08:16 14/08/2021

Lý do quân chính phủ Afghanistan thua sốc Taliban dù lực lượng áp đảo

Cục diện giao tranh ở Afghanistan khiến nhiều người ngạc nhiên, khi quân Taliban chứng tỏ thế áp đảo, đẩy quân đội và lực lượng an ninh của chính phủ vào thế chống đỡ, bị động.

Chú thích ảnh
Quân Taliban tại thủ phủ Ghazni thuộc tỉnh Ghazni ngày 12/8. Ảnh: Zuma Press

Sau hơn một tuần đẩy căng chiến dịch tấn công, Taliban đã giành quyền kiểm soát 2/3 lãnh thổ Afghanistan. Một bản báo cáo rò rỉ của tình báo Mỹ hồi đầu tuần cảnh báo thủ đô Kabul có thể sẽ thất thủ trước Taliban sau 1-3 tháng tới. Vậy điều gì đã khiến cục diện tại Afghanistan thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho Taliban?

Tương quan lực lượng, từ lý thuyết đến thực tế

Về lý thuyết, quân chính phủ Afghanistan áp đảo Taliban. Trên giấy tờ, lực lượng an ninh của Afghanistan có khoảng 300.000 người, gồm có quân đội, không quân và cảnh sát. Nhưng trên thực tế, chính quyền Kabul luôn phải chật vật với công tác tuyển mộ, xây dựng lực lượng để đạt mục tiêu về quân số.

Theo ông Jack Waltling, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), ngay cả quân đội Afghanistan cũng không biết chính xác họ thực sự có bao nhiêu binh sĩ, bởi có cả số binh sĩ "ảo" do nạn quan liêu, tham nhũng, muốn làm đẹp hồ sơ. Quân chính phủ cũng có thiếu sót trong khâu bảo quản vũ khí trang bị, huấn luyện tinh thần chiến đấu. Binh sĩ thường được phái đến các địa điểm mà họ không có mối liên hệ về bộ tộc hay gia đình. Đó là một lý do khiến nhiều người trong số này nhanh chóng bỏ vị trí, không hề cầm súng chiến đấu.

Ở chiều ngược lại, quân Taliban tỏ ra mạnh hơn so với những dữ liệu chính thức. Trung tâm Chống khủng bố Mỹ tại Học viện Quân sự West Point ước tính Taliban có khoảng 60.000 tay súng. Bên cạnh đó là mạng lưới chân rết với các nhóm vũ trang và những người ủng hộ Taliban, đưa quân số của phong trào này có thể vượt quá 200.000 người.

Nguồn vũ khí, trang bị và tinh thần chiến đấu

Quân chính phủ cũng có ưu thế về cả nguồn lực tài chính và vũ khí. Afghanistan nhận được nguồn tiền lớn từ Mỹ, dùng để trả lương, huấn luyện, mua sắm vũ khí. Trong gần 20 năm qua, Mỹ đã chi tới 88 tỉ USD cho mục đích huấn luyện, xây dựng, trang bị guồng máy quân sự, an ninh đủ sức chiến đấu độc lập, theo đúng mô hình của Mỹ.

Tuy nhiên, nguồn tiền đã được sử dụng như thế nào, bị thất thoát ra sao và có thực chất hay không vẫn là điều cần làm rõ. Đơn cử, Afghanistan hiện vẫn gặp khó khăn trong duy trì hoạt động của 211 máy bay chiến đấu cùng lực lượng phi công. Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi Taliban chủ đích tiêu diệt lực lượng phi công. Afghanistan cũng không có đủ ngân sách, nguồn lực tiếp ứng hậu cần đáp ứng nhu cầu của các tư lệnh trên bộ trong cuộc đối đầu với Taliban. Hệ quả là với mỗi một khu vực, thành phố nào đó rơi vào tay Taliban, quân chính phủ thường bám vào lời giải thích: không có hỏa lực không quân hỗ trợ, thiếu lương thực, đồ tiếp tế.

Về phần mình, Taliban có nguồn thu từ hoạt động buôn lậu, kiểm soát cửa khẩu biên giới và có cả nguồn tài trợ từ bên ngoài. Quân Taliban mới đây cũng có thêm lượng vũ khí, phương tiện chiến tranh chiếm được từ lực lượng an ninh Afghanistan, nhiều trong số này do Mỹ viện trợ - như xe quân sự Humvee, súng máy, pháo, súng cối, kính nhìn ban đêm… Trước đó, Taliban cũng có nguồn vũ khí còn sót lại từ thời Liên Xô.

Tinh thần chiến đấu rệu rã cũng là một yếu tố khiến quân chính phủ thua sốc trước Taliban. Binh sĩ và cảnh sát Afghanistan lộ rõ thất vọng, tức giận trước giới lãnh đạo, những người dường như làm ngơ trước những yêu cầu cơ bản. Một số nguồn tin cho biết cảnh sát Afghanistan đã không được Bộ Nội vụ trả lương trong nhiều tháng qua. Thực tế này cũng diễn ra ở Bộ Quốc phòng. Tại nhiều cứ điểm, binh sĩ chính phủ thiếu thốn từ lương thực, nước uống cho tới vũ khí, đạn dược.

Việc Taliban tăng cường chiến dịch tấn công sau khi Mỹ rút quân càng làm trầm trọng thêm vấn đề tâm lý. Binh sĩ bắt đầu đặt nặng câu hỏi liệu có đáng để chiến đấu, hy vinh vì chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani hay không. Họ bộc lộ rõ tâm lý thất vọng và cảm giác bị bỏ rơi.

Điều đó giải thích tại sao Taliban đã nhanh chóng chiếm được 15 thành phố, tỉnh lỵ chỉ sau hơn một tuần qua. Phản kháng của lực lượng thân chính phủ là yếu ớt, thậm chí có thông tin cho rằng họ đã tự bỏ vũ khí, vị trí chiến đấu, để Taliban dễ dàng chiếm 4 thành phố mà không cần phải tiến đánh.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (BBC, NYT)