12:23 14/12/2011

Máy băm bèo làm nên cơ nghiệp

Lý do thôi thúc anh nông dân Nguyễn Như Lĩnh, thôn Vô Hội, xã Thụy Thanh, Thái Thụy, Thái Bình nghiên cứu ra máy băm bèo từ năm 2002 đơn giản chỉ bắt nguồn từ một lần anh băm bèo giúp vợ bị ngứa “rách tay”.

Lý do thôi thúc anh nông dân Nguyễn Như Lĩnh, thôn Vô Hội, xã Thụy Thanh, Thái Thụy, Thái Bình nghiên cứu ra máy băm bèo từ năm 2002 đơn giản chỉ bắt nguồn từ một lần anh băm bèo giúp vợ bị ngứa “rách tay”.

Xưởng sản xuất máy băm bèo của anh Lĩnh.


Bắt tay vào chế tạo máy băm bèo, anh phải tận dụng các loại linh kiện bỏ đi trong quá trình sửa chữa đồ điện và sau một thời gian thì chiếc máy đầu tiên đã ra đời. Tuy nhiên, chiếc máy sơ khai này to, cồng kềnh, rau bèo đưa vào bao nhiêu đều bị nghiền vụn… Không bằng lòng, anh Lĩnh đã tìm đến các xưởng chế tạo máy học hỏi nghiên cứu thêm và đầu năm 2004, anh đã cho ra đời chiếc máy băm bèo thứ hai. Anh Lĩnh nhớ lại: Khi chiếc máy thứ hai chạy thử, tôi khá lo lắng vì nếu thất bại thì không biết thế nào khi bà con nông dân trong xã do tò mò đã đến xem chật kín sân. Tất cả được giải tỏa khi chiếc máy chạy trơn tru cho ra mẻ bèo đầu tiên "đẹp" ngoài sức tưởng tượng với cánh rau bèo không bị nát, rất vừa và tốc độ máy băm rất nhanh.

Gia đình anh Nguyễn Duy Khống, thôn Vô Hối, xã Thụy Thanh, Thái Thụy, Thái Bình nuôi 70 con lợn. Mỗi ngày, anh chị phải băm từ 50-60 kg bèo và các thành viên trong gia đình đều phải thay nhau băm cả ngày. Anh Khống cho biết: Từ khi có máy băm bèo, toàn bộ chỗ bèo trên chỉ băm mất 15 phút.

Không dừng lại, anh Lĩnh tiếp tục nghiên cứu khắc phục tiếp những nhược điểm để chiếc máy băm bèo ngày càng hoàn thiện. Mọi nỗ lực đã được đền đáp bởi sự thành công khi chiếc máy băm bèo của anh giành cúp vàng tại Hội chợ Nông nghiệp năm 2006. Tiếp bước thành công, anh mạnh dạn nghĩ đến ý tưởng kinh doanh, đơn giản chỉ bởi thay vì máy của Trung Quốc tiêu thụ được thì tại sao lại không sản xuất để có thể cung cấp cho bà con?

Nghĩ là làm, trong khi không có vốn, anh quyết định thế chấp toàn bộ tài sản nhà cửa, đất đai để vay vốn ngân hàng. Có vốn, anh Lĩnh mua đất xây cơ sở sản xuất, thuê thợ máy trẻ, đi liên hệ nơi đúc vỏ máy, nhập nguyên vật liệu… và thành lập Nhà máy chế tạo nông cụ Thiên Thuận. Từ đó, những chiếc máy băm bèo ra đời có công suất 300-500 kg/giờ, giá bán chỉ từ 500.000 - 800.000 đồng/chiếc nên được bà con nông dân chấp nhận, sản xuất đến đâu bán hết đến đấy.

Máy có thể băm thái được hầu hết các loại rau bèo, phục vụ đa dạng các loại hình trang trại như: chăn nuôi cá, gia cầm và đặc biệt là chăn nuôi lợn, kể cả những trang trại có nhu cầu rau xanh và bèo lên tới đơn vị tấn mỗi ngày. Hơn nữa, băm bèo bằng máy cho thức ăn không bị dập nát và mất nước, mặt khác người chăn nuôi hoàn toàn có khả năng điều chỉnh được kích thước thức ăn xanh bằng cách cho nguyên liệu vào máy phay 1 lần hoặc phay lại lần thứ 2, thứ 3.

Cùng với máy băm bèo, anh Lĩnh còn nghiên cứu cải tiến máy bơm nước để thay thế cho máy Trung Quốc, máy bơm nước do anh sản xuất có ưu điểm bền, đẹp, tiện dụng có thể vận chuyển dễ dàng, giá bán lại thấp hơn nhiều so với các loại máy sản xuất ở Trung Quốc. Để bảo vệ thương hiệu của nhà máy, anh Lĩnh mang mẫu máy lên kiểm nghiệm chất lượng tại Chi cục Đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình. Đồng thời, đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN bảo hộ kiểu dáng công nghiệp độc quyền cho máy băm bèo và nhãn hiệu hàng hóa “Thiên Thuận”. Hiện nay, máy của anh đã được bán tại đại lý khắp các tỉnh như: Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương...

Nhà máy của anh Lĩnh còn đang sản xuất một loại máy thái lát sắn cá nhân cho bà con ở các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc. Theo anh, chiếc máy này sẽ được thiết kế một cách đặc biệt với kiểu dáng gọn nhẹ 10 - 15 kg để người dân có thể mang vác lên sản xuất trực tiếp trên đồi, núi.

Anh Lĩnh cho biết, tham vọng của anh là đưa máy thái rau, băm bèo đến được với tất cả bà con trong cả nước để thúc đẩy phong trào chăn nuôi, xa hơn nữa sẽ xuất sang Trung Quốc, Lào và Campuchia... Anh Lĩnh cũng hé lộ, hiện anh đang nghiên cứu cải tiến sản xuất máy sục khí phục vụ các đầm nuôi trồng thủy hải sản, bởi đây là loại máy bà con nông dân đang rất có nhu cầu. Hiện nay, doanh thu trung bình của nhà máy đạt khoảng 500 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động với thu nhập trung bình 1 triệu đồng/người.

Gia Anh