11:23 23/11/2011

Martin Frankel – Dục vọng, lòng tham và vụ lừa đảo 200 triệu USD-Kỳ cuối: Trò chơi kết thúc

Lúc đó, Marty và Cindy Allison đang ở trong khách sạn Prem tại thành phố Hamburg (Đức). Cindy đã ở bên cạnh Marty 2 tháng trong tổng thời gian 4 tháng chạy trốn của anh ta.

Lúc đó, Marty và Cindy Allison đang ở trong khách sạn Prem tại thành phố Hamburg (Đức). Cindy đã ở bên cạnh Marty 2 tháng trong tổng thời gian 4 tháng chạy trốn của anh ta. Họ vừa mới ăn xong một bữa hải sản thịnh soạn ở nhà hàng sang trọng Le Mer trong khách sạn.

Khách sạn Prem, nơi ẩn náu cuối cùng của Marty trước khi bị bắt.


Sống thoải mái với số kim cương trị giá vài triệu USD và 250.000 USD tiền mặt, Marty dành thời gian để bảo vệ số tài sản mình biển thủ được, nghiên cứu chiêm tinh và xem phim trong khách sạn.

Một hôm, lúc 11 giờ đêm 4/9/1999, có tiếng ồn ào bên ngoài cửa phòng khách sạn. Hình như có ai đó thử xoay tay nắm cửa. Marty ngờ vực hỏi Cindy: “Em có nghĩ là họ đến bắt anh không?”. Cindy la rầy anh ta: “Đừng ngớ ngẩn thế!”. Nhưng cô không ngờ rằng nghi ngờ của Marty đã thành sự thật.

Họ không có đủ thời gian để chạy trốn nữa khi mà hai cảnh sát người Đức ập vào phòng với khẩu súng lăm lăm trên tay. Lúc mới ập vào phòng, hai cảnh sát ngay lập tức chú ý vào Cindy, có lẽ họ không ngờ rằng người đàn ông với vẻ ngoài gầy nhẳng, ẻo lả như Marty lại là đối tượng săn lùng trên toàn cầu.

Marty tra tay vào còng.


Tháng 10/1999, tòa án liên bang ở bang Connecticut đã chính thức kết tội Marty là kẻ chủ mưu vụ gian lận tài chính, chiếm đoạt 200 triệu USD từ các công ty bảo hiểm ở nhiều bang. Trong khi các công tố viên ở Mỹ tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại Marty, chính phủ Đức cũng bắt đầu xét xử Marty tội mang hộ chiếu giả và vi phạm quy định hải quan khi tuồn lậu số kim cương trị giá hàng triệu USD vào nước này. Marty nhận các tội do Đức cáo buộc với hi vọng có thể tránh, hay ít nhất là trì hoãn bị dẫn độ về Mỹ.

Tháng 6/2000, Marty, khi đó đã 45 tuổi, bị Đức kết án 3 năm tù, phải nộp phạt số kim cương trị giá 1,6 triệu USD. Nếu bị dẫn độ về Mỹ, anh ta sẽ phải ngồi bóc lịch dài trong tù. Anh ta nghĩ rằng chính phủ Đức sẽ không dẫn độ anh ta vì anh ta sẽ phải ngồi tù tới 3 năm.

Trong lúc đó, tại nhiều bang ở Mỹ, cơ quan chức năng ngay lập tức tiến hành một loạt cuộc điều tra xem làm thế nào Marty có thể thực hiện hành vi lừa đảo gần chục năm trời ở nhiều bang mà không bị phát hiện. Văn phòng kế toán của quốc hội Mỹ (GAO) đã buộc tội cho các nhà quản lý ngành bảo hiểm các bang. Trong bức thư gửi Hiệp hội cao ủy về bảo hiểm quốc gia, nghị sĩ John Dingell thuộc Ủy ban thương mại của Hạ viện nói: “Vụ việc bôi bác này xảy ra là vì các nhà quản lý bảo hiểm của các bang hoặc là đui mù không nhận ra hoặc là không muốn thừa nhận âm mưu của Marty… Trò lừa đảo này tiếp diễn quá lâu, không phải bởi vì Marty thông minh và giỏi lừa gạt mà vì anh ta giở trò lừa đảo ở những nơi mà các nhà quản lý thiếu kỹ năng, quyền lực, không tiếp cận với thông tin cơ bản và không có cả một chút hoài nghi tối thiểu”.

Văn phòng thanh tra ở bang Tennessee trong một báo cáo kiểm toán tháng 7/2000 đã đề cập đến một sự việc bất thường là chỉ có duy nhất Marty là ủy viên quản trị của công ty bảo hiểm. Họ kết luận, khi có các giao dịch khả nghi, các quản lý bang thay vì đòi Marty giải thích lại tặc lưỡi cho rằng dù có vẻ bất thường thật đấy, nhưng khi chưa thấy anh ta vi phạm một luật nào, một quy định nào một cách trắng trợn thì chưa cần hành động. Nhiều người cho rằng chính sự táo tợn trong âm mưu của Marty đã che mắt các cơ quan quản lý.

Các cao ủy bảo hiểm ở 4 bang đã phát đơn kiện đòi Marty bồi thường 600 triệu USD mà anh ta đã “ẵm” của các công ty bảo hiểm ở Arkansas, Mississippi, Missouri, Oklahoma và Tennessee.

Tháng 3/2001, đối mặt với khả năng bị dẫn độ về Mỹ, Marty đã tuyệt vọng đến mức cố gắng vượt ngục. Anh ta dùng một thanh kim loại để cắt chấn song nhà tù nhưng bị máy ghi hình an ninh bắt gặp. Tháng 12/2000, Mỹ và Đức đã đạt được thỏa thuận về dẫn độ Marty. Ngày mà anh ta bị dẫn độ về Mỹ được chuẩn bị kỹ càng như một chiến dịch quân sự. Chiều 3/3/2001, hàng trăm cảnh sát cùng nhân viên an ninh đã có mặt tại sân bay quốc tế Kennedy để chờ Marty. Họ huy động máy bay trực thăng cùng 3 ô tô chở đầy cảnh sát được vũ trang kỹ càng để đưa Marty về trụ sở của Cục điều tra liên bang Mỹ FBI.

Ngày 16/5/2002, Marty thừa nhận cả 24 tội danh liên quan đến tham nhũng. Tổng mức hình phạt cho các tội danh này lên tới 150 năm tù và 6,5 triệu USD tiền phạt. Nhưng nhờ hợp tác tốt trong quá trình điều tra mà Marty chỉ bị kết án 17 năm tù. Đến năm 2015, dự kiến anh ta sẽ được mãn hạn tù sớm.

Vụ án của Martin Frankel đã gây tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử bảo hiểm của Mỹ, cho tới nay vẫn chưa tính hết được thiệt hại. Đây được coi là bài học đắt giá cho ngành bảo hiểm nước này.

Thùy Dương