08:15 27/08/2016

Lý do Phần Lan phải dè chừng Nga

Phần Lan, quốc gia trung lập, hiện đang chuẩn bị ký kết thỏa thuận quốc phòng song phương với Mỹ vào mùa Thu năm nay. Dường như Phần Lan đang theo gương nước láng giềng Thụy Điển của họ.

Thụy Điển cũng là một quốc gia trung lập và hồi tháng 6/2016 cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với Washington (Mỹ) về công nghệ quốc phòng, huấn luyện và trao đổi thông tin.

Nếu như Helsinki chính thức bác bỏ ý nghĩ rằng việc làm thân với người Mỹ giúp họ mở đường gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Timo Soini lại khiến người ta hoài nghi khi trả lời phỏng vấn Đài phát thanh truyền hình Yle mới đây rằng tình hình đất nước không thay đổi nhưng việc giữ cánh cửa mở ra lối vào NATO có thể có ích cho an ninh của Phần Lan, bởi lẽ quốc gia này đang có nguy cơ phải trả giá đắt cho sự cô lập của mình. Trong khi đó, căng thẳng và bất ổn đang leo thang ở xung quanh họ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trong cuộc gặp ở Naantali ngày 1/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Timo Soini, hợp tác xuyên Đại Tây Dương có thể sẽ cải thiện an ninh của Phần Lan, đặc biệt trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Bắc Âu đang bận tâm về sự gia tăng các hoạt động quân sự của Nga kể từ cuộc căng thẳng giữa Moskva và Kiev về việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.

Trước những nỗ lực của Thụy Điển xích lại gần NATO, hồi tháng 5/2016, Moskva đã cảnh báo với sự dọa dẫm sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với Thụy Điển liên quan đến việc nộp đơn xin gia nhập NATO. Phần Lan có chung 1.300 km biên giới với Nga và đã từng 2 lần trải qua thất bại hồi những năm 30-40 khiến họ bị mất một phần lãnh thổ cho Nga. Đó là bài học của Phần Lan trong mối quan hệ với Nga.

Hồi tháng 5/2016, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã nhắc lại: "Không cần phải thay đổi chính sách của chúng tôi hiện nay". Tổng thống Sauli Niinisto cũng đã nhấn mạnh không làm tổn hại mối quan hệ láng giềng tốt với "đối tác chủ yếu của Phần Lan". Tổng thống Sauli Niinisto cho biết đã hiểu cảnh báo của Nga "không muốn thấy sự đe dọa tới gần sát biên giới" và từ chối mọi ý tưởng gia nhập NATO mà đa phần người dân Phần Lan ủng hộ. Thế nhưng Phần Lan và Thụy Điển vẫn tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Mỹ và NATO.

Hồi tháng 7/2016, lần đầu tiên trong lịch sử NATO, hai quốc gia này đã được mời dự bữa ăn tối tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối ở Warsaw. "Phần Lan và Thụy Điển là những người bạn rất thân thiết của NATO và chúng tôi mời họ cùng ăn tối như những người bạn tốt", Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích, đặc biệt khi hai quốc gia trung lập Bắc Âu ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với NATO và tham gia vào các chiến dịch ở Afghanistan.

Tuy nhiên, cả Helsinki lẫn Stockholm đều biết rằng họ có thể đi đến đâu và họ có thể rút ra những gì từ sự hợp tác này. Cả hai đều biết rằng họ không phải thành viên nên họ không được bảo vệ theo điều 5 của Liên minh. Cả hai "khách mời" của NATO đều không muốn gặp phải các nguy cơ khi từ bỏ tính trung lập. Ngoại trưởng Margot Wallström cho biết: "Việc không phải thành viên NATO phục vụ tốt cho đất nước chúng tôi. Thụy Điển không đòi hỏi 'cái vé' để vào NATO".

Ý kiến này của ông Margot Wallström khác xa so với người tiền nhiệm Carl Bildt khi cho rằng "Thụy Điển và Phần Lan sẽ trở thành thành viên của NATO trong 10 năm nữa" nhằm trấn an nước láng giềng Nga khi họ mới chớm có ý định đe dọa trừng phạt về mặt an ninh nếu như hai nước này gia nhập NATO.

TTXVN/Tin Tức