01:16 06/01/2020

Masan Tài Nguyên hiện thực hóa khát vọng trở thành nhà sản xuất khoáng sản và hóa chất công nghiệp tích hợp lớn nhất Việt Nam

Năm 2019 đang dần khép lại, những diễn biến bất lợi về thị trường do chiến tranh thương mại giữa các quốc gia gây bất ổn nền kinh tế toàn cầu đã nhiều lúc khiến Masan Tài Nguyên (MSR) gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Song nhờ những nỗ lực vượt bậc của Ban Lãnh đạo Công ty cùng đội ngũ người lao động, MSR đã tìm ra những giải pháp hữu hiệu từ tiết giảm chi phí trong tất cả các khâu vận hành doanh nghiệp cho tới việc áp dụng phương thức Kaizen-5S, công cụ giúp loại bỏ sự lãng phí, tối ưu hóa năng suất lao động, MSR đã vượt khó thành công, tiếp tục hiện thực hóa khát vọng trở thành nhà sản xuất khoáng sản và hóa chất công nghiệp tích hợp lớn nhất Việt Nam.

Chú thích ảnh
Chăm sóc cây xanh bảo vệ môi trường tại Mỏ đa kim Núi Pháo.

Khai thác mỏ đa kim Núi Pháo được xem là mỏ phức hợp nhất thế giới với 4 dòng sản phẩm trên một thân quặng duy nhất, Công ty đã áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, liên tiếp đầu tư các dây chuyền sản xuất và kỹ thuật hiện đại để không chỉ tối đa hóa tỷ lệ thu hồi khoáng sản mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm và tối đa hóa giá trị nguồn tài nguyên.

Đáng chú ý, tháng 9/2019, MSR đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck - nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao “midstream”. Thỏa thuận này giúp Công ty tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỉ USD lên 4,6 tỉ USD và là bước đi chiến lược trong mục tiêu trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao.

Công ty đã vạch rõ lộ trình để nâng cao khả năng cạnh tranh và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thế giới trong những năm tới: Mở rộng thị phần APT của Công ty từ 36% lên 50% hoặc lớn hơn bằng cách tăng công suất của Nhà máy Hóa chất Vonfram lên 12.000 tấn vào năm 2021; củng cố nguồn cung nguyên liệu vonfram và khả năng tái chế vonfram để đảm bảo việc cung ứng bền vững. MSR đã thực hiện lộ trình một cách khoa học, bài bản, chuyên nghiệp và từng bước đạt được những kết quả khả quan, năm 2019 Công ty nộp ngân sách Nhà nước khoảng1.200 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 1.500 lao động.

Chú thích ảnh
Một góc Nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Hai dòng sản phẩm chính của Công ty là hóa chất Vonfram và Florit hiện đang có mặt ở các châu lục phát triển. Trong đó, tại thị trường châu Á có 28% Florit, 13% Vonfram; thị trường châu Âu là 50% florit và 20% vonfram; thị trường Bắc Mỹ có 13% Florit, 45% Vonfram. Một số khách hàng được MSR xác định đặc biệt quan trọng là các đối tác toàn cầu trong ngành công nghiệp Vonfram tại Trung Âu, Mỹ và Nhật Bản. Các đối tác này được công nhận là nhà sản xuất vật liệu công nghệ cao, tạo nên cơ sở tiêu thụ vững mạnh để Công ty mở rộng sản xuất. Với Florit, MSR hợp tác cùng một tập đoàn thương mại quốc tế có uy tín để tiếp thị, bán hàng và phân phối sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường ra toàn cầu. Cùng với đó, sự đa dạng đối tác, bạn hàng ở các châu lục khác nhau cũng giúp MSR giảm thiểu rủi ro kinh doanh và dễ dàng chuyển hướng hợp tác với khách hàng mới. Cùng với 3 dòng sản phẩm có chất lượng cao là Florit, Đồng, Bismuth, thì hóa chất Vonfram là dòng sản phẩm đang được khách hàng quốc tế ưa chuộng bởi hàm lượng tương ứng đạt rất cao. Hiện nay, các sản phẩm này sản xuất đến đâu đều được các đối tác tiêu thụ hết đến đó.

Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại cho biết: Chúng tôi đã đi qua năm 2019 với nhiều những thách thức, khó khăn bởi giá khoáng sản toàn cầu sụt giảm mạnh trong năm qua, tuy nhiên Công ty vẫn đạt được những kết quả kinh doanh với các con số tăng trưởng và đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp, chúng tôi tự hào về những nỗ lực và thành quả đạt được trong năm qua. Những chứng nhận và giải thưởng danh giá Masan Tài Nguyên được trao tặng trong năm qua như giải thưởng Doanh nghiệp bền vững năm 2019, cờ thi đua của Chính phủ … và đặc biệt những ngày cuối năm 2019, Công ty Vonfram Masan đã vinh dự được cấp chứng nhận Doanh nghiệp Công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và trao tặng. Những thành tựu này đã tiếp tục khẳng định vị trí dẫn dầu trong lĩnh vực chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao của Masan Tài Nguyên.

Chú thích ảnh
Một góc dây chuyền chế biến tinh quặng của Nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Trong năm 2019, Công ty tiếp tục đóng góp 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Công ty cũng tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường với việc vận hành đầy đủ 4 trạm quan trắc nước thải và 1 trạm quan trắc khí tự động. Theo Quyết định phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đối với Dự án mỏ Núi Pháo, MSR đã xây dựng kế hoạch cải tạo, phục hồi các khu vực: moong khai thác, bãi đất đá thải, khoang chứa đuôi quặng… với các công việc cụ thể. Ngoài ra Công ty cũng trồng hơn 23.000 cây xanh, phủ kín diện tích hơn 11 ha đất trống. Trong năm 2019, Masan Tài Nguyên dành trên 3 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng và an sinh xã hội, trong đó tập trung vào cải tạo cơ sở hạ tầng các trường học trong vùng dự án. Năm 2019, Công ty tiếp tục hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất chè theo quy trình VietGap cho 19 hộ dân vùng dự án với diện tích tăng thêm là 3,4ha, đưa tổng diện tích chè VietGap được hỗ trợ lên 91ha cho trên 374 hộ dân trên địa bàn huyện. Trong năm Công ty tổ chức tiếp đón hơn 100 đoàn khách với hơn 1.100 lượt người đến với Masan Tài Nguyên, không chỉ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, mà còn chứng kiến những cam kết đang được hiện thực hóa, tăng cường tin cậy lẫn nhau.

Với đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, có thể khẳng định Masan Tài Nguyên đã có bước đi đúng hướng dựa trên những giá trị cốt lõi: Phát triển kinh tế - Quan tâm cộng đồng xã hội và Bảo vệ môi trường.

Massan Tài Nguyên là nhà sản xuất Vonfram dòng trung và cao cấp lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc. Tài sản chính của Công ty là Mỏ đa kim Núi Pháo nằm trên địa bàn huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Mỏ được các nhà phân tích hàng đầu trong ngành công nghiệp khai khoáng đánh giá là một trong những mỏ lớn nhất thế giới với trữ lượng quặng tiềm năng khoảng 66 triệu tấn.