04:06 14/04/2021

Mất kiểm soát trước COVID-19, vì sao Brazil lại nới lỏng phòng dịch?

Tuần trước, Brazil đã chứng kiến ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, với 4.195 người thiệt mạng chỉ trong 24 giờ. Bang Sao Paulo và thành phố Rio de Janeiro nằm trong số những nơi có nạn nhân tử vong nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, cả hai nơi đều có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đi lại từ tuần này. 

Chú thích ảnh
Công nhân nghĩa trang chôn cất nạn nhân COVID tại Sao Paulo, Brazil ngày 7/4/2021. Ảnh: AP

Tuần này, bang Sao Paulo cho phép mở cửa trở lại các trường học, cửa hàng vật liệu xây dựng và cho tổ chức các sự kiện thể thao. Trong khi đó, Rio de Janeiro cho phép các quán bar và nhà hàng hoạt động trở lại, đảo ngược các hạn chế đã có từ tháng 3.

Chính quyền Sao Paulo biện minh cho việc mở cửa trở lại bằng việc chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân lấp đầy tại các giường chăm sóc đặc biệt (ICU) ở bang này đã giảm từ mức khủng hoảng là 90.5% xuống còn 88,6%. 

"Điều này cho thấy rõ ràng rằng nỗ lực được thực hiện trong những tuần gần đây đang bắt đầu cho kết quả" - Phó Thống đốc Rodrigo Garcia cho biết trong cuộc họp báo ngày 9/4.

Nhưng những thống kê hàng ngày vẫn rất tồi tệ: Chỉ riêng trong ngày 9/4,  bang Sao Paulo ghi nhận trên 20.000 ca nhiễm mới.

Trong khi đó, tại thành phố Rio de Janeiro, tỷ lệ lấp đầy của ICU cao hơn, ở mức 92%, nhưng Thị trưởng Eduardo Paes vẫn quyết định nới lỏng các hạn chế. "Đây là câu trả lời cho bất cứ ai nghĩ rằng các hạn chế không có ích lợi gì khi ngăn cản các bữa tiệc và đám đông. Thực tế của chúng tôi không cho phép đóng cửa”, ông Paes tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 9/4, nói thêm rằng các chủ cửa hàng và đa số dân chúng vẫn đang gánh chịu tổn thương kinh tế do những biện pháp như vậy.

Việc nới lỏng các hạn chế trái ngược với những gì mà nhiều tổ chức và chuyên gia y tế cho rằng Brazil cần: một lệnh đóng cửa trên toàn quốc và có sự phối hợp. 

Phương thuốc đắng nhưng cần thiết

Hiện Brazil mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho 2,8% dân số - tương đương hơn 6 triệu người, trong một quốc gia 210 triệu dân.

Hệ thống y tế công và tư của Brazil thì đang chịu áp lực rất lớn, với các ICU ở ít nhất 17 bang đã quá tải với hơn 90% công suất. 

Thuốc đặt nội khí quản và ôxy đã nhiều lần xuống thấp ở nhiều thời điểm trong đại dịch. Hôm 8/4, Ủy viên Thư ký Y tế Thành phố Quốc gia tuyên bố rằng khoảng 1/5 số thành phố của đất nước có nguy cơ cạn kiệt ôxy y tế trong vòng 10 ngày tới.

Theo Quỹ Oswaldo Cruz (Fiocruz), một trung tâm nghiên cứu y sinh công cộng, chỉ có một đợt đóng cửa mới có thể ngăn chặn tháng Tư này trở nên "tồi tệ hơn" so với tháng Ba - tháng gây tử vong nhiều nhất tại Brazil kể từ đầu dịch cho đến nay, với 66.573 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhiều bang tại Brazil đã quá tải các giường chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học của Fiocruz đã viết trong một báo cáo gần đây: "Phong toả là một phương thuốc đắng, nhưng chúng thực sự cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng và hệ thống y tế sụp đổ như đất nước đang trải qua”.

Văn phòng Liên hợp quốc tại Brazil cũng đã yêu cầu nước này áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển, đồng thời cảnh báo rằng tỷ lệ tử vong đang gia tăng và việc không có kế hoạch phối hợp quốc gia đang "đưa đất nước đến một thảm họa”.

Brazil chưa bao giờ bị phong toả thực sự

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Brazil đã chứng kiến một loạt các hạn chế địa phương đối với việc di chuyển hoặc hoạt động, nhưng chưa bao giờ thực sự dẫn đến một đợt ngăn chặn hiệu quả trên diện rộng - nhà khoa học Miguel Nicolelis nói với CNN.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID được di chuyển tại một bệnh viện dã chiến ở Santo Andre, Brazil, ngày 7/4/2021. Ảnh: Reuters

Ông Nicolelis là người đã thành lập một trong những ủy ban khoa học đầu tiên của Brazil để nghiên cứu về COVID và phát triển các chiến thuật để chống lại căn bệnh này, đồng thời đã tư vấn về các chiến lược Covid-19 trong khu vực. Ông và các chuyên gia y tế khác và các nhóm xã hội dân sự đang vận động cho chiến dịch "Tháng Tư vì cuộc sống" (April for Life) của Brazil, trong đó kêu gọi chính phủ liên bang áp đặt một lệnh phong toả trên toàn quốc ngay lập tức.

Nicolelis cho biết: "Phong toả là khi bạn hạn chế dòng người - đường phố, chuyến bay, bên cạnh việc đạt được sự cô lập xã hội nghiêm ngặt. Điều đó chưa bao giờ được thực hiện rộng rãi ở Brazil, chúng tôi chỉ có một số trường hợp ngoại lệ. Nhìn chung, chúng tôi đã áp dụng một số biện pháp hạn chế với mức độ tuân thủ thấp của người dân."

“April for Life” ước tính rằng một cuộc phong toả nghiêm ngặt trên toàn quốc trong 30 ngày, với các quy định nghiêm ngặt về việc di chuyển của người dân, có thể cứu sống 22.000 người.

Ông Nicolelis nói rằng Brazil cần vai trò lãnh đạo liên bang lớn hơn; một chiến dịch triển khai vaccine cấp tốc; và một lệnh phong toả được thực thi liên bang, trong đó chỉ cho phép các dịch vụ thiết yếu và hầu hết các hoạt động di chuyển đều bị cấm.

"Virus là một sinh vật tập thể, và chỉ có thể chống lại nó một cách tập thể. Việc đóng cửa một thành phố sẽ không có ích gì nếu chúng ta để ngỏ phần còn lại, bạn cần có hành động phối hợp, nếu không, virus sẽ tiếp tục phát triển trở lại", chuyên gia Nicolelis cảnh báo.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)