08:14 27/08/2020

Lý giải việc một số bộ, ngành, địa phương xin chuyển, trả lại vốn đầu tư công

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, có 9 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn đầu tư công từ những dự án giải ngân chậm; trong đó có các dự án nguồn vốn ODA, để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước là 342 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5.996 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Công trình cải tạo hệ thống thoát nước, vỉa hè bằng vốn đầu tư công trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN

Các địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại vốn có: Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Cần Thơ.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của 7 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước là 13.038 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 471 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm bao gồm cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để như khâu giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua tổng hợp báo cáo từ các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù.

Cụ thể như, vướng mắc chủ yếu của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là ở giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án thành phần mà việc này thuộc trách nhiệm của các địa phương (dự án đi qua 13 địa phương).

Cùng với đó, việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Việc triển khai tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, việc đôn đốc nhà thầu thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Còn đối với các dự án nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù như: nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.

Bên cạnh đó, do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động gắn với yếu tố nước ngoài từ nhiều khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn, giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án đều chậm lại.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (kể cả vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) được giao của tỉnh Bình Dương là hơn 13.467 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân tới ngày 14/8/2020 là gần 3.030 tỷ đồng, mới đạt 22,5% kế hoạch. 

Cụ thể, giá trị giải ngân vốn ngân sách Trung ương (gồm vốn nước ngoài ODA, vốn đầu tư theo các chương trình mục tiêu) là gần 173 tỷ đồng, đạt 31,6% kế hoạch. Vốn ngân sách địa phương (gồm vốn ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và bội chi ngân sách địa phương) giải ngân được gần 2.857 tỷ đồng, đạt 22,1% kế hoạch.

Theo báo cáo của các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Bình Dương, việc giải ngân vốn đầu tư công gặp một số khó khăn trong vận động người dân đồng thuận với chủ trương, đơn giá đền bù giải tỏa các dự án; việc phối hợp triển khai một số dự án quy mô lớn liên quan đến nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh.  

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan về trình tự thủ tục, sự chồng chéo trong các quy định giữa Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng còn có các nguyên nhân chủ quan như: sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện có nơi chưa chặt chẽ, chưa kịp thời trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện phù hợp với thời gian dự án được phê duyệt… gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện dự án.

Hiện tỉnh Bình Dương còn hơn 10.000 tỷ đồng cần đảm bảo giải ngân đúng hạn với mục tiêu hướng tới xây dựng thành phố thông minh.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà lại các nhiệm vụ, đảm bảo đủ năng lực, khả năng thực hiện; xem lại phục hồi các ban quản lý dự án hoặc nhóm; đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương quyết tâm giải ngân tốt nguồn vốn, bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2020.

UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo quyết liệt thủ trưởng các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố quán triệt đến cán bộ, công chức và viên chức trong đơn vị, địa phương về tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các trung tâm phát triển quỹ đất tập trung đẩy nhanh giải ngân vôn đầu tư công. Thủ trưởng cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước cấp có thẩm quyền trong việc chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 được giao có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa phương mình.

Để đẩy nhanh kế hoạch thực hiện giải ngân hết vốn năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020, bao gồm cả 2 dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vốn đầu tư ngân sách Trung ương từ nguồn tăng thu năm 2019.

Đồng thời, Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 theo đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; rà soát, tổng hợp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Hiện, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân công Lãnh đạo phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, thường xuyên giao ban theo tháng, quý để nhận diện từng khó khăn, vướng mắc để kịp chỉ đạo điều hành; chủ động, tích cực hơn trong việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 từ dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đối với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các địa phương cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên, tránh đầu tư dàn trải ngay từ kế hoạch đầu công năm 2021 và phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách Trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

“Cần ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương. Vốn ODA là nguồn vốn vay với lãi suất cao nên cần lựa chọn các dự án thật sự có ý nghĩa và thiết thực cho địa phương; kiên quyết không vay vốn ODA để triển khai các dự án mà có thể xã hội hóa hoặc có thể vay vốn trong nước để thực hiện, hạn chế tối đa gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau này…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, vẫn còn 15 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương chưa hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách Trung ương cho các chương trình, dự án trước ngày 31 tháng 7 năm 2020 với tổng số tiền là 15.825 tỷ đồng.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân số vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020 chậm, đạt 31,71% tổng số vốn kéo dài. Theo yêu cầu tại Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải giải ngân hết số vốn kéo dài này trong tháng 8 năm 2020.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn ngân sách Nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 22.081 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 15.825 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 6.256 tỷ đồng.

Thúy Hiền - Chí Tưởng (TTXVN)