02:19 25/02/2018

Lý do chuyến thăm của Thủ tướng Australia quan trọng với Tổng thống Trump

Trong thời gian đầu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có khởi động không mấy suôn sẻ với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Tuy nhiên, chuyến thăm Mỹ trong tháng 2 này của Thủ tướng Malcolm Turnbull được đánh giá mang khá nhiều ý nghĩa đối với Tổng thống Trump.

Gạt khúc mắc sang lề

Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin rằng Tổng thống Trump đã đột ngột dập máy trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia hôm 28/1, chỉ vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức ông chủ Nhà Trắng. Cuộc điện đàm dự kiến kéo dài trong 1 tiếng nhưng Tổng thống Trump đã bực dọc và chủ động cắt ngắn chỉ còn 25 phút.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong một cuộc gặp. Ảnh: Reuters

Khúc mắc trong cuộc điện đàm bắt nguồn từ thỏa thuận thống nhất giữa Australia và chính quyền Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama vào tháng 11/2016. Theo đó, Mỹ bật đèn xanh cho việc nhận 1.250 người tị nạn mà Australia chưa thể sắp xếp tại các địa điểm tập trung ở Papua New Guinea và Nauru. Để bù lại, Australia sẽ đảm nhận trách nhiệm cho những người tị nạn từ El Salvador, Guatemala và Honduras. Tổng thống Trump đã không mấy hài lòng về thỏa thuận này.

Tuy nhiên, Đại sứ Australia tại Mỹ Joe Hockey khẳng định rằng đến nay hai nhà lãnh đạo đã đặt cuộc điện đàm căng thẳng đầu tiên của họ ra ngoài lề. Ông Hockey nói: “Thủ tướng Australia và Tổng thống Mỹ thực ra khá gần gũi và tôn trọng lẫn nhau”.

"Đôi khi, mối quan hệ mạnh mẽ nhất lại bắt đầu từ cãi vã và cả hai phía sau đó lại tôn trọng lẫn nhau", Đại sứ Hockey nói.

Kênh CNN (Mỹ) đánh giá chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Australia Turnbull kéo dài 3 ngày từ 21-24/2 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Washington.

Australia là nhà đầu tư “mạnh tay” vào Mỹ đồng thời đóng vai trò đồng minh thân cận của Washington trong khu vực. CNN cho rằng tình hình hiện nay khiến Australia quan trọng đối với Mỹ hơn bao giờ hết.

Ông Michael Fullilove tại Viện Lowy (Australia) nhận định: “Đối với Nhà Trắng, chuyến thăm của Thủ tướng Turnbull biểu thị cho việc họ đã đặt cuộc điện đàm lại đằng sau và khởi động mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo của một đồng minh đáng tin tưởng đối với Mỹ”. 

Cũng trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố đề cử Đô đốc Harry Harris, chỉ huy lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương giữ vai trò tân đại sứ Mỹ tại Australia.

Canberra và Washington vốn cùng chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ ngoại giao. Quân đội Australia còn cùng ra trận với binh lính Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Hai quốc gia cũng là đối tác thương mại quan trọng của nhau và Mỹ tin tưởng rằng Australia có thể hỗ trợ mình đối trọng với Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Washington còn coi Canberra là đồng minh chiến lược trong vấn đề Triều Tiên.

Bất chấp khởi đầu gồ ghề và tuyên bố của Tổng thống Trump về “thỏa thuận ngớ ngẩn” mà chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama đã thống nhất với Canberra, các quan chức Australia đánh giá rằng hai nhà lãnh đạo hiện giờ có liên kết chặt chẽ. CNN đánh giá thực chất Tổng thống Trump và Thủ tướng Turnbull có nhiều điểm tương đồng. Nhà lãnh đạo Australia là một luật sư và nhà đầu tư ngân hàng giàu có trước khi gia nhập chính trường, trong khi Tổng thống Trump trước khi bước chân vào Nhà Trắng đã là một tỷ phú nổi danh.

Những thỏa thuận quan trọng có thể được công bố

CNN đánh giá hai nhà lãnh đạo Australia và Mỹ sẽ tập trung vào mối quan hệ kinh tế trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Turnbull. Được biết, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Turnbull và Tổng thống Trump trong tháng 5/2017, tỉ phú Australia Anthony Pratt tuyên bố ông sẽ đầu tư 2 tỉ USD để tạo thêm việc làm tại Mỹ.

Do vậy, khi xét về quy mô đoàn doanh nhân Australia đến Mỹ trong chuyến thăm tháng 2 này, dự kiến sẽ có thêm nhiều thỏa thuận kinh tế mới đạt được.

Trong chuyến thăm lần này, tháp tùng Thủ tướng Turnbull là đoàn chính trị gia, doanh nhân Australia "hùng hậu" sẵn sàng bàn thảo về các khoản đầu tư trong tương lai giữa hai quốc gia.

Theo CNN, Thủ tướng Turnbull còn có thể khuyến khích Tổng thống Mỹ Trump quay trở lại với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Binh sĩ Mỹ tại Darwin. Ảnh: abc.net.au

Ngoài ra, Thủ tướng Australia còn lên lịch trình để đến thăm Lầu Năm Góc và gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của quân đội Mỹ.

Thủ tướng Turnbull từng cho biết ông và Tổng thống Trump còn có khả năng bàn luận về vấn đề an ninh trong chuyến thăm lần này, có thể bao gồm tình hình tại Triều Tiên.

Ở thời điểm căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên và tranh luận của Australia quanh nghi ngờ Trung Quốc can thiệp chính trị của quốc gia này thì mọi con mắt đều sẽ tập trung vào tuyên bố về an ninh giữa hai quốc gia sau cuộc gặp.

Trong khi đó, truyền thông Australia lại chú ý đến khả năng thông báo về việc tăng cường binh sĩ Mỹ tại Darwin sẽ được công bố trong chuyến thăm lần này. Hàng nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ đã được điều động đến thành phố phía Bắc Australia kể từ năm 2001, nằm trong chương trình xoay trục của Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama tới châu Á.

Hà Linh/Báo Tin tức