06:09 14/06/2011

Ma trận an toàn thực phẩm

Vụ thạch rau câu vị khoai môn nhãn hiệu Taro của Công ty New Choice Foods bị cơ quan chức năng phát hiện có phụ gia có thể gây ung thư, có thể nói đã làm u ám cả mùa hè.

Vụ thạch rau câu vị khoai môn nhãn hiệu Taro của Công ty New Choice Foods bị cơ quan chức năng phát hiện có phụ gia có thể gây ung thư, có thể nói đã làm u ám cả mùa hè. Có lẽ gần như chẳng đứa trẻ thành phố nào lại không từng ăn viên thạch Taro mềm mềm, ngọt ngọt. Còn trẻ ở nông thôn, miền núi, chắc cũng có một số không nhỏ được ăn thạch ấy. Những thông tin về tác hại của chất phụ gia độc đang làm nhiều vị phụ huynh lo đứng lo ngồi cho sức khoẻ con em. Và hè này, thạch gần như bị loại hẳn khỏi thực đơn của bọn trẻ. Khi mà người tiêu dùng tẩy chay mọi sản phẩm thạch, thì đương nhiên các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các nhà kinh doanh cũng thất bát.

"Vụ thạch Taro" (thực ra, sau thạch rau câu Taro, nhiều loại đồ uống, đồ ăn khác cũng bị phát hiện có phụ gia gây ung thư đó) làm người tiêu dùng thấy rõ hơn một nguy cơ về an toàn thực phẩm, ấy là thực phẩm công nghệ bị nhiễm độc bởi nguyên liệu không lành. Nếu như rau tưới bằng nước bẩn, thịt, cá có chất tăng trọng, trái cây bị "ngâm" đẫm chất bảo quản trái phép... còn có thể nhận diện nhờ một vài dấu hiệu nào đó, thì thực phẩm công nghệ - như một cán bộ trong ngành y tế đã nói, bằng trực quan rất khó phân biệt an toàn hay không an toàn. Điều ấy làm cho người tiêu dùng cảm thấy bất lực trước ma trận an toàn thực phẩm (ATTP) ở nước ta hiện nay: Ăn cũng chết mà không ăn cũng… chết.

Tại sao có "ma trận" ấy? Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có một nguyên nhân đã được nói rất nhiều. Ấy là ba bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế cùng quản lý lĩnh vực ATTP, tưởng là quá chắc, nhưng thực tế là ngược lại. Nhiều vụ thực phẩm "bẩn" do cơ quan điều tra phát hiện, mà rất ít thấy vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Ngày 1/7 tới đây, Luật An toàn thực phẩm bắt đầu có hiệu lực. Đạo luật với những chế tài mạnh này (ví dụ, mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm ATTP được nâng từ 30 triệu đồng lên tới 100 triệu đồng) đang được kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng "nhiều bệnh từ mồm vào" hiện nay. Nhưng thực tế cho thấy, luật không phải "thuốc bách bệnh". Nếu các văn bản dưới luật không có những quy định rõ ràng về phạm vi trách nhiệm quyền hạn của từng cơ quan chuyên ngành, làm cơ sở cho việc triển khai hiệu quả Luật ATTP thời gian tới, e rằng "bệnh vẫn từ mồm vào" dài dài.

Nói cách khác, phải "bốc thuốc" cho "bệnh" ba bộ quản lý ATTP vừa chồng chéo lại vừa trống trải như hiện nay. Chỉ khi phân công, phân nhiệm rõ ràng, mới mong hóa giải "ma trận" ATTP để có thực phẩm an toàn!

Hà Nguyễn