03:15 17/03/2020

Malaysia quyết liệt chống dịch COVID-19

Chỉ sau chưa đến 5 ngày, Malaysia đã ghi nhận một "mốc đáng buồn", trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á và thứ 19 thế giới về số ca mắc COVID-19 với 566 trường hợp tính tới ngày 17/3.

Dù chưa có trường hợp nào tử vong, nhưng tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh khiến chính phủ nước này phải đưa ra các biện pháp quyết liệt, bao gồm lệnh “đóng cửa” đất nước chưa từng có tiền lệ.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 14/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nỗi lo lắng của Chính phủ Malaysia không chỉ do virus SARS-CoV-2 đang cho thấy sức tàn phá ghê gớm trên toàn thế giới, tính đến ngày 17/3 đã xuất hiện tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 182.000 người nhiễm và trên 7.165 trường hợp tử vong, mà còn bởi số ca nhiễm ở nước này tăng đáng báo động, từ 238 ca ngày 14/3 vọt lên 428 trường hợp 1 ngày sau và 566 ca vào trưa 17/3. Số ca nhiễm được dự báo còn tiếp tục tăng vì đã có 338 trong số khoảng 14.500 người Malaysia tham dự một sự kiện tôn giáo tại đền thờ Sri Petaling ở Kuala Lumpur từ 27/2-1/3 vừa qua được xác định mắc COVID-19.

Đáng lo ngại hơn, chỉ có trên 5.000 người khai báo tham gia sự kiện nêu trên, nhưng hơn 1.600 người đã có triệu chứng bệnh đường hô hấp. Đó là chưa kể hàng nghìn người nước ngoài đã tới Malaysia tham dự sự kiện này.

Với lệnh “đóng cửa” đất nước được tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin đưa ra tối 16/3, từ ngày 18-31/3/2020, tất cả những buổi tụ tập đông người, bao gồm các hoạt động tôn giáo, thể thao, văn hóa, xã hội đều bị cấm. Tất cả các cơ sở kinh doanh cũng sẽ phải đóng cửa, trừ siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa và cửa hàng tiện lợi. Mệnh lệnh còn yêu cầu tất cả người Malaysia không được đi du lịch nước ngoài, trong khi người Malaysia trở về từ nước ngoài sẽ phải theo dõi sức khỏe và tự cách ly trong 14 ngày; cấm du khách và người nước ngoài vào Malaysia; dừng hoạt động của tất cả các trường học và cơ sở đào tạo, bao gồm cả đào tạo bậc cao và trung tâm dạy nghề.

Trong thời gian áp dụng, tất cả cơ sở chính quyền và cơ sở tư nhân cũng phải đóng cửa, trừ các cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu như nước, điện, năng lượng, viễn thông, bưu chính, vận tải, hàng hải, nhiên liệu, khí đốt, dầu nhớt, đài phát thanh truyền hình, dịch vụ tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, tiệm thuốc, cứu hỏa và cứu hộ, cảng biển, sân bay, an ninh, quốc phòng, vệ sinh và cung cấp thực phẩm.

Lệnh “đóng cửa” đất nước, như thừa nhận của ông Muhyiddin, có thể gây thiệt hại về kinh tế và bất tiện cho người dân, nhưng đây là các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Và để giám sát tình hình dịch bệnh, Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia sẽ triệu tập phiên họp đặc biệt hằng ngày dưới sự chủ trì của thủ tướng. Từ 12 giờ trưa 17/3, một đường dây nóng cũng được mở tại Trung tâm Giám sát hành động quốc gia nhằm giải đáp mọi thắc mắc của người dân. Ngoài ra, Chính phủ Malaysia còn bảo đảm có đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và đồ phòng hộ để cung cấp cho người dân.

Song hành với lệnh “đóng cửa” đất nước, Chính phủ Malaysia tiếp tục đưa ra thêm loạt biện pháp hỗ trợ người dân và các thành phần xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 được cho là sẽ ảnh hưởng tương đối lớn với kinh tế Malaysia. Theo Ngân hàng phát triển châu Á, nếu tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, kinh tế Malaysia có thể tổn thất 1,52 tỷ USD, tương đương 0,414% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sau cuộc họp với Hội đồng Hành động kinh tế ngày 16/3, Thủ tướng Muhyiddin đã tuyên bố tăng cường các biện pháp chấn hưng kinh tế, bao gồm hỗ trợ người lao động bị buộc phải nghỉ không lương từ ngày 1/3 mỗi tháng 600 RM trong thời gian tối đa là 6 tháng; từ ngày 1/4-30/9/2020, chiết khấu 2% hóa đơn tiền điện cho tất cả các hộ gia đình, đơn vị sử dụng điện trong ngành công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp…

Trước đó, ngày 27/2, Malaysia đã tung ra gói kích thích kinh tế năm 2020 nhằm xử lý rủi ro dịch COVID-19. Dù Malaysia đã có chính phủ mới từ ngày 1/3, nhưng gói kích thích này vẫn được tiếp tục. Ngoài các chiến lược căn cơ như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lấy người dân làm trung tâm và thúc đẩy đầu tư chất lượng, trong gói kích thích kinh tế này, Chính phủ Malaysia còn chú trọng cả chiến lược trước mắt là giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 với biện pháp tiếp cận 3 bước. 

Thứ nhất là nới lỏng dòng tiền đối với các ngành nghề bị ảnh hưởng như giảm 15% hóa đơn tiền điện hằng tháng cho khách sạn, đại lý du lịch, hãng hàng không, trung tâm mua sắm, trung tâm hội nghị triển lãm từ tháng 4-10/2020; đưa ra gói tín dụng đặc biệt với lãi suất thấp, tiến hành khoanh, giãn nợ, tái cơ cấu các khoản vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng... 

Thứ hai là hỗ trợ các cá nhân bị ảnh hưởng, gồm trợ cấp 1 lần 600 RM cho các lái xe taxi, xe buýt du lịch, hướng dẫn viên du lịch, lái xe du lịch thô sơ đã đăng ký; trợ cấp 400 RM/tháng cho các bác sỹ và nhân viên y tế trực tiếp tham gia chống dịch và hỗ trợ 200 RM/tháng cho các nhân viên hải quan cũng như nhân viên hoạt động ở tuyến đầu từ tháng 2/2020 tới khi dập được dịch COVID-19…. 

Thứ ba là kích thích du lịch trong nước, gồm giảm thuế thu nhập cá nhân lên tới 1.000 RM cho người Malaysia đi du lịch trong nước, cấp thẻ ưu đãi trị giá tới 100 RM cho người Malaysia đi bằng đường không, đường sắt và nghỉ khách sạn…

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Malaysia trong trang phục bảo hộ làm nhiệm vụ sơ tán các công dân trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, ngày 4/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Với các biện pháp quyết liệt vừa để ngăn chặn dịch lan tràn, vừa nhằm khắc phục hậu quả do dịch gây ra, hy vọng dịch COVID-19 sớm được kiểm soát cũng nhen nhóm. Tuy nhiên, như nhận định của bác sỹ Amar Singh, “kẻ thù chính” hiện nay không phải là virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19, mà là sự vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết và không có lòng tin, khiến virus lây lan rộng.  Bởi vậy, cùng với nỗ lực của chính quyền, người dân cần thể hiện trách nhiệm công dân, trước hết là thực hiện nghiêm những quy định và khuyến cáo, từ hạn chế tụ tập đông người, đến dừng tất cả các kiểu chào truyền thống như bắt tay, hôn tay, ôm hôn bởi chúng có nguy cơ rất cao. Ngoài ra, cần phải ngừng ngay việc mua sắm, tích trữ trong hoảng loạn bởi khi đám đông lao tới siêu thị, tác dụng của việc giữ khoảng cách để phòng chống dịch sẽ không còn, chỉ làm tăng khả năng bị nhiễm bệnh.

Một vấn đề quan trọng khác là trong thời khắc khó khăn như thế này, cộng đồng cần hướng sự hỗ trợ tới những người công tác ở tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y tế, những người có thể đang phải bỏ lại gia đình, con cái để tham gia hoạt động chung. Sự chung tay, đồng lòng của cả cộng đồng, sự ấm áp sẻ chia trong khó khăn cũng là yếu tố tạo ra một hệ thống hỗ trợ an toàn chống virus SARS-CoV-2.

Hà Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Malaysia)