lớp đến tìm tôi, kể về công việc cô ấy đang làm, và mời tôi đến thăm công ty. Tôi háo hức nhận lời. Công ty bạn tôi làm tọa lạc trong khu đô thị cao cấp, người ra vào tấp nập. Ấn tượng đầu tiên ấy khiến tôi bị choáng ngợp và kích động vô cùng. Cô bạn tôi như biến thành một con người khác, rất tự tin và pha chút gì đó hết sức bí hiểm- cái vẻ tự tin thành đạt mà ai làm trong đó cũng có. Tôi được đón tiếp thật nồng nhiệt, được nghe những lời có cánh về một viễn cảnh tươi đẹp. Tôi còn nhớ lời họ nói: “ Em đã làm được gì báo đáp cho bố mẹ em chưa”. Chính lời nói đó khiến tôi bị mê hoặc và không nhớ nổi mình về nhà bằng cách nào, chỉ biết chiếc máy tính xách tay- tài sản lớn nhất lúc bấy giờ đã được tôi đem cầm để đổi lấy khoản tiền 5,2 triệu đồng đặt cọc tham gia vào mạng lưới cộng tác viên của công ty (sau này tôi mới biết là công ty đa cấp). Nhưng sau khi làm xong việc đó với niềm hưng phấn tột cùng, tôi tỉnh ra và chỉ muốn tát mình một cái thật đau. Giờ tôi biết lấy gì để kiếm đủ năm triệu hai, chuộc máy tính về?

Ngày hôm sau, tôi chạy vạy khắp nơi vay tiền, nhưng sinh viên ai cũng nghèo, tiền ăn còn chẳng đủ thì lấy đâu ra tích lũy. Cô bạn “tốt” đưa tôi đi cắm thẻ sinh viên và chứng minh thư để lấy tiền. Không biết là may mắn hay bất hạnh khi tôi chẳng có can đảm ấy. Cô ấy còn khuyên hãy gọi điện về nhà và nói bị tai nạn để bố mẹ gửi tiền xuống. Điều đó thật kinh khủng, lương tâm của tôi cũng không cho phép mình làm như vậy, điểm xuất phát của mọi chuyện tồi tệ này là báo đáp cho bố mẹ và kết quả lại là sự lừa lọc những người sinh ra mình, còn gì tệ hơn?. Tôi khóc, những giọt nước mắt tuyệt vọng. Bạn bè thương, mỗi người gom góp một chút để tôi lấy máy về. Từ đó tôi không còn dính dáng gì đến công ty ấy nữa. Một nơi phát triển bằng những gian hàng “ảo”, bằng thủ đoạn lôi kéo người khác, thì liệu sẽ tồn tại bền vững được bao lâu? Tôi không biết, cũng không muốn đánh giá nữa, nhưng đã hiểu một điều: Tôi may mắn khi không phản bội lại niềm tin của những người yêu thương mình, không lợi dụng niềm tin đó để khiến họ rơi vào phút giây tuyệt vọng như tôi. Năm triệu hai- số tiền không lớn với một người đã đi làm, nhưng lại là tài sản rất lớn với sinh viên nghèo, với bố mẹ ở quê. Bố mẹ đã phải bán bao nhiêu thóc, bao nhiêu gà, đi làm thuê bao nhiêu buổi để có chúng và hơn hết danh dự là thứ không phải năm triệu hai có thể mua được.

Khi đọc đến đây, có thể độc giả sẽ nghĩ tôi thật yếu đuối, một lần thất bại đã khiến tôi bỏ đi khát khao mơ ước bám trụ Hà Nội. Có lẽ thế, nhưng lần này tôi đã nếm trải đủ nhân tình ấm lạnh và chợt nhận ra không gì quý giá bằng gia đình, quê hương. Con người có thể thất bại hàng trăm hàng nghìn lần nhưng bên cạnh mỗi lần thất bại đó phải là sự động viên, khích lệ của những người thân yêu. Tôi yêu Hà Nội tha thiết và cũng hiểu mình không thuộc về nơi này mà chỉ là một vị khách qua đường mà thôi.

Xa Hà Nội, tôi về với quê hương, về với những cánh đồng bát ngát, những con người thôn quê thật thà chân chất, và sự bình yên. Xa Hà Nội, tôi về với những buổi chiều chăn trâu, thả diều cùng đám trẻ, những lúc mè nheo đòi mẹ đi chợ mua quà. Tôi vẫn luôn và sẽ mãi tự hào mùi bùn đất trên con người mình, cái mùi chẳng bao giờ có thể gột rửa nổi.
Lê Xuân