07:18 05/07/2018

Lý do EU không thể 'bắt tay' Trung Quốc chống Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Dù đều phải đối mặt với những đe dọa từ chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Liên minh châu Âu (EU) khó có thể “bắt tay” với Trung Quốc hình thành một liên minh chống Mỹ.

Chú thích ảnh
EU sẽ không "chọn phe" giữa Bắc Kinh và Washington. Ảnh: Reuters

Theo giới phân tích, những chính sách ngăn cản thương mại của Mỹ sẽ khiến sức cạnh tranh thị trường của những nước còn lại tăng cao.

Trong các cuộc họp gần đây với giới chức EU, quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có Phó Thủ tướng Lưu Hạc - cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã đề xuất thành lập một liên minh giữa Trung Quốc và khối châu Âu nhằm đối phó với các chính sách thương mại khiêu khích từ chính quyền Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, các quan chức EU bác bỏ đề xuất của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng EU sẽ không "chọn phe" giữa Bắc Kinh và Washington, một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết.

Mối lo ngại thị trường

Theo các nhà kinh tế, các công ty châu Âu dự kiến sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn ở cả thị trường nội địa và thị trường toàn cầu với các công ty Trung Quốc, vì cả hai bên sẽ tìm kiếm thị trường mới để bù lỗ từ các rào cản thương mại gia tăng tại Mỹ.

"Cuộc chiến thương mại chủ yếu trong tương lai sẽ ở châu Phi. Tôi nghĩ rằng EU nên dành sự chú ý nhiều hơn cho khu vực này. Châu Phi sẽ là khu vực đối đầu thương mại chủ yếu giữa EU và Trung Quốc. Lấy ví dụ, một số công ty Hy Lạp đang tìm cách cạnh tranh với các công ty Trung Quốc ở châu Phi. Nhưng họ không thể cạnh tranh với mức giá chỉ bằng1/3 mà các công ty Trung Quốc đưa ra”, Panagiotis Petrakis - giáo sư khoa kinh tế Đại học Quốc gia Kapodistrian tại Athens, trả lời hãng tin Sputnik.

Giới học giả Trung Quốc cho biết các quốc gia EU cũng bắt đầu lo ngại về việc sản phẩm Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa khi các công ty Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh thuế quan cao hơn ở Mỹ.

Ding Chun - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu Đại học Fudan ở Thượng Hải nhận định:"Còn một vấn đề khác mà người châu Âu rất lo lắng, đó là các quốc gia EU sẽ trở thành nạn nhân bị thay thế trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Họ rất lo lắng về việc các công ty Trung Quốc có thể đưa sản phẩm ngập tràn thị trường châu Âu. Điều này có thể gây sức ép lớn cho các công ty châu Âu”.

Tuy nhiên, chuyên gia Ding nói thêm Trung Quốc có thể tìm cách khiến EU nghiêng về phe mình trong một số vấn đề cụ thể, như bảo vệ hệ thống thương mại toàn cầu đa phương, thay vì tìm cách thành lập liên minh thương mại với EU.

Đầu tư của Trung Quốc

Các khoản đầu tư mở rộng nhanh như vũ bão của Trung Quốc ở châu Âu, đặc biệt là ở các nước Trung và Đông Âu những năm gần đây, nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia Tây Âu như Pháp và Đức lo ngại.

Theo chuyên gia Ding, Trung Quốc đã tìm cách cải thiện tính minh bạch trong quá trình ra quyết định trong các dự án đầu tư nhằm trấn an các quốc gia Tây Âu mà Bắc Kinh muốn lấy lòng.

"EU luôn bày tỏ lo ngại về các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Trung và Đông Âu. Trung Quốc đã tìm cách thể hiện rõ rằng không bao giờ có ý định chia rẽ các quốc gia EU… Chúng ta cần thuyết phục các quốc gia lớn ở Tây Âu rằng đầu tư Trung Quốc có thể là một cơ hội lớn, trái ngược với suy nghĩ việc này là một phần của chương trình địa chính trị của Trung Quốc”, chuyên gia Ding cho biết.

Ông Ding cũng giải thích về nỗi lo sợ của những nước châu Âu lớn: "Theo tôi, các nước lớn ở châu Âu nhìn nhận đầu tư của Trung Quốc là một kế hoạch lớn và phía Trung Quốc có đủ tiền và năng lực thực hiện để đẩy mạnh kế hoạch đó. Nếu các nước lớn ở châu Âu cứ chần chừ, họ có thể thua cuộc vì bị gạt ra. Không còn sự lựa chọn nào tốt hơn, họ phải cố gắng để có một phần trong đó. Nhưng những nước này cũng không muốn bản thân phải phục vụ chương trình nghị sự của Trung Quốc. Đó là một tình huống rất mâu thuẫn và lý do vì sao cả hai bên đều phải nhượng bộ”.

Châu Âu chia rẽ

Khi Trung Quốc chủ động cải thiện quan hệ thương mại với EU, một số nhà kinh tế cho rằng tình thế hiện nay tạo cho EU cơ hội lớn để thương lượng và khiến Bắc Kinh nhượng bộ đáng kể.

Tuy nhiên, sự chia rẽ ngay trong chính EU, có thể thấy rõ từ thái độ khác biệt đối với các khoản đầu tư Trung Quốc, đã khiến EU khó tìm được tiếng nói chung khi đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề thương mại.

Giáo sư Petrakis chỉ rõ: "Câu hỏi đặt ra là quốc gia EU nào sẽ chọn thương lượng với Trung Quốc? Đức, Pháp hay Italy? EU không chỉ là một quốc gia. Đó là lý do tại sao rất khó để phát triển các chính sách cụ thể. Trên thực tế, EU không có bất kỳ chính sách đối ngoại nào và luôn âm thầm trên thị trường toàn cầu... Đã rất xa rồi cái thời EU sẽ thương lượng và hành xử như một quốc gia vững chắc”.

Các chuyên gia cho rằng EU tốt hơn là vẫn nên ưu tiên tránh gia tăng một cuộc đối đầu với Mỹ - một đồng minh chiến lược quan trọng.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức