09:06 16/09/2019

Marie Antoinette – Hoàng hậu Pháp khét tiếng và kết cục trên đoạn đầu đài - Kỳ 2

Mặc dù lối chi tiêu xa hoa của Nữ hoàng Marie Antoinette chắc chắn không phải là nguyên nhân duy nhất khiến nước Pháp sụp đổ, nhưng nó không giúp ích gì cho nền kinh tế, mà ngược lại còn gây bất mãn trong dân chúng.

Chú thích ảnh
Hoàng hậu Pháp gốc Áo Marie Antoinette. 

 PHU NHÂN "CHÚA CHỔM"

Ẩn sau hành vi thái quá của Antoinette là một trái tim non nớt. Bà được những người gần gũi mô tả là một người nhân hậu. Hoàng hậu đã từng chăm sóc một người nông dân bị nai húc và nhận nuôi một vài đứa trẻ. 

Nhưng lối sống xa hoa, ngang ngược của Antoinette đã lấn át cả lòng tốt của bà, khiến Hoàng hậu trở nên khét tiếng trong hoàng gia và công chúng, và cũng khiến người mẹ nghiêm khắc của bà nổi giận. Sau khi nghe tin con gái mình cư xử xấc xược, Hoàng hậu Áo đã cảnh báo bà phải sửa ngay lối sống. “Con đang sống một cuộc đời tiêu tan”, Hoàng hậu Maria Theresa viết cho con gái, Hoàng hậu  Pháp Marie Antoinette vào năm 1775. “Mẹ hy vọng sẽ không phải sống để nhìn thấy kết cục thảm họa sẽ xảy ra”.

Lời nói của Hoàng hậu Theresa là một điềm báo sớm về số phận người con gái ngang bướng của bà.

Chú thích ảnh
Chân dung Marie Antoinette. Ảnh: Wikimedia Commons

Nữ hoàng tiệc tùng

Trước khi Vua Louis XVI lên ngôi, Pháp đã rơi vào suy thoái kinh tế. Mặc dù lối chi tiêu xa hoa của Nữ hoàng Marie Antoinette, chắc chắn không phải là nguyên nhân duy nhất khiến nước Pháp sụp đổ, nhưng nó không giúp ích gì cho nền kinh tế, mà ngược lại còn gây bất mãn trong cộng đồng.

Hoàng hậu nổi tiếng với việc thường xuyên tổ chức những cuộc vui chơi xa hoa tột đỉnh, mua sắm những bộ trang phục vô cùng đắt đỏ, trang hoàng cung điện bằng những khoản kinh phí khổng lồ lấy từ ngân khố trong khi tình hình tài chính của đất nước ngày càng tồi tệ, một phần do Hoàng gia Pháp ủng hộ cuộc Cách mạng Mỹ. Lối sống vung tiền của Marie Antoinette trong tình cảnh khó khăn của đất nước khiến bà bị gán cho biệt danh "Phu nhân Chúa Chổm". 

Nữ hoàng gốc ngoại quốc đắm chìm trong những thú vui xa xỉ giữa lúc phần còn lại của nước Pháp đang chết đói, đó là một chủ đề thường thấy thời đó trong những câu chuyện về Marie Antoinette.

Chú thích ảnh
Nữ hoàng Marie Antoinette đã sống một cuộc đời gây tranh cãi với tư cách là Hoàng hậu cuối cùng của Pháp. Ảnh: Wikimedia Commons

Tai tiếng của Hoàng hậu càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự bất tài chính trị của bà. Dưới ảnh hưởng của người mẹ và anh trai, Marie Antoinette đã phạm hết sai lầm chính trị này đến sai lầm khác khi thúc đẩy lợi ích của Áo tại Hoàng gia Pháp. Các đối thủ người Pháp, vốn đã cảnh giác với hoàng hậu ngoại quốc đến từ Áo mà Pháp có chung lịch sử thù địch, lại có thêm lý do để nghi ngờ hoàng hậu không trung thành.

"Hãy cho nông dân chết đói ăn bánh kem"

Bằng cách nào đó, tất cả những tin đồn không hay về Nữ hoàng Marie Antoinette cuối cùng đã dẫn đến một trong những sự trích dẫn sai nổi tiếng nhất trong lịch sử. Sau khi được thông báo rằng người dân Pháp đang chết đói vì không đủ tiền mua bánh mì, Hoàng hậu Antoinette được cho là đã thốt ra những lời chế giễu: “Nếu họ không có bánh mì để ăn, hãy cho họ ăn bánh kem”.

Với câu nói này, hoàng hậu trẻ tuổi trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận mặc dù Marie Antoinette được biết đến là người có tính cách khá ân cần.

Chú thích ảnh
Căn phòng riêng trang trí lộng lẫy của Hoàng hậu Antoinette tại Cung điện Versailles. Ảnh: Wikimedia Commons

Tuy nhiên, một số sử gia cho rằng những lời chế giễu đó chưa bao giờ thốt ra trên môi Marie Antoinette. Lời nói của hoàng hậu có thể đã bị triết gia nổi tiếng thế kỷ 18 Jean-Jacques Rousseau hiểu sai. Một số sử gia khác suy đoán rằng, chủ nhân của câu nói bị chỉ trích trên có thể là một phụ nữ quý tộc gốc Tây Ban Nha. Nhiều người đưa ra giả thuyết rằng những lời chế giễu sau đó được gán vào miệng Marie Antoinette để có thể thúc đẩy cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ Pháp.

Trên thực tế, tình cảm thực sự của Marie Antoinette có lẽ là ngược lại. Trong một lá thư gửi cho mẹ vào khoảng thời gian thiếu bánh mì ở Pháp, bà viết, “chắc chắn rằng khi chứng kiến những người đối xử với chúng con rất tốt dù họ còn đang bất hạnh, chúng con có nghĩa vụ hơn bao giờ hết phải làm việc hết mình vì hạnh phúc của họ”.

Chú thích ảnh
Hoàng hậu đã bỏ ra một số tiền lớn từ ngân khố Pháp để xây dựng Petite Trianon thành nơi nghỉ ngơi, tình ái vụng trộm của riêng mình. Ảnh: Wikimedia Commons

Kiệt sức vì nghĩa vụ hoàng gia nhàm chán và sự thù địch tại chốn cung đình, Marie Antoinette trốn tránh bằng cách lui vào khu biệt thự riêng Petit Trianon. Nhưng khu vực khép kín này là một sai lầm nữa của Hoàng hậu Pháp, vì nó thể hiện tâm lý xa lánh và xúc phạm các quan chức khác của triều đình.

Sự suy đồi của Marie Antoinette, sự coi thường của bà đối với nghi thức hoàng gia và nỗ lực rõ ràng của bà trong việc duy trì những cơn gió cuối cùng của chế độ quân chủ trước sự phản kháng ngày càng tăng của người dân khiến bà dễ dàng trở thành mục tiêu của các nhà cách mạng Pháp. 

Bê bối tình ái

Một trong những bê bối khác về Hoàng hậu Marie Antoinette đó là việc bà đã ngoại tình sau 7 năm hôn nhân. Thất vọng về người chồng của mình, Hoàng hậu Marie Antoinette đã qua lại với Bá tước Thuỵ Điển hào hoa Axel von Fersen.

Chú thích ảnh
Bá tước Axel von Fersen, người tình của Hoàng hậu Pháp Antoinette. Ảnh: Wikimedia Commons
Chú thích ảnh
Hoàng hậu Antoinete và các con. Ảnh: Wikimedia Commons

Marie Antoinette trúng tiếng sét ái tình với Bá tước Fersen ngay khi hai người gặp nhau lần đầu trong một trận bóng vào tháng 1/1774. Không lâu sau, Hoàng hậu phản bội chồng, hẹn hò bí mật với người tình. Thậm chí, bà còn thường xuyên mời Fersen tới Petit Trianon - ngôi nhà riêng mà bà đã bỏ số tiền tương đương 6 triệu USD để tu sửa theo ý mình.

Đôi tình nhân thường xuyên trao đổi thư từ bí mật cũng như cùng thiết kế nội thất cho ngôi nhà Petit Trianon. Người ta còn cho rằng Bá tước Fersen mới chính là cha đẻ của đứa con trai thứ hai của Hoàng hậu bởi đứa bé chào đời đúng 9 tháng sau khi hai người gặp gỡ. Điều này càng khiến thanh danh của Hoàng hậu Pháp bị tổn hại nghiêm trọng.

Xem tiếp Kỳ 3: Cách mạng Pháp và sự sụp đổ của nền quân chủ

Thu Hằng/Báo Tin tức