09:07 11/09/2019

Lý do thật sự Tổng thống Trump huỷ đàm phán với Taliban vào giờ chót

Cuộc tấn công gây đổ máu mới nhất có thể là tác nhân trực tiếp đến quyết định Tổng thống Mỹ vừa đưa ra, nhưng nó có thể cũng là một lối thoát của chính quyền ra khỏi một sáng kiến từng được cho là hoàn hảo.

Chú thích ảnh
Lực lượng Mỹ di dời mảnh vụn còn lại của chiếc xe ô tô sau vụ đánh bom xe ngày 5/9 ở Kabul. Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh bí mật bị huỷ vào giờ chót

Ngày 8/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có mặt rất nhiều trên truyền hình, tham gia nhiều chương trình chính trị đến nỗi nhiều người còn đùa rằng họ mong đợi ông sẽ xuất hiện ở cuộc phỏng vấn tiếp theo trên một kênh bóng bầu dục. Mỗi lần xuất hiện, Ngoại trưởng Mỹ đều kể một câu chuyện tương tự về các dòng tweet của Tổng thống rằng ông đã chấm dứt nỗ lực ngoại giao nghiêm túc nhất từ trước tới nay nhằm kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ khi chỉ còn cách ba ngày là đến lễ tưởng niệm 18 năm loạt vụ khủng bố 11/9, sự kiện khởi đầu cho sự can thiệp của Mỹ ở Afghanistan.

Giới chức Mỹ đã đạt được tiến bộ chưa từng có trong các cuộc đàm phán với Taliban, ông Pompeo giải thích. Họ đã gây áp lực buộc phong trào Hồi giáo Taliban, nhóm đã che chở cho trùm khủng bố Osama bin Laden, phải đưa ra một số cam kết: công khai cắt đứt liên hệ với al-Qaeda, giảm bạo lực ở Afghanistan, tham gia đối thoại với “những người anh em Afghanistan khác của họ”. Vì vậy, khi “hoà bình và hoà giải ở trong tầm tay”, Tổng thống Trump đã quyết định mời Tổng thống Afghanistan và các thủ lĩnh Taliban tới Trại David để ông đích thân đón tiếp và ký kết thỏa thuận hoà bình tại một hội nghị thượng đỉnh bí mật, theo kế hoạch diễn ra ngày 8/9.

Nhưng tất cả đã thay đổi vào phút chót sau khi Taliban tiến hành một cuộc tấn công ở thủ đô Kabul vào tuần trước, khiến 12 người thiệt mạng trong đó có một lính Mỹ.

Chú thích ảnh
Thi thể lính Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công mới nhất tại Afghanistan được đưa về nước. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Pompeo cho rằng vụ tấn công diễn ra ngay trước thềm đàm phán hoà bình là hành động phá hoại uy tín của Taliban trong mắt Tổng thống Trump như là một đối tác thiện chí. Vì vậy, Tổng thống đã đột ngột huỷ bỏ toàn bộ sự kiện.

Ngày 9/9, nhà lãnh đạo Mỹ đã lên tiếng bảo vệ quyết định của mình về việc tổ chức hội nghị với Taliban tại Trại David và sau đó hủy kế hoạch. Cả hai đều được ông mô tả là “ý tưởng của tôi”. Ông Trump khẳng định vẫn quan tâm đến một giải pháp đàm phán cuối cùng với Taliban, lưu ý rằng ngoại giao là con đường duy nhất để kết thúc các cuộc chiến tranh.

Lấy lý do Taliban đã nhằm mục tiêu vào dân thường và binh sĩ Mỹ, Tổng thống Mỹ cho biết cuộc đàm phán “như tôi quan ngại, cho đến lúc này đã chết”. “Các ông [Taliban] không thể làm điều đó với tôi”.

Câu chuyện này liên quan đến một nhóm vũ trang đã gây ra 15 vụ giết hại lính Mỹ trước đó chỉ trong năm nay. Taliban đã sát hại và làm bị thương hàng ngàn binh sĩ Mỹ trong vài thập kỷ qua. Theo thống kê mới nhất, nhóm này chịu trách nhiệm về 3/4 số người chết vì các vụ tấn công khủng bố ở Afghanistan và 1/5 số ca tử vong liên quan đến khủng bố trên toàn thế giới vào năm 2017.

“Loại người nào sẽ giết rất nhiều người hòng tăng cường sức mạnh của họ khi thương lượng?”, Tổng thống Trump lên tiếng. Đó chính xác là loại người độc hại, người mà các nhà đàm phán Mỹ đã đàm phán thông qua vai trò trung gian của Qatar trong hơn một năm nay.

Video hiện trường vụ tấn công liều chết do Taliban tiến hành ngày 2/9 tại Kabul làm 16 người chết, 119 người bị thương:

Nền tảng mong manh

Theo trang The Atlantic, trên thực tế, việc Tổng thống Mỹ huỷ cuộc họp tại Trại David và ngừng đàm phán hòa bình với Taliban phản ánh một thực tế tồn tại từ trước khi quả bom phát nổ gần xe của Thượng sĩ Elis Barreto Ortiz: Đó là tiến trình hòa bình và thỏa thuận đề xuất dựa trên một nền tảng mong manh. Cuộc tấn công cuối tuần trước chỉ là nguyên nhân trực tiếp khiến Tổng thống quyết định huỷ đàm phán, và nó cũng là lối thoát thuận tiện của chính quyền ra khỏi một sáng kiến ​​vốn được cho là hoàn hảo.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump phát biểu với truyền thông ngày 9/9, cho biết đàm phán hoà bình với Taliban "đã chết". Ảnh: AP 

Chẳng hạn, một trong những kỳ vọng của hiệp ước hoà bình là Taliban sẽ không chỉ cắt đứt với al-Qaeda, mà còn đảm bảo rằng lãnh thổ của họ sẽ không được các chiến binh thánh chiến sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công chống lại Mỹ. Nhưng hiện vẫn chưa rõ ràng khả năng Taliban sẽ sẵn sàng hoặc có thể thực thi điều kiện này, đặc biệt là khi quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan.

Các nhân vật cấp cao của al-Qaeda được cho là đang ẩn náu dọc biên giới Afghanistan-Pakistan, nơi Taliban thực sự là một lực lượng rất mạnh. Vào mùa Hè vừa, chỉ vài tháng trước khi người Mỹ tiến gần đến cuộc gặp trực tiếp lãnh đạo Taliban tại nơi nghỉ ngơi của Tổng thống (Trại David) ngay dịp tưởng niệm vụ 11/9, các báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã mô tả Taliban là đối tác chính của Al- Qaeda và tất cả các nhóm khủng bố nước ngoài khác đang hoạt động ở Afghanistan, ngoại trừ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự dưng; và Afghanistan vẫn tiếp tục là một thiên đường an toàn cho các thủ lĩnh al-Qaeda.

Sau đó là vấn đề Mỹ cân nhắc có thực sự chuẩn bị để rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Afghanistan hay không. Tổng thống Trump đã tuyên bố kế hoạch giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ với con số 5.400 binh sĩ, nhưng vẫn duy trì hơn 8.000 binh sĩ ở đó vô thời hạn để đảm bảo Taliban thực hiện các cam kết của mình. Con số ở lại này cũng đã gần với số binh sĩ Mỹ đóng tại Afghanistan vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Các nhà đàm phán Taliban có thể đã nói với các đối tác Mỹ rằng họ sẽ giảm bớt đổ máu để đổi lấy việc rút quân đội Mỹ, nhưng họ chưa bao giờ đồng ý ngừng bắn khi các cuộc đàm phán diễn ra.

Chú thích ảnh
Lực lượng NATO điều tra tại hiện trường vụ tấn công liều chết ngày 5/9 ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: Reuters 

Trên thực tế, Taliban đã thực hiện cách tiếp cận ngược lại, tìm cách tăng áp lực lên đối thủ của mình bằng một loạt các vụ tấn công lớn bất chấp đàm phán đang tiến triển. Taliban đã lên án vụ tấn công đẫm máu gần đây vào đám cưới của nhánh IS địa phương, sát hại 63 người, nhưng điều đó lại nhấn mạnh một mối nguy hiểm khác: Ngay cả khi Taliban có thể từ bỏ bạo lực và cam kết không tổ chức các nhóm khủng bố, nhóm này cũng không thể kiểm soát những gì mà các "tín đồ" của họ gây ra, nói gì đến hoạt động của các nhóm đối thủ như Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo đã tố cáo Taliban sử dụng bạo lực để tăng cường vị thế đàm phán, nhưng Washington cũng kết luận rằng leo thang cuộc chiến sẽ là lợi thế của họ. “Chúng tôi đã tiêu diệt hơn một nghìn tên Taliban chỉ trong 10 ngày qua", Ngoại trưởng Pompeo cho biết ngày 8/9. "Thật không may, áp lực quân sự lên Taliban lại là cần thiết để có được kết quả đàm phán mà chúng tôi đang tìm kiếm".

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã vất vả để đổi đòn bẩy mà họ đã tích lũy ở Afghanistan lấy đột phá ngoại giao. “Nếu Taliban không thực hiện các cam kết mà họ đã thực hiện với chúng tôi trong nhiều tuần và trong một số trường hợp là trong vài tháng, Tổng thống Mỹ sẽ không giảm áp lực”, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định.

Thu Hằng/Báo Tin tức