11:10 07/11/2022

Lý do Bulgaria và Romania vẫn chưa gia nhập Schengen

Mặc dù là thành viên EU, Bulgaria và Romania vẫn nằm ngoài Khu vực Schengen, có nghĩa là họ không thể bãi bỏ việc kiểm tra biên giới với các nước EU khác.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (trái) gặp Tổng thống Romania Klaus Iohannis vào giữa tháng 10. Ảnh: AFP

Kể từ khi được thiết lập vào năm 1985, Khu vực Schengen đã trở thành một trong những kết quả tiêu biểu và hữu hình nhất của hội nhập châu Âu: nhiều người đã quen với việc đi xuyên biên giới mà không cần mang hộ chiếu hoặc bị kiểm soát khi qua biên giới.

Trong khi Schengen ban đầu được thành lập cùng với EU, nó cuối cùng đã được đưa vào luật của khối và hiện đóng vai trò như một trụ cột trung tâm hỗ trợ thị trường chung châu Âu.

Khu vực này hiện gồm 26 quốc gia, trong đó có 22 quốc gia EU với gần 420 triệu dân. Nhưng một số ít các nước EU vẫn chưa được hưởng lợi ích của việc đi lại không cần hộ chiếu. Đó là trường hợp của Bulgaria và Romania, hai quốc gia gia nhập EU năm 2007 và đã kiên nhẫn chờ đợi được "bước vào" Schengen.

Sau hơn một thập kỷ chờ đợi, quá trình này đã trở thành một nguồn cơn gây thất vọng cho cả Sofia và Bucharest. Tham gia Schengen đòi hỏi phải áp dụng các quy tắc chung, quản lý hợp lý các biên giới bên ngoài, chia sẻ thông tin an ninh và hợp tác hiệu quả của lực lượng cảnh sát, biên phòng. 

Cả Bulgaria và Romania khẳng định rằng họ đã đáp ứng các tiêu chí cần thiết từ nhiều năm trước. Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu cũng đứng về phía họ: Ủy ban châu Âu đã nhiều lần xác nhận cả hai nước đã đáp ứng tất cả các điều kiện kỹ thuật trong khi Nghị viện châu Âu chỉ trích việc không chấp thuận họ là "phân biệt đối xử".

Bulgaria và Romania thậm chí đã mời một phái đoàn tìm hiểu thực tế gồm các chuyên gia đến thăm và tiến hành đánh giá bổ sung. 

Nhưng một trở ngại vẫn còn: Việc "bật đèn xanh" cuối cùng phải đến từ Hội đồng EU, nơi tập hợp các bộ trưởng từ 27 quốc gia thành viên. Việc chấp thuận một thành viên Schengen mới phải được sự nhất trí cao, có nghĩa là một phiếu "không" duy nhất có thể đóng băng toàn bộ quá trình.

Vào năm 2011, đơn gia nhập của cả Bulgaria và Romania đã bị Pháp, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan và Bỉ phản đối vì những lo ngại liên quan đến tham nhũng, tội phạm có tổ chức và cải cách tư pháp.

Trong những năm tiếp theo, các lo ngại trên vẫn tồn tại. Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 càng làm giảm hy vọng kết nạp 2 nước. Nhưng tình hình bắt đầu thay đổi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã "mở cửa" cho sự gia nhập của Bulgaria và Romania trong khi vào tháng 8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng ủng hộ và cam kết sẽ nỗ lực để ​​Romania và Bulgaria "trở thành thành viên chính thức".

Vào tháng 10, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết mới - nghị quyết thứ năm về vấn đề này kể từ năm 2011 - gây áp lực lên các chính trị gia để chấp thuận việc kết nạp ngay lập tức Bulgaria và Romania.

Nhưng chỉ vài ngày sau, Quốc hội Hà Lan đã thông qua nghị quyết của riêng mình, hối thúc Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte phủ quyết hai đơn gia nhập của Romania và Bulgaria cho đến khi các cuộc điều tra thêm được tiến hành. Các nghị sĩ Hà Lan cho rằng vấn đề tham nhũng và tội phạm có tổ chức ở Bulgaria và Romania gây ra "nguy cơ đối với an ninh của Hà Lan và toàn bộ Khu vực Schengen".

Sự phản đối cứng rắn này dường như trái ngược với những tuyên bố của chính ông Rutte, người mà vài tuần trước cuộc bỏ phiếu của Quốc hội, đã nói rằng Hà Lan "về nguyên tắc" không chống lại sự gia nhập của cả hai quốc gia.

"Chúng tôi cho rằng tất cả các quốc gia đáp ứng đủ điều kiện phải tham gia Khu vực Schengen", ông Rutte nói trong chuyến thăm gần đây đến Bucharest.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết Chính phủ nước này cần thông tin cập nhật về "tất cả các lĩnh vực để đưa ra các quyết định chính trị" xung quanh việc gia nhập Schengen, bao gồm các báo cáo mới của Ủy ban châu Âu về cái gọi là Cơ chế Hợp tác và Xác minh (CVM).

Được ra mắt vào năm 2007, CVM đánh giá những tiến bộ mà Romania đã đạt được khi nói đến cải cách tư pháp, chống tham nhũng và trong trường hợp của Bulgaria là cuộc chiến chống tham nhũng và rửa tiền. Hai quốc gia này nằm trong nhóm những nước EU thường xếp hạng thấp nhất trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố hàng năm, mặc dù điểm số của họ không xa so với Hungary và Hy Lạp, hai thành viên lâu đời của Schengen.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euronews.com)