10:05 15/10/2011

Mạnh tay với lạm thu và vấn nạn dạy thêm học thêm

Tại Hội nghị giao ban lần I cụm thi đua vùng 7 ngành giáo dục và đào tạo 5 thành phố: Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, nhiều Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo đã chia sẻ về tình trạng lạm thu và dạy thêm học thêm đang gây bức xúc trong dư luận.

Tại Hội nghị giao ban lần I cụm thi đua vùng 7 ngành giáo dục và đào tạo 5 thành phố: Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội tổ chức ngày 14/10 tại Hà Nội, nhiều Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo đã chia sẻ về tình trạng lạm thu và dạy thêm học thêm đang gây bức xúc trong dư luận.

Học thêm còn vì... phương pháp dạy học

Nói đến tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD - ĐT đã nhận được rất nhiều đơn thư về hiện trạng này, đặc biệt phản ánh tình trạng ở hai thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các thành phố trực thuộc trung ương là nơi có điều kiện phát triển nhưng lại có nhiều vấn đề bức xúc.

Việc giảm tải chương trình theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm. Ảnh: Phạm Quyền-TTXVN


Tình trạng dạy thêm học thêm không còn xa lạ đối với các thành phố lớn. Trao đổi với Tin Tức, ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hải Phòng cho biết, thực tế nhiều phụ huynh cho con học thêm 3 - 4 ca/ngày nhưng không hiệu quả. Các trường quản lý dạy thêm và học thêm tối đa 3 buổi/tuần, học sinh còn tìm đến nơi khác học. Những trường nào ép học sinh học thêm thì trách nhiệm thuộc về nhà trường và Sở sẽ có biện pháp mạnh. Bên cạnh đó phụ huynh cần phải biết cách điều tiết tình hình học tập của con cái. Nhà trường chỉ quản nửa ngày còn gia đình quản nửa ngày.

Ông Vũ Văn Trà cũng trao đổi, để giảm dạy thêm học thêm còn có trách nhiệm của ngành giáo dục trong đổi mới phương pháp dạy học. Hiện nay, việc dạy học phổ biến vẫn là một chiều từ thầy xuống trò và học trò tiếp thu kiến thức thụ động. Bộ có kế hoạch về việc đẩy mạnh đổi mới, dạy học theo nhóm cho học sinh nghiên cứu và phát triển ý kiến, kỹ thuật dạy học như: Bản đồ tư duy, kỹ thuật phòng tranh, bể cá... còn khó khăn nhưng thiết nghĩ, cần phải bồi dưỡng giáo viên để làm tốt việc này. Đây là phương pháp để giúp học sinh luôn tự tin và biết khám phá.

Để chấn chỉnh vấn nạn dạy thêm học thêm, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cần phải có sự chung tay của ngành như: thanh tra, cảnh sát... tại các cơ sở dạy thêm, học thêm mới có kết quả như mong muốn.

Minh bạch sẽ đồng thuận

Thời gian qua, tình trạng lạm thu trong trường học cũng gây bức xúc trong dư luận. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Ngành giáo dục cần sự vận động đóng góp của toàn xã hội, cần phải công khai minh bạch và cần sự đồng thuận. Mặt khác phải phân biệt gia đình có điều kiện và không có điều kiện kinh tế. Ở TP Hồ Chí Minh không công khai mỗi phụ huynh đóng góp bao nhiêu tiền mà chỉ công bố tổng chi phí và khoản thu thôi.

Việc dạy thêm ngoài trường phải được các cơ quan quản lý giáo dục cấp phép (ảnh minh họa).

Nhà nước không thể trang bị được, nên muốn có trang thiết bị hiện đại cần sự đóng góp của người dân. Để công khai cần tổ chức đại hội dân chủ nghiêm túc từ hội lớp, đại diện ban đại diện phụ huynh trường, đại diện đầy đủ tầng lớp trong nhà trường để phụ huynh hiểu. Trách nhiệm ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng chịu trách nhiệm chính phải là hiệu trưởng.

Chia sẻ về đóng góp tiền trường, ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hải Phòng cho biết, Sở đã tổ chức hội thảo bàn đến xã hội hóa như thế nào cho phù hợp và trên nguyên tắc: Đồng thuận, chú ý đến đối tượng khó khăn mang tính tự nguyện, công khai minh bạch và hiệu quả. Đặc biệt, không dùng tiền đó để hỗ trợ, khen thưởng. Ngân sách giáo dục hạn hẹp, nguồn từ doanh nghiệp, nhân dân... phải làm sao cho hợp lý, vừa sức dân. Khi người dân biết rõ đồng tiền người ta đóng được sử dụng như thế nào họ sẽ đồng thuận.

Còn ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD - ĐT Cần Thơ cho rằng, Bộ cần phải xem xét và nghiên cứu lại quy định các khoản thu trong trường học. Trường cần phải huy động đóng góp của cha mẹ học sinh giúp cho các trường phục vụ hoạt động dạy học.

Đánh giá lại tình trạng này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: Việc nâng cao chất lượng giáo dục của các thành phố phải đi đôi với ổn định nền nếp kỷ cương. Như thực hiện điều lệ Hội cha mẹ học sinh mới đã có nhiều nơi làm sai nhưng không phải không có cách chấn chỉnh, xử lý. Có chỗ rút kinh nghiệm nhẹ nhàng có những chỗ buộc phải kỷ luật và phải mạnh dạn nêu tên những người làm sai. "Bên cạnh đó, khuyến khích đơn vị xã hội hóa phải trên tinh thần tiết kiệm, đúng mục đích, người dân hoàn toàn tự nguyện. Không lấy qũy hội phụ huynh ra để chi cho các hoạt động của trường" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Lê Vân - Thu Trang