10:19 22/10/2024

Lý do quân đội Ukraine đối mặt với cuộc khủng hoảng đào ngũ

Các yếu tố chính gồm: điều kiện chiến đấu khắc nghiệt sự kiệt quệ tinh thần, thời gian phục vụ không rõ ràng, thiếu vũ khí và trang thiết bị khiến hàng ngàn binh sĩ Ukraine bỏ vị trí, ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của Ukraine.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine tham gia buổi huấn luyện ở ngoại ô Kiev ngày 21/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Al Jazeera ngày 21/10, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, kéo dài từ năm 2022, đã gây ra những tác động nặng nề lên quân đội Ukraine, không chỉ về tổn thất về người và vật lực mà còn về tinh thần chiến đấu. Kết quả là năm 2024, tình trạng đào ngũ trong quân đội Ukraine đạt mức cao kỷ lục. Hàng nghìn binh lính đã bỏ vị trí của mình và điều này đang đe dọa sự ổn định của mặt trận.

Tờ The Kyiv Post của Ukraine đưa tin cho đến nay, khoảng 60.000 người đã phải đối mặt với các cáo buộc hình sự vì trốn khỏi đơn vị của họ kể từ khi xung đột nổ ra. Tờ báo này lưu ý gần một nửa số vụ án đó được khởi tố trong năm nay.

Báo The Times của Anh cũng trích dẫn số liệu từ Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho thấy khoảng 51.000 vụ án hình sự đã được khởi tố vì tội đào ngũ và bỏ đơn vị từ tháng 1 - 9 năm nay. Còn tờ El Pais của Tây Ban Nha đưa ra một con số gần hơn là 45.543 vụ đào ngũ từ tháng 1 - 8 năm nay, theo dữ liệu từ Văn phòng Tổng công tố Ukraine đã bị rò rỉ. 

Tất cả những con số này đều cao hơn nhiều so với 22.000 trường hợp bị cáo buộc hình sự về cùng một tội danh vào năm 2023 và chỉ 9.000 vụ vào năm 2022. Vậy tại sao quân đội Ukraine lại phải đối mặt với làn sóng đào ngũ lớn như vậy?

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đào ngũ ngày càng gia tăng là điều kiện chiến đấu vô cùng khắc nghiệt. Binh lính Ukraine thường xuyên phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực, dẫn đến việc họ phải liên tục tham gia vào các trận chiến mà không có đủ thời gian phục hồi.

Nhiều binh sĩ ở tuyến đầu chia sẻ rằng họ phải chiến đấu từ trận này sang trận khác, không có thời gian hồi phục, điều này khiến họ kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Một người lính Ukraine đang bị điều tra vì tội đào ngũ – Serhii Hnezdilov - đã công khai nói rằng mình chọn rời bỏ quân đội vì “cảm thấy cuộc sống trong tù ít nhất cũng cho biết khi nào có thể ra khỏi đó, trái ngược với cuộc chiến không hồi kết ngoài chiến trường”.

Ngoài ra, các chế độ nghỉ phép cho binh sĩ cũng không được tuân thủ đầy đủ do thiếu nhân lực thay thế. Quân đội Ukraine cho phép lính nghỉ phép 10 ngày và hai lần một năm, nhưng đôi khi tình trạng thiếu hụt lực lượng còn khiến việc nghỉ phép này bị hoãn.

Một yếu tố khác góp phần vào tình trạng đào ngũ là việc không có giới hạn thời gian rõ ràng cho nghĩa vụ quân sự. Luật huy động toàn quốc của Ukraine, có hiệu lực từ tháng 3/2022, không đưa ra bất kỳ quy định nào về thời hạn phục vụ của các binh sĩ. Điều này có nghĩa là những người đã được triệu tập sẽ phải ở lại quân đội cho đến khi xung đột kết thúc, một thời điểm không thể dự đoán được. Không có sự rõ ràng về thời gian phục vụ khiến nhiều binh sĩ cảm thấy áp lực và bế tắc.

Luật động viên của Ukraine, có hiệu lực từ tháng 4/2024, yêu cầu nam giới từ 25 đến 60 tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Đối với những người trong độ tuổi này, việc trốn nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt tù và không có con đường chính thức nào để họ giải ngũ, trừ những trường hợp đặc biệt.

Elena Davlikanova, Giáo sư tại Đại học Sumy State (SSU) của Ukraine, cho biết cuộc tranh luận về độ tuổi không tập trung vào lý do thực sự khiến mọi người không muốn đăng ký.

Điều này khiến nhiều người tìm cách trốn khỏi Ukraine để tránh bị bắt đi lính. Những trường hợp đào ngũ và trốn nghĩa vụ đã tăng vọt kể từ khi luật này được ban hành, với hàng nghìn người bị bắt giữ hoặc bị phạt vì tìm cách trốn khỏi đất nước một cách bất hợp pháp.

Trong khi những tình nguyện viên nước ngoài được phép rời chiến trường sau 6 tháng tham chiến, thì đối với những người lính Ukraine, không có quy định như vậy. Điều này tạo ra sự bất công và góp phần làm gia tăng tình trạng căng thẳng và đào ngũ trong quân đội Ukraine.

Cùng với việc kiệt quệ về tinh thần và thể chất, các binh lính Ukraine còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vũ khí và đạn dược. Mặc dù Ukraine đã giành được một số bước tiến quan trọng, như cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga hồi tháng 8 năm nay, quân đội nước này thường xuyên ở trong tình trạng bị thiếu trang thiết bị.

Binh sĩ Ukraine cho biết họ thường xuyên không có đủ đạn dược để chiến đấu. Sự thiếu hụt này khiến nhiều binh lính cảm thấy bất lực khi không thể bảo vệ đồng đội hoặc cung cấp hỏa lực đủ mạnh để phản công. “Chính tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược là rào cản lớn nhất đối với việc huy động”, chuyên gia Davlikanova nói với Al Jazeera. 

Theo các báo cáo, tỷ lệ binh sĩ Nga so với binh sĩ Ukraine có thể lên tới 10:1 ở một số khu vực chiến trường. Quân đội Ukraine phải đối mặt với một lực lượng mạnh hơn về số lượng và được trang bị tốt hơn, dẫn đến các cuộc tấn công của Nga trở nên khó chống đỡ hơn bao giờ hết. Simon Schlegel, nhà phân tích của Crisis Group, nói với Đài phát thanh châu Âu Tự do rằng trong một số trường hợp, chỉ có khoảng năm đến bảy binh sĩ Ukraine phải đối mặt với khoảng 30 binh sĩ từ phía Nga.

Cuối cùng, vấn đề duy trì quân số là một thách thức lớn đối với Ukraine. Mặc dù tinh thần yêu nước và lòng quyết tâm ban đầu rất mạnh mẽ, nhưng sau hơn hai năm chiến đấu, những người tình nguyện và lính nghĩa vụ đều mệt mỏi. Cuộc chiến kéo dài làm suy giảm tinh thần và nỗ lực của họ. Dù luật động viên bắt buộc hàng triệu người phải sẵn sàng nhập ngũ, nhưng tinh thần chiến đấu của họ không phải lúc nào cũng cao. Sự kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, kết hợp với điều kiện chiến đấu khắc nghiệt và tình trạng thiếu vũ khí, đã dẫn đến tình trạng đào ngũ ngày càng nghiêm trọng.

Nhà phân tích Keir Giles của tổ chức nghiên cứu Chatham House tại Vương quốc Anh nói với Al Jazeera rằng thiếu nhân lực là một vấn đề cũ đối với Ukraine, thậm chí trước khi xung đột nổ ra và bất chấp sự nhiệt tình ban đầu muốn tham gia quân đội ngay sau cuộc chiến.

“Ukraine đã vật lộn với điều này trong một thời gian dài. Có sự kiệt sức, có sự sốc vì đạn pháo… Sự phấn khích ban đầu về cuộc chiến đã lắng xuống và một số người đã bắt đầu nhận ra rằng đây là một cuộc chiến kéo dài”, ông Giles nói, đồng thời cho biết thêm rằng số lượng binh sĩ thấp cũng có thể thúc đẩy thêm tình trạng đào ngũ. 

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo aljazeera.com)