06:06 02/06/2015

Lý do khiến IS cứ mạnh lên, khó bị đánh bại

Những bước tiến gần đây của IS đang làm dấy lên một loạt câu hỏi, trước hết là liệu có nhân tố nào tiếp tay để tổ chức cực đoan này giành nhiều thắng lợi như vậy?

Thành lập một Nhà nước Hồi giáo trải dài trên các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria, là giấc mơ mà tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đã loan báo hồi tháng 6/2014 phải chăng đang có nguy cơ trở thành hiện thực? Tờ “Trung Đông” cho rằng vẫn còn quá sớm để trả lời câu hỏi này, nhưng thực tế cho thấy rõ ràng IS đang tiếp tục thực hiện các mục tiêu của mình.

Cờ đen của IS đã phủ bóng Ramadi.


Từ vài tuần nay, tổ chức này liên tục khoe khoang những thắng lợi quan trọng của mình, như chiếm được Ramadi, thủ phủ của Anbar ở Iraq vào tuần trước và chỉ vài ngày sau đó, lại chiếm được thành phố Palmyra cổ kính của Syria, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là di sản thế giới. Sau hai trong số những thắng lợi quan trọng nhất này của các tay súng IS trong một năm nay, hiện tại, IS đã mở rộng đáng kể đường biên của mình.

Chưa hết, cách đây vài ngày, IS lại chiếm được và đang nắm quyền kiểm soát hoàn toàn đồn biên giới Al-Walid nằm giữa Syria và Iraq, sau khi chiếm thành phố quan trọng Ramadi của Iraq. Chiếm được đồn biên giới Al-Walid khoảng 72 giờ sau khi chiếm được Al-Tanaf của Syria, IS cho biết chúng đã kiểm soát được hai con đường chính nối liền tỉnh Anbar rộng lớn của Iraq với Syria.

Những bước tiến này của IS đang làm dấy lên một loạt câu hỏi, trước hết là liệu có những nhân tố nào tiếp tay để tổ chức cấp tiến cực đoan người Sunni này giành được nhiều thắng lợi như vậy và dường như đang tiến gần hơn tới các mục tiêu của mình? Và, vì sao liên minh quốc tế chống IS, do Mỹ cầm đầu không thể ngăn chặn được bước tiến của tổ chức này mặc dù liên minh đã tiến hành các cuộc không kích dữ dội từ nhiều tháng nay?

Theo các nhà phân tích, IS có được sức mạnh như vậy từ chính sự suy yếu của các chính quyền tại các nước mà tổ chức này cắm rễ và từ sự “rối như canh hẹ” trong khu vực. Chẳng hạn ở Iraq, chính các chính sách chống người Sunni của chính phủ do người Shi’ite đứng đầu, đã tạo thuận lợi cho IS phát triển. Hiện nay, người Sunni ở Iraq còn khiếp sợ các dân quân Shi’ite chiến đấu bên cạnh quân đội Iraq hơn IS.

Lực lượng vũ trang Iraq giao tranh với phiến quân IS tại Sayed Ghareeb,cách thủ đô Baghdad khoảng 70 km. Ảnh: AFP/TTXVN


Nguy cơ lớn nhất đối với Iraq hiện nay là sự suy yếu của quân đội chính phủ, lực lượng đã rút khỏi nhiều địa phương mà không hề chiến đấu chống IS, cũng như việc các binh sĩ, tướng lĩnh của quân đội Iraq sùng đạo hơn là có trách nhiệm với tổ quốc. Bằng chứng là, Phó Thủ tướng Iraq Saleh Moutlak mới đây đã công khai chê bai cuộc rút lui “đáng xấu hổ” của quân đội Iraq khỏi thành phố Ramada để thành phố này rơi vào tay IS, khi nói: “Người ta không thể tưởng tượng được rằng các lực lượng chính phủ, được huấn luyện trong hơn 10 năm trời qua, lại rút lui một cách đáng xấu hổ như vậy”.

Nhân tố quan trọng khác khiến IS phát triển mạnh là do tổ chức này kiểm soát được các khu vực dầu lửa, và đang bán hàng nghìn thùng dầu mỗi ngày với doanh thu từ 500.000 đến 1 triệu euro mỗi ngày. Theo Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tổ chức IS có từ 20.000 đến 30.000 chiến binh cùng với hàng nghìn chiến binh nước ngoài, kể cả người phương Tây, song nhiều nhất vẫn là người Arập, được tuyển mộ từ các địa phương bị tổ chức này chiếm đóng. Không phải là một lực lượng vô địch, song IS chủ yếu biết lợi dụng triệt để sự suy yếu của đối phương.

Trong khi quân đội Syria, bị kiệt quệ và suy yếu sau 4 năm nội chiến, hiện đang bị giằng co giữa nhiều mặt trận ở trong nước và không thể đương đầu được với IS, thì quân đội Iraq, hơn một thập niên sau khi thoát khỏi sự chiếm đóng của Mỹ, vẫn không thể khôi phục được sức mạnh vốn đã chẳng mạnh mẽ gì của mình. Các lực lượng Iraq được phái tới mặt trận không có tinh thần chiến đấu, thậm chí là khá bạc nhược trước các tay súng IS đầy quyết tâm. Ngoài ra, nạn tham nhũng hoành hành trong hàng ngũ các sĩ quan cấp cao, trong khi quân lính thiếu thiết bị đạn dược, thêm vào đó là chính sách bè phái trong cuộc chiến chống IS... đã làm giảm hiệu quả của quân chính phủ trong cuộc chiến với IS.

Hiện nay, có thể nói tại Iraq, nỗ lực quân sự chủ yếu chống IS chỉ thuộc về các dân quân người Shi’ite, được Iran giúp đỡ. Nhưng mạng lưới của tổ chức IS lại đang lan rộng tới vùng có đa số người Sunni, vốn rất thù địch với chủ trương mở rộng ảnh hưởng của người Shi’ite. Cho dù một số bộ tộc người Sunni trong các khu vực bị IS chiếm, ủng hộ chính quyền Baghdad, nhưng nhiều bộ tộc khác vẫn sát cánh với các chiến binh Hồi giáo bởi vì họ không muốn sự thống trị của người Shi’ite trong khu vực của họ. Các dân quân Shi’ite, giành lại Tikrit từ IS vào tháng 4 vừa qua, bị tố cáo là phạm những tội ác chống người Sunni ở thành phố quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein. Ngoài ra, những lời hứa của tân Thủ tướng người Shi’ite ôn hòa Haidar Al-Abadi thực hiện một chính sách đoàn kết, thống nhất, bao gồm cả cộng đồng người Sunni, nhất là về kế hoạch đưa họ vào các lực lượng an ninh, vẫn chưa được thực hiện do sự phản đối của các nhân vật Shi’ite cấp tiến.

Cũng cần nói thêm rằng trong khi mọi chính sách của Mỹ đối với Iraq đều không thể dàn xếp được tình hình, Iran đang nổi lên như bên có thể lấp đầy khoảng trống an ninh do sự suy yếu của các lực lượng Iraq và Syria. Tuy nhiên, với việc IS đang nổi lên ngày một mạnh mẽ hơn, dường như mọi tính toán từ bên ngoài biên giới hai quốc gia này, đều không dễ thực hiện.


TTK