04:00 03/04/2013

Lương y chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Ở những huyện vùng sâu, vùng xa nghèo khó bậc nhất cả nước như Bảo Lạc, Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng, điều kiện khám chữa bệnh vô cùng khó khăn thiếu thốn, việc nhiều năm qua lương y Sùng A Tu, 50 tuổi, dân tộc Mông, đã khám chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm người nghèo...

Ở những huyện vùng sâu, vùng xa nghèo khó bậc nhất cả nước như Bảo Lạc, Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng, điều kiện khám chữa bệnh vô cùng khó khăn thiếu thốn, việc nhiều năm qua lương y Sùng A Tu, 50 tuổi, dân tộc Mông, đã khám chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm người nghèo, trong đó có nhiều ca bệnh nan y... quả thật là điều đáng khâm phục.

 

"Thần y” trên đỉnh núi


Nhà lương y Sùng A Tu ở xa lắm. Từ thành phố Cao Bằng đi 120 km thì đến thị trấn Bảo Lạc, từ thị trấn Bảo Lạc lại phải vượt rừng thẳm từ Đông Pu, qua Mo Thiên Lính, Láo Lú, tổng cộng hơn 25 km nữa rồi mới đến bản Nà Tao, xã Cô Ba (Bảo Lạc), nơi có căn nhà nằm trên lưng chừng một quả núi cao của ông Sùng A Tu.


 

Hàng ngày, Sùng A Tu vẫn lên rừng hái thuốc.

 

Chúng tôi đến xóm Nà Tao thì trời đã nhá nhem tối. Ông Sùng A Tu đi chữa bệnh ở xa nên tới khi trời tối hẳn, ông mới về tới nhà. Chị Tươi, một bệnh nhân cũng đang chờ ông để thăm bệnh. Thấy có bệnh nhân, ông hỏi thăm nhẹ nhàng, ân cần, rồi đi rửa tay, bắt mạch cho chị Tươi, rồi khẳng định bệnh là hở van tim. Chị Tươi cho biết: “Em đi tận Bệnh viện Đà Nẵng khám, qua rất nhiều máy móc hiện đại chụp chiếu mới biết hở van tim. Thế mà thầy A Tu chỉ bắt mạch thôi đã đoán được bệnh rồi. Đúng là tài thật!”.


Ông Sùng A Tu nổi danh với bài thuốc chữa được chấn thương sọ não. Anh Nông Vĩnh Long ở thị trấn Pác Mầu (huyện Bảo Lâm) bị đánh vỡ đầu, đi bệnh viện ở Hà Giang mổ nhưng vẫn không nói được. Anh Long đến ông A Tu lấy thuốc, 10 hôm sau đã nói được trở lại. Hay trường hợp của em Trần Quang Công ở khu 10, thị trấn Bảo Lạc, bị chấn thương sọ não, đi chữa tận bệnh viện Trung ương 1 tháng về vẫn nằm một chỗ, người nhà đến ông A Tu lấy thuốc cho dùng 3 ngày đã bập bẹ nói, chỉ một thời gian sau đã khỏi, lại cắp sách đi học được. Ông Sùng A Tu sở hữu vô số bài thuốc chữa gãy xương sườn, xương quai xanh, xương gãy bị dập nát bệnh viện trả về, bệnh liệt mới mắc.


Ông Sùng A Tu cho biết: "Chấn thương sọ não nếu để lâu vài tháng trở lên thì đừng đưa đến cho mất công, còn mới bị có thể chữa khỏi. Thuốc chấn thương sọ não tùy bệnh từng người mà dùng thuốc, có loại ngâm rượu xoa bóp, loại đun nước uống, loại ngâm rượu chấm vào mồm cho lưỡi mềm, cổ họng thông để biết nói; loại đun nước tắm cả người. Phải biết dùng kết hợp 4 loại đó mới hiệu nghiệm, bệnh nặng chữa 4 tháng, nhẹ ít thời gian hơn”.


Ông A Tu kể, khi còn trẻ, ông được bố vợ - một thầy lang giỏi dạy cho những bài thuốc gia truyền độc đáo của đồng bào Mông. Ông đã rong ruổi cùng bố vợ đi lấy thuốc trên những đỉnh núi cao, nhiều chuyến cả tuần không nghỉ. Ông Sùng A Tu nắm bắt rất nhanh, nhớ lâu nên chỉ một năm đã thuộc trên 500 loại cây thuốc quý chữa từ cảm sốt, dạ dày, trĩ, đến xơ gan, chấn thương sọ não… Vào giai đoạn đó, xã nổi lên dịch sốt rét, đồng bào nghèo không có tiền mua thuốc tây, không có tiền đi bệnh viện nên đồng bào tìm đến ông A Tu. Như có phép màu, thuốc uống 10 ngày là bà con khỏi bệnh, khỏe lại đi lên nương, đi rừng.


Năm 1995, một tai nạn bất ngờ ập đến với ông A Tu, nhà bị hỏa hoạn, cháy hết tất cả tài sản, vật dụng. Ông A Tu chẳng tiếc gì ngoài quyển sổ bao năm tỉ mẩn ghi chép những bài thuốc bố vợ dạy cho. Vậy là sau đó, ông phải mất rất nhiều công sức, nhớ lại và ghi chép những bài thuốc vào một quyển sổ khác. Cũng may nhờ trí nhớ tốt, nên ông vẫn nhớ được khá nhiều bài, nhất là những bài thuốc độc đáo. Ông cũng cất công đi tìm những già làng người Mông biết nhiều bài thuốc quý để sưu tầm, học hỏi và ghi chép lại.

 

Thầy thuốc nghèo chữa bệnh nhân nghèo


Hiện nay, nhà ông A Tu vẫn thuộc diện hộ nghèo. Tuy học được nghề, biết cây thuốc chữa bệnh nhưng ông không đòi tiền người bệnh bao giờ. Thậm chí nhiều bệnh nhân nghèo đến nhà, ông A Tu còn cho cả gạo để nấu cơm ăn. Ông A Tu bảo: “Ở đây người dân nghèo lắm, làm quần quật còn không đủ ăn. Nếu mình thu tiền nữa thì họ lấy đâu ra mà chữa bệnh…”. Cảm tạ tấm lòng nhân hậu của ông A Tu, nhiều người khỏi bệnh đã xin nhận ông A Tu làm cha, làm ông như người đã sinh ra mình lần thứ hai.


Ông Sùng A Tu hiện là hội viên Hội Đông y Việt Nam. Hàng ngày có hàng chục người đến nhà lấy thuốc. Bệnh nhân ở xa, ông A Tu bảo vợ nhường bếp dọn làm chỗ cho họ nằm, có người ở lâu cả nửa tháng. Ông A Tu bảo chữa cho nhiều người khỏi bệnh, mình có thêm anh em, càng đông vui, càng có phúc...


Bài và ảnh: Quốc Đạt