09:09 12/09/2015

Mập mờ lãi suất mua hàng trả góp

Cùng với xu hướng cho vay tiêu dùng đang ngày càng phổ biến thì những rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua hàng trả góp cũng ngày càng lớn hơn.


Không phải chi ngay một số tiền lớn mà vẫn có thể sở hữu một tài sản như điện thoại, xe máy, xe ô tô… có giá trị từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng. Thủ tục cho vay tín dụng tiêu dùng cũng ngày càng đơn giản, thậm chí khách hàng không cần thế chấp tài sản, chứng minh thu nhập… nên nhiều người tiêu dùng lựa chọn phương thức mua hàng trả góp mà không lường hết những rủi ro có thể xảy ra.

Người tiêu dùng nên thận trọng khi mua hàng trả góp.


Tiếp cận một nhân viên tư vấn đại lý xe Piaggo ở phố Lê Duẩn, phóng viên báo Tin Tức được tư vấn rất nhiệt tình về dịch vụ mua xe trả góp. Theo đó, khách mua xe có trị giá từ 60 đến 70 triệu đồng có thể chỉ phải trả trước 40% giá trị xe. Như vậy chỉ phải trả trước số tiền khoảng 25 triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể sở hữu một chiếc xe máy loại sang. Còn lại, họ có thể thanh toán nốt tiền mua xe trong thời gian 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng. Tuy nhiên, theo nhiều người đã từng là khách hàng của dịch vụ mua xe trả góp, hình thức này tưởng rẻ mà hóa đắt.

Sau một thời gian cân nhắc và được tư vấn, mua xe trả góp với lãi suất thấp, gia đình ông Nguyễn Văn Nam (Phù Ninh, Phú Thọ) quyết định mua trả góp một chiếc xe máy của hãng Yamaha tại Công ty Honda Bình Minh Phú Thọ. Chiếc xe ông mua có trị giá 28 triệu đồng. Thông qua Công ty Honda Bình Minh, ông ký hợp đồng vay mua xe, trả một khoản gốc và lãi hàng tháng qua đường bưu điện cho công ty cho vay, hàng tháng ông phải trả số tiền là 1,4 triệu đồng. “Sau 4 tháng trả góp, gia đình tôi quyết định vay tiền anh em họ hàng để thanh lý hợp đồng, bởi nếu sau 36 tháng mới thanh toán hết tiền, giá trị chiếc xe sẽ là hơn 40 triệu đồng, như vậy là quá đắt“, ông Nam cho biết.

Tại các cửa hàng bán điện thoại, máy tính hay đồ điện tử..., hình thức mua sản phẩm bằng vay trả góp cũng đang rất phổ biến. Cách đây vài tháng, sau khi hãng Apple tung ra dòng sản phẩm điện thoại Iphone 6, anh Đỗ Thanh Tùng (Ba Đình, Hà Nội) quyết định vay mua trả góp chiếc điện thoại này với giá 16 triệu đồng tại cửa hàng Điện thoại thông minh. Anh Tùng cho biết, thông qua công ty tài chính Home Crerit , thủ tục cho vay để mua điện thoại rất đơn giản. Tuy nhiên, tính toán kỹ thì sẽ thấy, việc mua hàng trả góp sẽ khiến giá thành chiếc điện thoại đắt hơn. "Tôi trả trước 6 triệu còn nợ lại 10 triệu đồng, sau 6 tháng thì tổng giá trị chiếc điện thoại lên hơn 18 triệu đồng. Như vậy thành ra mua điện thoại đắt", anh Tùng chia sẻ.

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều ngân hàng và công ty tài chính đua nhau liên kết với các trung tâm kinh doanh điện thoại, xe máy, điện máy… để tung ra các chương trình cho vay mua hàng trả góp. Đằng sau sự linh hoạt của phương thức thanh toán, lợi dụng nguyên tắc lãi suất cho vay căn cứ trên thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, không bị khống chế mức trần nên các công ty tài chính đã đưa ra mức lãi suất ngất ngưởng. Hiện nay, mức lãi suất cho vay tiêu dùng phổ biến từ 1,4 - 1,9%/tháng, tương đương gần 17% và 23%/năm. Còn có thời điểm, lãi suất xe trả góp vượt 2,4% một tháng, tương đương gần 30%/năm.

Điều đáng nói mặc dù khách hàng trả góp hàng tháng đều trả dần số tiền vay nhưng người mua hàng thường phải trả lãi vay tính theo tổng số tiền vay ban đầu nên chi phí lãi suất thực tế còn cao hơn nữa. Theo phản ánh của một số khách hàng, với giá một chiếc xe máy có giá trị từ 35 triệu đồng đến 60 triệu đồng thì nếu mua hàng trả góp, người tiêu dùng sẽ phải tốn thêm từ 7 - 15 triệu đồng.

Hiện trên thị trường có 2 phương thức trả nợ phổ biến là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, một số tổ chức tài chính đã liên kết cùng cửa hàng, đại lý áp dụng cho mua hàng trả góp ghi cả hai loại lãi suất trong cùng một hợp đồng. Nếu chỉ trả gốc và lãi hàng tháng sẽ không có vấn đề gì nhưng với khách hàng kết thúc sớm hợp đồng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.

Một tình huống nhiều khách hàng gặp phải là khi có đủ tiền và muốn giảm áp lực chi phí lãi vay, khách hàng thường muốn thanh toán toàn bộ tiền mua sản phẩm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các cửa hàng thường nhất định yêu cầu khách hàng muốn thanh toán “một cục” thì phải chịu phí, chẳng khác gì vay vốn ngân hàng mà trả trước thời hạn. Một số khách hàng còn ngã ngửa vì đến lúc thanh toán tiền lần cuối mới biết, họ còn phải trả thêm phí bảo hiểm tiền vay 5%.

Theo các chuyên gia tài chính, đa phần khách hàng mua hàng trả góp thường chỉ quan tâm đến số tiền phải trả ban đầu và số tiền phải trả hàng tháng là bao nhiêu mà không mấy người tính được chi phí tổng thể. Trong khi đó, bên cạnh rủi ro về lãi vay thì người tiêu dùng còn phải đối mặt với nguy cơ trả nhiều loại phí phát sinh nếu không thực hiện đúng hợp đồng mua hàng.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) mới đây cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng với các rủi ro về lãi suất của dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Nhân viên tư vấn thường không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng; về cách thức tính lãi phạt; về thời hạn phải trả tiền hàng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Thiếu sót này làm cho người tiêu dùng không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu: 

Không thể phủ nhận tín dụng tiêu dùng tín chấp đang được các công ty tài chính và ngân hàng đẩy mạnh là phương tiện hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh thì quản lý rủi ro để hạn chế nợ xấu là hết sức quan trọng. Do đó, công ty tài chính, ngân hàng phải đầu tư đúng chỗ, phát triển bền vững tín dụng tiêu dùng, thay vì chấp nhận rủi ro dẫn đến khó kiểm soát vốn. Nếu chạy đua giành thị phần, mà không kiểm soát được rủi ro, sẽ dẫn đến nguy cơ “bong bóng” tín dụng tài chính cá nhân, khi nợ xấu trong hoạt động cho vay ngày một gia tăng. 

Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: 

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tiếp nhận nhiều trường hợp khiếu nại liên quan đến lãi suất khi mua hàng trả góp xuất phát từ việc khách hàng được nhân viên bán hàng tư vấn “mập mờ”. Tuy nhiên, nhiều khiếu nại không thể giải quyết được bởi hợp đồng đã ký, người mua phải thực hiện những điều khoản mà mình đã đồng ý. Để tránh bị thiệt thòi, người tiêu dùng cần đọc thật kỹ hợp đồng. Ngoài việc tính toán số tiền chênh lệch và mức góp hàng tháng để lượng sức mình, người tiêu dùng còn phải để ý đến những điều khoản bất hợp lý để yêu cầu công ty bán hàng điều chỉnh hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ.


Thu Hường - Thu Trang