10:11 06/10/2015

Lý do thế giới Arập im lặng trước can thiệp quân sự của Nga tại Syria

Do bất đồng về số phận của Tổng thống Bashar al-Assad nên các nước Arập đến nay vẫn giữ im lặng trước chiến dịch không kích của Nga nhằm vào các cơ sở của khủng bố IS tại Syria, ngoại trừ Ai Cập, quốc gia vừa công khai ủng hộ Moskva cuối tuần qua.


Mạng tin "Trung Đông" ngày 5/10 dẫn đánh giá của giới phân tích cho rằng do bất đồng về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nên các nước Arập đến nay vẫn giữ im lặng trước chiến dịch không kích của Nga nhằm vào các cơ sở của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, ngoại trừ Ai Cập, quốc gia vừa công khai ủng hộ Moskva cuối tuần qua.

Phát biểu trên một kênh truyền hình Ai Cập cuối tuần qua, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh: "Sự can thiệp của Nga sẽ đem lại hiệu quả trong việc ngăn chặn và loại bỏ chủ nghĩa khủng bố". Ảnh: thecairopost.com

Theo mạng tin "Trung Đông", chuyên gia chính trị Trung Đông H.A. Hellyer, thuộc trung tâm Brookings có trụ sở ở Washington (Mỹ), nhận định: "Thế giới Arập từ lâu đã thiếu lãnh đạo, do đó Nga và Mỹ đã không bỏ qua cơ hội lấp khoảng trống này. Hiện có các dấu hiệu cho thấy một số nước Arập mong muốn thay đổi tình trạng này, ví dụ qua hành động can thiệp quân sự của liên minh Arập do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen, song đây sẽ không phải là một "nhà lãnh đạo đầy hứa hẹn".

Ngày 30/9 vừa qua, Nga đã bắt đầu tiến hành chiến dịch không kích tại Syria, song Moskva đã và đang hứng chịu những chỉ trích rằng hành động quân sự của Nga là nhằm vào phe đối lập ôn hòa ở Syria thay vì cái gọi là các mục tiêu của IS - những cáo buộc mà Moskva bác bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, các nước Arập như Saudi Arabia và Qatar, vốn đã tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích chống lại IS từ năm ngoái, cho tới nay vẫn kiềm chế chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố riêng nào, ngoài việc chỉ có "tuyên bố tập thể" yêu cầu Nga chấm dứt "ngay lập tức" chiến dịch không kích tại Syria.

Chỉ vài giờ trước khi Nga bắt đầu chiến dịch ném bom hôm 30/9, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir tuyên bố: "Sẽ không có chỗ cho Assad trong tương lai của Syria". Nhưng không phải tất cả các nước Arập đều phản đối sự can thiệp quân sự của Moskva tại Syria. Ai Cập, quốc gia Arập Hồi giáo theo dòng Sunni, đã ca ngợi chiến dịch của Nga như một giải pháp nhằm chống lại các nhóm khủng bố như IS.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Nga vào một kho vũ khí của IS ở Jisr al-Shughour, tỉnh Idlib. Ảnh: Reuters/TTXVN

Phát biểu tại New York (Mỹ) ngày 3/10, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukri nhấn mạnh: "Chúng tôi tin tưởng rằng sự can thiệp của Nga tại Syria sẽ tác động đến cuộc chiến chống khủng bố và giúp loại bỏ IS tại quốc gia Trung Đông này". Quan hệ giữa Ai Cập và Nga đã ấm lên trong thời gian gần đây, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Cairo với đồng minh truyền thống Washington trở nên căng thẳng sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi năm 2013.

Sau khi ông Abdel Fattah al-Sisi lên làm Tổng thống Ai Cập hồi giữa năm 2014, Cairo đã mạnh tay đàn áp những người ủng hộ ông Morsi, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị bỏ tù. Điều này dù đã phai nhạt dần trong những tháng gần đây nhưng lúc đầu đã khiến Washington hết sức bất bình. Ông Shukri nói thêm: "Sự can thiệp quân sự của Nga là đòn chí tử đánh vào chủ nghĩa khủng bố ở Syria và các cuộc không kích của Moskva cũng tương tự như chiến dịch chống IS của liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Syria và Iraq".

Giới phân tích nhận định sự im lặng vốn đã được dự đoán của thế giới Arập phản ánh sự chia rẽ của khối này về vấn đề làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Theo chuyên gia chính trị Hellyer, Cairo đang dần đi theo quan điểm của Nga về vấn đề Syria, trái ngược với lập trường của Riyadh. Còn nhà phân tích Karim Bitar, một chuyên gia về các vấn đề Arập, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Paris (Pháp), nhấn mạnh: "Quan điểm của Saudi Arabia vẫn là sự sụp đổ của chế độ Assad, nhưng đây lại là mục tiêu không thể dung hòa với Nga".

Nguyễn Văn Trường