07:14 14/07/2017

Mái ấm gia đình trong tiểu thuyết Hector Malot

Cách đây 110 năm, ngày 17/7/1907, đại văn hào người Pháp Hector Malot đã qua đời khi vừa tròn 70 tuổi tại Fontenay sous Bois, Paris. Sự ra đi của ông đã để lại một mất mát lớn cho làng văn học thế giới.

Người bạn thân thiết của nhiều thế hệ

Hector Malot sinh ngày 20 tháng 3 năm 1830, tại La Bouile, miền Bắc nước Pháp. Trước khi đến với nghề văn, Malot đã tốt nghiệp đại học luật và làm việc cho một văn phòng luật sư. 25 tuổi, Hector Malot quyết định lên Paris, làm biên tập cho một tờ nhật báo, sau đó viết tiểu thuyết. Ban đầu, ông viết về những chuyến du lịch ngắn. Sau đó ông thường đi vào đề tài Hôn nhân và Gia đình.

Đại văn hào người Pháp Hector Malot.

Hơn một trăm năm qua, những tác phẩm giàu tính giáo dục và nhân văn của Hector Malot đã trở thành người bạn thân thiết của thiếu nhi và nhiều thế hệ độc giả trên khắp thế giới, nhiều tác phẩm của ông xứng đáng là những kiệt tác của nhân loại.

Năm 1859, Tác phẩm đầu tay “Những người tình” (Les Amants) của Hector Malot được xuất bản đã gây được tiếng vang lớn trên văn đàn Pháp. Trong sự nghiệp của mình, Hector Malot đã viết trên 70 tác phẩm như: “Romain Kalbris” (1869), “Pông perinông”... và nổi bật là “Không gia đình” (Sans Famille, 1878) và “Trong gia đình” (En Famille, 1893) là hai tác phẩm xuất sắc được các độc giả nhỏ tuổi vô cùng yêu thích. Vượt qua biên giới nước Pháp, các tác phẩm này đã được đón nhận nồng nhiệt ở khắp mọi nơi và nhiều lần được dựng thành phim. Đặc biệt, tác phẩm “Không gia đình” đã giành giải thưởng của Viện Hàn lâm văn học Pháp.

Món quà mang tính giáo dục của “Không gia đình” và "Trong gia đình”

“Không gia đình” và "Trong gia đình” là hai tác phẩm có tựa đề ngược nhau, nhưng cùng hướng về một mục đích. Hai số phận của hai đứa trẻ bất hạnh lênh đênh trong dòng đời phiêu bạt. Khó khăn, vất vả và nhiều khi tuyệt vọng nhưng với niềm tin, ý chí, nghị lực và cả sức lao động của mình, bọn trẻ cuối cùng đã tìm được hạnh phúc trong vòng tay những người yêu thương.

“Không gia đình” (còn được dịch là Vô gia đình), có thể được xem là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Hector Malot. Ở nước ta, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã phỏng theo "Không gia đình" để viết cuốn tiểu thuyết nhỏ "Cay đắng mùi đời", được độc giả Việt Nam vô cùng yêu thích.

“Không gia đình” là hành trình gian khó của cậu bé mồ côi Remi, kể từ ngày bị ông bố nuôi bán cho cụ già Vitalis, một nghệ sĩ xiếc lang thang. Chính ông cụ tốt bụng ấy đã dạy dỗ cậu bé nên người, cụ dạy cậu đọc chữ, diễn xiếc, chơi nhạc, và trên hết, đã hình thành nên nhân cách cao đẹp nơi Remi. Trải qua nhiều gian khổ, đối mặt với nhiều loại người, từng suýt chết trong bão tuyết, hầm mỏ, chịu đói khát, vào tù… nhưng Remi vẫn giữ cho mình lòng tốt và sự hy sinh. Để rồi một ngày hạnh phúc đã mỉm cười với Remi. Em đã gặp lại người mẹ của mình, được đoàn tụ được với gia đình. Với đức tính nhân hậu, ơn nghĩa trước sau Remi đã đền đáp lại công ơn của những người đã giúp đỡ mình trong những ngày khổ cực.

Cuốn truyện "Không gia đình" nổi tiếng.

Rất nhiều câu chuyện nhỏ nhiều tình tiết, nhiều tuyến nhân vật đan xen, thắt nút rồi lại mở nút, "Không gia đình" đã đưa người đọc vào chuyến phiêu lưu hấp dẫn của chú bé Rémi với đủ mọi tâm trạng: Thích thú, bất ngờ, hồi hộp, đau lòng, thậm chí có những lúc trở nên tuyệt vọng… để đi đến những bất ngờ, những thăng hoa của hạnh phúc trong tình yêu bạn bè, tình yêu gia đình.

Tựa đề “Không gia đình” mang sắc buồn và cô đơn. Nhưng trong suốt hành trình của Remi, ít thấy những giây phút cậu đau khổ vì không có bạn. Ngược lại, trong mọi hoàn cảnh, bên cạnh Rémi luôn là những người tốt, giúp đỡ, yêu thương cậu. “Không gia đình” như một phép đảo, nói lên hoàn cảnh mồ côi của Rémi, nhưng cũng hàm ý nghĩa không phải một gia đình, mà Rémi có rất nhiều gia đình, rất nhiều những người thân không huyết thống trên đường đời.

Truyện không chỉ dành cho các em thiếu nhi mà người lớn khi “soi” mình vào đấy cũng cảm nhận được niềm tin, tình yêu mãnh liệt ở cuộc sống và ý chí để vượt lên những khó khăn, gian khó. Tác phẩm đã ca ngợi giá trị lao động bền bỉ chân chính, tinh thần tự lập, chịu đựng gian khó, khích lệ tình bạn chân chính…

Còn tác phẩm "Trong gia đình” kể về cuộc đời của cô bé Perin, mồ côi cha mẹ lúc 12 tuổi. Trơ trọi một mình giữa những người xa lạ, với bao khó khăn, nguy hiểm phía trước, nhưng là một cô gái can đảm có ý thức tự lập, lòng tự trọng và niềm say mê sáng tạo, Perin không chịu đầu hàng số phận và cố gắng vươn lên bằng mọi cách. Dẫu cực nhọc, đói khổ em vẫn luôn vui vẻ lạc quan với suy nghĩ: người ta sẽ thành công khi có nghị lực, lòng quyết tâm và sự sáng tạo. Nhờ trí thông minh và lòng dũng cảm, vượt qua bao gian nan thử thách, cuối cùng Perin đã tìm được ông nội của mình. Một cuộc sống mới hạnh phúc đón chào em, một cô bé thông minh và bản lĩnh.

Bằng lối hành văn trong sáng, óc quan sát tinh thế, sự hiểu biết tâm lý tuổi nhỏ tường tận, Trong gia đình đã cuốn hút và làm say lòng các bạn nhỏ. Tác phẩm đã bồi dưỡng các bậc cha mẹ, các em những tình cảm tốt đẹp của con người. Đó là ý chí, nghị lực để vượt mọi khó khăn. Đó là ý thức tự lập, tự tin không ỷ lại bất cứ điều gì. Đó là niềm say mê sáng tạo… Và hơn tất cả đó là sự quan tâm sâu sắc và tình thương yêu con người.

Mái ấm gia đình với người thân, trở thành hình ảnh đáng mơ ước không chỉ cho tất cả các nhân vật trong hai cuốn tiểu thuyết, mà thành một giá trị hấp dẫn mọi người.

Hai tác phẩm “Trong gia đình” và “Không gia đình” của Hector Malot mặc dù vẫn còn đôi chút âm hưởng của không khí tiểu tư sản lúc bấy giờ nhưng thực sự đó là những món quà tri thức ý nghĩa và mang tính giáo dục sâu sắc.
 
Hồng Anh (tổng hợp)