07:16 30/07/2013

Lý do Philippines chuyển căn cứ không - hải quân đến Subic

Giới chuyên gia cho rằng động thái này nhằm giúp Manila có thể tiếp cận nhanh hơn tới vùng biển tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ các đồng minh khi được sử dụng cảng biển nước sâu chiến lược này cho mục đích quân sự.

Nhật báo Strait Times của Singapore số ra ngày 29/7 đăng bài phân tích về việc chính phủ Philippines có kế hoạch điều chuyển các cơ sở hải quân và không quân lớn của mình tới căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở vịnh Subic.

Giới chuyên gia cho rằng động thái này nhằm giúp Manila có thể tiếp cận nhanh hơn tới vùng biển tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ các đồng minh khi được sử dụng cảng biển nước sâu chiến lược này cho mục đích quân sự.

Tàu ngầm Mỹ USS Olympia neo đậu tại cảng Subic, Philippines. Ảnh: AP


Theo "Strait Times", chính phủ Philippines đang ủng hộ nỗ lực của Mỹ nhằm tái khẳng định sự hiện diện quân sự ở châu Á như một đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những chi tiết về kế hoạch điều chuyển quân tới Subic của Philippines được hãng tin AP công bố dựa trên cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Voltaire Gazmin. Ông Gazmin nói: “Mục đích (của kế hoạch) là nhằm bảo vệ Biển Tây Philippines (Biển Đông) của chúng tôi. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm ngân sách”.

Thông báo trên được đưa ra ngay sau chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhật Bản - quốc gia cũng cảnh giác về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc - đang đề nghị cho hải quân Philippines vay tiền để đóng 10 tàu tuần duyên mới trong bối cảnh cả hai nước đang đối đầu với Bắc Kinh trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ khác nhau. Năm ngoái, sau nhiều tuần kháng cự với một tàu do thám của Trung Quốc, các tàu của Philippines đã phải rời bãi Scarborough tranh chấp (Philippines gọi là Panatag, Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), chịu từ bỏ quyền kiểm soát một khu vực đánh bắt cá rộng lớn ở phía Tây Bắc nước này cho Bắc Kinh.

Hiện Philippines đang đề nghị tòa án Liên hợp quốc phân xử nhằm đáp trả những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Manila cũng tìm cách hiện đại hóa các vũ khí, khí tài không quân và hải quân cũ kĩ của mình. Chuyên gia quân sự Clarita Carlos, giáo sư chính trị học Đại học Philippines, cho rằng kế hoạch điều chuyển nói trên nhằm thúc đẩy khả năng quân sự vốn hạn chế của Manila trong việc đối phó với Trung Quốc. Về địa lí, vịnh Subic chỉ cách bãi Scarborough khoảng 124 hải lý. Bà Carlos nói: “Tuy nhiên, ở phương diện lớn hơn, điều quan trọng hơn với Philippines là tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực, đặc biệt là cho phép họ sử dụng các căn cứ quân sự của mình”.

Giáo sư Rommel Banlaoi, chuyên gia về tranh chấp trên Biển Đông, cho hay Philippines đang có những kế hoạch dài hạn cho việc điều chuyển các cơ sở quân đội ở khu vực đô thành Manila, bao gồm cơ sở Aguinaldo vốn là tổng hành dinh của lực lượng vũ trang với 120.000 người của Philippines. Hiện căn cứ này đang nằm trên một khu đất “vàng” và nhiều khả năng sẽ được bán đi để lấy tiền trang bị cho quân đội. Tuy nhiên, Giáo sư Banlaoi cho biết đến nay, chính phủ Philippines vẫn tỏ ra “rất thận trọng trong việc gắn kết vấn đề này với tranh chấp tại Biển Đông".

Vịnh Subic, cách Manila khoảng 80km về phía Tây Bắc, đã trở thành hải cảng dân sự sau khi Hải quân Mỹ rút khỏi đây vào năm 1992. Với bến cảng nước sâu tự nhiên của mình, Subic có thể chứa được 2 tàu lớp Hamilton của lực lượng tuần duyên Mỹ mà Hải quân Philippines mới mua được gần đây để tuần tra vùng biển của mình.

Chính phủ Philippines cũng thông báo kế hoạch củng cố tiền đồn quân sự của mình đóng trên trên đảo và bãi cạn mà nước này kiểm soát ở Biển Đông. Một tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Philippines mà hãng tin AP có được cho biết quyết định điều chuyển lực lượng Không quân Philippines tới Subic sẽ rút ngắn thời gian bay của các máy bay chiến đấu tới khu vực tranh chấp trên Biển Đông, so với việc cất cánh từ sân bay Clark gần đó.


TTK