12:10 11/12/2018

Lý do biểu tình tại Pháp chưa thể chấm dứt

“Chúng tôi chán ngán lời hứa hẹn của các chính trị gia. Người Pháp không còn tin vào họ nữa”, ông Freddie Bouvier – một tài xế xe tải tại Beauvais tham gia cuộc biểu tình "Áo vàng" phản đối Tổng thống Emmanuel Macron chia sẻ.

Những người như ông Freddie Bouvier đã đổ ra đường để biểu tình chống lại thuế nhiên liệu tăng, nhưng nguồn cơn biểu tình nay đã mở rộng ra nhiều khía cạnh khác.

Biểu tình bắt đầu từ ngày 17/11 về thuế nhiên liệu đã biến chuyển thành phong trào phản đối chính sách của Chính phủ Pháp. Ngay cả học sinh Pháp cũng ra đường yêu cầu thay đổi phương thức thi cử tại các trường trung học phổ thông và quá trình xét tuyển vào đại học.

Chú thích ảnh
Một chiếc xe bị đốt trong cuộc biểu tình ngày 8/12 tại Paris. Ảnh: Reuters

Cuộc biểu tình đã lôi kéo người tham gia thuộc mọi lứa tuổi, nghề nghiệp và lan ra nhiều địa phương trên khắp nước Pháp. Trong số đó có tầng lớp trung lưu và lao động vốn bị ảnh hưởng bởi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ tại Pháp.

Đài BBC (Anh) cho biết nhiều người biểu tình đã cáo cuộc Tổng thống Macron quá ưu ái người giàu. Họ đã đề nghị nhà lãnh đạo Pháp đảo ngược quyết định giảm thuế cho người giàu mà ông Macron cho rằng sẽ giúp đẩy mạnh đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm.

Tổng thống Macron được cử tri tín nhiệm bầu một phần nhờ chương trình cải cách kinh tế. Chính vì vậy, công chúng đã bất bình khi cho rằng chính sách mới của ông này đã không giải quyết được những điều như đã cam kết.

Ông Claude Rigolet, một người về hưu sống tại Reims, chia sẻ với đài BBC (Anh) rằng thu nhập của ông đã giảm gần 1/5 kể từ năm 2000. Điều này khiến ông không thể ra ngoài ăn nhà hàng hoặc nghỉ hè. Ông Rigolet than phiền: “Mọi thứ ngày càng đắt đỏ. Thuế, giá nhà, ô tô đều tăng”.

Cô Natacha Perchat là người làm việc dọn dẹp tại Reims thì nhận định: “Chính phủ đang gây khó cho những người thu nhập thấp. Chồng tôi làm việc cho một công ty vận tải. Chúng tôi không giàu có. Mới từ đầu tháng là chúng tôi đã tiêu hết tiền”.

Hãng AP dẫn lời ông Thierry Paul Valette tham gia biểu tình cho rằng đàm phán là không đủ với người dân Pháp mà họ cần thay đổi và các biện pháp “chắn chắn, nhanh chóng ngay lập tức”.

Bất chấp cuộc biểu tình ngày 1/12 khiến 4 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, người Pháp vẫn ủng hộ cuộc biểu tình.

Vài giờ sau khi Chính phủ Pháp quyết định ngưng kế hoạch tăng thuế, tờ Le Figaro của Pháp đã tiến hành tham khảo ý kiến và thu được kết quả 78% người được hỏi tin rằng phong trào biểu tình "Áo vàng" đứng lên đòi lợi ích chung cho người dân Pháp. Tuy nhiên, 47% cho rằng biểu tình là bạo lực và 59% thừa nhận họ lo lắng về phong trào này.

Khắp nước Pháp, trong cuộc biểu tình ngày cuối tuần thứ 4 liên tiếp, đã có 125.000 người đổ ra đường phố, trong khi 89.000 cảnh sát được huy động. Tính riêng tại Paris, cảnh sát đã bắt giữ gần 1.000 người, trong đó có 100 thanh thiếu niên.

Hà Linh/ Báo Tin tức