04:09 24/04/2015

Lý Sơn bừng sáng

Ước mơ ngàn đời của người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có điện nay đã trở thành hiện thực. Giữa biển khơi muôn ngàn sóng gió, dòng điện lưới quốc gia đã bừng sáng cùng nhiều làn sóng đầu tư liên tiếp “cập bến” huyện đảo khiến niềm vui đầu năm mới của người dân Lý Sơn như được nhân lên gấp bội.

Ước mơ ngàn đời của người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có điện nay đã trở thành hiện thực. Giữa biển khơi muôn ngàn sóng gió, dòng điện lưới quốc gia đã bừng sáng cùng với nhiều làn sóng đầu tư liên tiếp “cập bến” huyện đảo khiến niềm vui đầu năm mới của người dân Lý Sơn như được nhân lên gấp bội.

Bừng sáng giữa Biển Đông

Anh Nguyễn Đình Giỏi, chủ cơ sở chế biến mộc dân dụng trên đảo Lý Sơn cho biết: Từ khi có điện lưới, anh đã mạnh dạn đầu tư, sắm được nhiều máy móc công nghệ tiên tiến tại cơ sở. Bên cạnh đó, kinh phí sử dụng điện ít hơn so với dùng dầu diesel để chạy máy nổ, nhờ đó cơ sở mộc của anh thường hoạt động hết công suất, đem lại nhiều lợi nhuận cho gia đình.

Điện sáng trên Đảo Lý Sơn. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN


Ngoài anh Giỏi, các hộ trồng tỏi, hành trên địa bàn huyện cũng rất vui mừng vì giờ đây họ không còn phải lo thức đêm để bơm nước, tưới cây khi họ có thể sử dụng hệ thống tự động tưới nước ở ngoài đồng, vừa đỡ tốn công sức, lại tiết kiệm chi phí so với chạy máy phát điện.

Anh Phạm Như Lành, thôn Đông, xã An Hải cho biết: Khi chưa có điện, nhà anh ít trang hoàng hơn, nhưng giờ có điện, gia đình anh sắm sửa được nhiều trang thiết bị hơn như tủ lạnh, tivi, bếp điện từ... Mong rằng năm mới sẽ vui vẻ, phấn khởi và ấm áp hơn mọi năm trước.

Từ khi điện lưới quốc gia được đưa ra đảo, diện mạo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có sự thay đổi đáng kể, cơ sở hạ tầng trên đảo đang ngày càng được chú trọng đầu tư. Ảnh: Phước Ngọc  – TTXVN



Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nhấn mạnh: "Rõ ràng nguồn điện là cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Trước mắt, đời sống sinh hoạt cũng như văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân đã mua sắm các trang thiết bị nghe, nhìn để phục vụ văn hóa tinh thần cũng như mua sắm các loại máy móc để phục vụ sản xuất khác. Từ lúc có điện đến nay và cả trước lúc có điện, để đón đầu nguồn điện về đảo Lý Sơn, nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức cá nhân đến đây đầu tư nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch. Hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá của huyện đảo sau khi có điện cũng rất sôi nổi. Đơn cử như xưởng đóng tàu thuyền trên huyện trước đây sử dụng máy nổ nên hoạt động rất cầm chừng, công suất sử dụng rất thấp nhưng đến nay hoạt động gần như hết công suất, kèm với đó các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh hơn".

Không chỉ vậy, niềm vui được nhân lên gấp bội khi huyện đảo đón nhận liên tiếp nhiều "làn sóng" đầu tư. Chủ tịch huyện Lý Sơn vui mừng cho biết: Một số công ty, tập đoàn đã ra Lý Sơn khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương tìm vị trí để xây dựng mô hình du lịch sinh thái, huyện đã cấp khoảng 26 ha tại đảo lớn và đảo bé để công ty này hoạt động. Tập đoàn Mường Thanh cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu để xây dựng khách sạn tầm cỡ tại huyện đảo này. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đầu tư hơn 30,7 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện. Hiện nhà máy đang chuẩn bị đưa vào hoạt động. Ngoài ra, hàng loạt các dự án, công trình đã và đang được đầu tư trên huyện đảo sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của Lý Sơn trong nay mai.

Để hòn ngọc sáng mãi

Lý Sơn đang vươn mình đánh thức những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa vốn có. Ông Trần Ngọc Nguyên, khẳng định: Thời gian tới, Lý Sơn sẽ tập trung khai thác tài nguyên biển, trong đó du lịch được xem là ngành mũi nhọn, then chốt để Lý Sơn phát triển. Khai thác tài nguyên biển không chỉ dừng lại ở nguồn thủy sản phong phú, trữ lượng dầu khí dồi dào hay các hoạt động vận tải biển mà còn là khai thác, phát triển các dịch vụ du lịch, gắn với biển. Đây không chỉ mục tiêu phát triển kinh tế mà còn là chiến lược phát triển bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cùng với việc đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển, Chính phủ cho phép Lý Sơn có những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội bước đầu đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến với Lý Sơn. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục hồ sơ để công nhận Lý Sơn là di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, đồng thời lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nơi đây là công viên địa chất toàn cầu.

Ông Đoàn Sung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương, đơn vị được cấp phép đầu tư, khai thác du lịch ở Lý Sơn cho biết: Công ty đang đề nghị được phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia bảo tồn biển, bảo tồn các rạn san hô, các địa chất địa mạo ở dưới biển. Đặc biệt, do được dung nham núi lửa hình thành các tầng địa chất ở dưới lòng biển cùng với đó là hệ thống sinh vật biển sinh sống tại các hang động rất phong phú tạo cho Lý Sơn một vẻ đẹp độc đáo. Bên cạnh đó, ở dưới nước khu vực biển Lý Sơn còn hình thành hệ thống các hang động, cổng tò vò, các di tích tàu đắm. Đây chính là điểm mạnh ở Lý Sơn mà công ty sẽ tập trung khai thác, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước.

Ông Trần Ngọc Nguyên chia sẻ: Để Lý Sơn thật sự là hòn đảo tiền tiêu của đất nước, ngoài những giải pháp, mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của huyện đã xác định trong Nghị quyết của huyện ủy, chính quyền sẽ cùng với tỉnh qui hoạch tổng thể huyện đảo Lý Sơn. Việc quy hoạch này sẽ do đơn vị nước ngoài thực hiện. Cùng với đó, huyện cũng tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký khoảng 20 “con tàu 67”, đây là những con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và tàu có công suất lớn đi đánh bắt thủy sản ở khơi xa. Huyện cũng đang thực hiện, sắp xếp để quy hoạch lại khu vực hậu cần nghề cá theo hướng mở rộng và đa ngành nghề hơn, có thể cung cấp đầy đủ các sản phẩm đầu vào cũng như đầu ra cho ngư dân, cung cấp dịch vụ đóng, sửa chữa tàu thuyền.

Bên cạnh đó, Lý Sơn cũng tiếp tục thực hiện theo Quyết định 1995/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015 - 2020 về việc đầu tư một số dự án trọng điểm. Theo đó, huyện sẽ tập trung xây dựng cảng cá Bến Đình, cảng giao thông Lý Sơn, hệ thống đường giao thông trên đảo; hệ thống đê, kè bảo vệ đảo; vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn; trung tâm y tế quân, dân y kết hợp; quy hoạch phát triển du lịch trên đảo...

"Những kế hoạch, dự án của huyện Lý Sơn dù mới bắt đầu khởi động, nhưng với tiềm năng thực có và những quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn hi vọng rằng nơi đây - hòn đảo tiền tiêu của cả nước sẽ mãi sáng giữa Biển Đông" - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên nhấn mạnh.

Sỹ Thắng