07:17 29/07/2021

Lý do phi công chiến đấu Mỹ có thể mất việc trong tương lai gần

Những chiếc F-16 không người lái có thể thực hiện sứ mệnh tấn công, phản ứng với hệ thống phòng không đối phương và tự xoay xở trong trường hợp mất hoàn toàn liên lạc với trung tâm điều khiển mặt đất.

Chú thích ảnh
Phi công chuẩn bị cho chiếc F-16 cất cánh trong chuyến bay không người lái đầu tiên của máy bay này ở phiên bản hoán cải thành QF-16. Ảnh: Boeing

Theo trang National Interest, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) và hãng Lockheed Martin đã trình diễn một đội hình hỗn hợp máy bay F-16 có người lái và không người lái trong một môi trường chiến đấu mô phỏng.

“Màn giới thiệu này là một cột mốc quan trọng trong sự trưởng thành của AFRL về các công nghệ cần thiết để tích hợp máy bay có và không người lái trong một sứ mệnh tấn công”, Đại úy Andrew Petry, kỹ sư AFRL, cho biết trong một thông cáo báo chí của Lockheed.

Theo thông báo của Lockheed từ tháng 4/2017, màn trình diễn Have Raider tại Căn cứ Không quân Edwards ở California bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, Have Raider I, tập trung vào việc bay theo đội hình. Giai đoạn tiếp theo, Have Raider II, máy bay F-16 không người lái được tung vào một cuộc ném bom giả định, xuyên qua hàng phòng thủ "động" của đối phương.

“Chúng tôi không chỉ cho thấy cách phương tiện bay chiến đấu không người lái có thể thực hiện sứ mệnh khi mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, mà còn cả cách nó phản ứng và thích ứng với những chướng ngại vật không lường trước được trên đường đi.”

Xem máy bay F-16 thực hiện chuyến bay không người lái đầu tiên từ năm 2013 (Nguồn: Boeing)

Have Raider là một phần mở rộng của chương trình Loyal Wingman, được AFRL khởi động vào giữa năm 2015, với hy vọng phát triển các công nghệ cho phép máy bay chiến đấu tự lái đồng hành cùng các phi công tham gia chiến đấu.

“Bạn lấy một chiếc F-16 và biến nó thành hoàn toàn không người lái”, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work từng giải thích vào tháng 3/2016. “F-16 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, và ta ghép nó với F-35, thế hệ thứ năm, để chúng hoạt động cùng nhau. "

Máy bay phản lực không người lái có thể vận chuyển thêm vũ khí để tăng cường hỏa lực của máy bay có phi công - hoặc bay trước chiến đấu cơ có người lái để đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ của đối phương, hay khống chế một số hỏa lực địch. Đại diện AFRL giải thích: “Trong tương lai, các công nghệ tự chủ có thể nâng cao hoạt động và năng lực trong các môi trường có tranh chấp và bị từ chối”.

Biến F-16 cũ thành drone

Dự án của Loyal Wingman đã nhận được sự thúc đẩy lớn từ những nỗ lực song song của Không quân nhằm phát triển những chiếc F-16 cũ thành máy bay không người lái điều khiển từ xa. Chỉ cần thay thế một vài bảng mạch của “những bộ phận có thể thay thế đơn dòng”, các nhà bảo trì có thể hoán cải một máy bay không người lái QF-16 (dựa trên F-16 cũ) thành một phương tiện bay chiến đấu không người lái (UCAV).

Chú thích ảnh
Loạt máy bay F-16 cũ ở "nghĩa địa" máy bay tại Arizona, Mỹ.

Trong giai đoạn Haver Raider I, máy bay F-16 không người lái đã bay theo đội hình với những chiếc F-16 có người lái và thực hiện một sứ mạnh tấn công mặt đất mô phỏng. 

Còn giai đoạn Raider II phức tạp hơn. Theo Lockheed, chiếc F-16 không người lái đã tự lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ tấn công của mình, phản ứng với hệ thống phòng không của đối phương, đồng thời xử lý những thiệt hại giả định cho hệ thống của chính nó cũng như trong trường hợp mất hoàn toàn liên lạc với trung tâm điều khiển ở mặt đất.

Công nghệ của Loyal Wingman cho phép phi công đang tham gia sứ mạng hỗn hợp có - không người lái, có thể ra lệnh cho máy bay không người lái tấn công, tham gia đội hình…. Các UCAV có thể tổ chức đội hình mà không có điều khiển trực tiếp, cũng như tiến hành hầu hết sứ mạng oanh tạc mặt đất mà không có bất cứ can thiệp nào của con người.

Hiện chưa rõ ai sẽ cho phép UCAV thả bom hoặc phóng tên lửa. Chính sách quân sự của Mỹ quy định rằng một người điều hành sẽ ra lệnh cho máy bay không người lái triển khai vũ khí. Có thể phi công trong một đội hình hỗn hợp có người lái và không người lái sẽ chịu trách nhiệm ra lệnh cho các máy bay tự lái khai hoả.

Chú thích ảnh
Trong tương lai, nhiều chiến đấu cơ của Mỹ sẽ không cần đến phi công lái. Ảnh: Getty Images

Mục đích cuối cùng của sáng kiến Loyal Wingman là ghép nối máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 có người lái với một phiên bản chiến đấu cơ cũ hơn không người lái, nhằm tăng cường khả năng sát thương của cả hai trong chiến đấu.

Công nghệ của Loyal Wingman cũng hiệu quả với các chiến đấu cơ và máy bay không người lái khác, một số đã đưa vào hoạt động, số khác vẫn còn trên bản vẽ. Các học viên tại Học viện Không quân ở Colorado đã thiết kế một drone tàng hình, có thể tương thích với phần mềm của Loyal Wingman.

Lầu Năm Góc cũng đang phát triển cái gọi là “máy bay kho vũ khí” - một máy bay ném bom hạng nặng B-1 hoặc B-52 được sửa đổi để phóng vũ khí vào những mục tiêu được chỉ định bởi các máy bay chiến đấu khác, có thể bao gồm cả UCAV, bay trước máy bay ném bom. Các nguyên tắc tương tự của việc hợp tác có - không người lái làm nền tảng cho nỗ lực của Loyal Wingman cũng có thể áp dụng cho ý tưởng “máy bay kho vũ khí”.

Mỹ không phải là nước duy nhất phát triển các đội hình bay hỗn hợp, có và không có phi công. Cơ quan Tiếp thu, Công nghệ và Hậu cần của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra khái niệm “Máy bay không người lái hỗ trợ chiến đấu” của riêng họ từ năm 2016, nhằm mục đích cuối cùng chế tạo một phiên bản tự động cho máy bay có người lái F-3 trong tương lai.

Thu Hằng/Báo Tin tức