06:20 14/06/2017

Lý do Tổng thống Donald Trump dám mạnh tay tại Syria

Trong khi thưởng thức món bánh chocolate tráng miệng cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh thực hiện hành động mà người tiền nhiệm Barack Obama chưa từng dám làm, đó là không kích trực tiếp lực lượng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong 100 ngày đầu cầm quyền, Tổng thống Trump đã ra lệnh tấn công tên lửa nhằm vào Syria sau khi các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc lực lượng của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công tại Khan Sheikhoun ngày 4/4. Đây là cáo buộc mà chính phủ Syria và Nga đều bác bỏ.

Tên lửa hành trình Tomahawk phóng vào các mục tiêu ở Syria ngày 7/4. Ảnh: AP

Tuy nhiên sau động thái trên của Mỹ, Syria không hề đáp trả và cả Nga cũng vậy. Đến nay Iran cũng không có phản hồi. Như vậy, loạt 59 tên lửa Tomahawk đã nhắm vào các máy bay của quân đội Syria mà không hề bị trừng phạt.

Vụ việc này là ví dụ tiêu biểu cho khác biệt trong sách lược đối với Syria của Tổng thống Trump và người tiền nhiệm Barack Obama. Theo Business Insider, ông chủ Nhà Trắng thứ 45 Trump dường như gặt hái được thành công.

Cựu Tổng thống Obama đã bị đặt áp lực bởi tình huống tương tự vào năm 2013, sau khi có bằng chứng cho rằng phía chính phủ Syria đã vi phạm “ranh giới đỏ” của ông bằng việc sử dụng vũ khí hóa học.

Thay vì thực hiện theo cảnh báo do chính bản thân đưa ra là tấn công ông Assad thì cựu Tổng thống Obama lại đồng ý để Nga bước vào và chấp nhận thỏa thuận về các kho vũ khí hóa học.

Theo tác giả Alex Lockie của bài viết trên tờ Business Insider, đến thời gian cuối nhiệm kỳ của ông Obama, có thể thấy rõ về lý do Tổng thống Mỹ thứ 44 tránh không kích lực lượng của Tổng thống Assad, đó là vì ông muốn tập trung vào thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông Trump (trái) và người tiền nhiệm Obama tại Nhà Trắng này 10/11/2016. Ảnh: AP

Phóng viên của Wall Street Journal, Jay Solomon năm 2016 nhận xét trên kênh MSNBC rằng: “Khi Tổng thống Obama công bố kế hoạch tấn công chính quyền ông Assad rồi rút lại điều này, đó chính là thời điểm các nhà đàm phán Mỹ có cuộc gặp với đồng nghiệp Iran một cách bí mật tại Oman để đạt được thỏa thuận hạt nhân”.

Ông Solomon bổ sung: “Quan chức Mỹ và Iran đều nói với tôi rằng họ về cơ bản cho rằng nếu Washington tấn công lực lượng của ông Assad, đồng minh thân cận nhất của Iran… thì những cuộc đối thoại sẽ không thể kết thúc”.

Nhưng ông Trump lại hiển nhiên có những ý tưởng khác biệt đối với Iran. Tổng thống Trump đã lên tiếng phản đối thỏa thuận Iran và vận động việc phá vỡ nó. Trong khi Tổng thống Trump chưa có động thái thực sự về điều này thì chính quyền của ông đã áp dụng thêm biện pháp trừng phạt Iran.

Và điều quan trọng là ông Trump đã thể hiện sẵn sàng tấn công trực diện lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad nếu cần thiết và thậm chí trao quyền cho các chỉ huy trận địa giao đấu với lực lượng được cho do Iran hậu thuẫn nếu họ có khả năng đe dọa quân đội Mỹ.

Các quan chức Mỹ và Iran trong cuộc gặp vào tháng 3/2015. Ảnh: Reuters

Chuyên gia về Trung Đông Jonathan Schanzer tại Quỹ Quốc phòng và Dân chủ có trụ sở ở Mỹ cho rằng cựu Tổng thống Obama đã từ chối thực thi ranh giới đỏ của ông hoặc trừng phạt quân đội của ông Assad.

“Nỗi sợ của ông Obama là làm thất vọng thỏa thuận hạt nhân, đó là điều họ đang bảo vệ. Chứ không phải về việc đối đầu rộng hơn”, ông Schanzer đề cập đến việc can thiệp của Nga năm 2015.

Vì vậy ông Obama vô cùng cẩn trọng với Iran để bảo vệ thỏa thuận của mình và dường như tin rằng Iran sẽ bỏ đi nếu ông có hành động chống lại thỏa thuận.

Mọi việc thanh sát cơ sở hạt nhân Iran thực hiện bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) kể từ khi ông Trump nắm quyền cho thấy rằng Iran tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận. Đối với nhà quan sát bên ngoài, Iran dường như vẫn bám sát thỏa thuận, ngay cả sau cuộc không kích của Mỹ vào sân bay quân sự Syria hôm 7/4.

Hiện nay, căng thẳng chưa được giải quyết giữa Mỹ và Iran đã thay đổi. Chuyên gia về Syria Nick Heras tại Trung tâm vì an ninh mới nước Mỹ chia sẻ với Business Insider rằng Iran nhìn nhận có mối đe dọa rằng chính quyền ông Trump sẽ tăng cường hiện diện quân sự để ổn định tình hình ở đông Syria. Và Iran không hài lòng với viễn cảnh Mỹ tăng cường hiện diện hoặc ảnh hưởng tại Syria.

Mặc dù Mỹ không còn buộc phải đi vào con đường được Iran chấp thuận tại Syria nhưng đối đầu với Iran có thể khiến 500 binh sĩ Mỹ ở Syria gặp nguy hiểm.

Hà Linh/Báo Tin Tức