07:12 22/07/2021

'Luồng xanh' cho người

Những ngày này, cả nước đang kề vai sát cánh cùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam khác trong cuộc chiến với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Kể từ khi Chỉ thị 16 được áp dụng tại khắp khu vực, sự chia lửa dành cho miền Nam ruột thịt lại càng lớn hơn.

“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, những con số trên các bản tin y tế hằng ngày vẫn luôn ở mức kỷ lục so với các đợt dịch trước đây khiến lòng người quặn thắt, ai ai cũng muốn làm điều gì đó tốt đẹp trong khả năng của mình, để miền Nam sớm “dứt” được con virus quái ác.

Gạt qua một bên những con mắt soi mói hồ đồ nhất thời, những ngày qua, nhân lực và vật lực y tế cùng với hàng hóa thiết yếu từ mọi miền đang dồn cho miền Nam. Một “luồng xanh” vận tải đã được thiết lập để đưa hàng hóa, nông sản đến với người dân vùng cách ly, phong tỏa một cách thuận lợi nhất; đồng thời cũng là giải pháp để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất cho khu vực kinh tế năng động nhất cả nước. Đây là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan theo đúng phương châm chỉ đạo của Chính phủ trong giai đoạn này là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân là ưu tiên trên hết, trước hết, đồng thời vẫn duy trì “mục tiêu kép”.

Theo chiều ngược lại, có một “luồng xanh” khác đang tỏa ra từ tâm dịch mà cá nhân người viết đánh giá rất cao về tính nhân văn cũng như có thể coi đây là một giải pháp chống dịch hiệu quả trong giai đoạn hết sức căng thẳng hiện nay. Đó chính là việc các địa phương chịu ảnh hưởng ít hơn bởi dịch bệnh, nhất là khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ, đang tích cực triển khai đón công dân về quê nhà. Tất cả đều rất chủ động, không chờ đợi bất kỳ sự chỉ đạo nào. Cũng đừng soi mói “cục bộ địa phương” ở đây, vì “luồng xanh” này thực sự là một giải pháp chia lửa hiệu quả với miền Nam, đặc biệt là với TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung rất nhiều lao động di cư, kể cả khối lao động phi chính thức.

Hình ảnh bốn mẹ con người Nghệ An quyết định đạp xe cả nghìn cây số từ Đồng Nai về quê, phần vì thất nghiệp, phần vì tránh dịch, mới đây đã khiến cho nhiều người không khỏi xúc động. Nó lại càng cho thấy việc địa phương chủ động phương án đón người về từ vùng dịch là hợp lẽ và nhân văn. Hợp lý ở chỗ sẽ giảm nguy cơ gia tăng số người nhiễm bệnh ở vùng tâm dịch, nhất là khi khá đông người lao động di cư sinh sống tại các khu nhà trọ, khu tập trung công nhân dễ lây lan dịch bệnh. Như vậy chính là giảm áp lực y tế và cả áp lực an sinh xã hội cho TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam, nơi thu hút nhiều lao động tại các khu công nghiệp cũng như lao động phi chính thức. Thứ nữa, con người thì ở đâu và thời nào cũng vậy, luôn hướng về quê hương, trong hoàn cảnh khó khăn thì hai tiếng “quê hương” lại càng thôi thúc. Đó là nhân văn. Ngoài ra, sự chủ động từ phía địa phương cũng giúp ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập một cách trái phép, khi một bộ phận thiếu ý thức vẫn có tư tưởng trốn tránh các chốt kiểm soát để về nhà. Chủ động đón công dân, chủ động phân loại đưa đi cách ly, đó chính là kiểm soát dịch hiệu quả và cần được tiếp tục triển khai.

Vài ngày qua, các chuyến bay và chuyến xe “nghĩa tình” đầu tiên từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định đã đưa hàng nghìn công dân từ TP Hồ Chí Minh trở về địa phương. Toàn bộ hoạt động đưa đón, ăn uống suốt hành trình và thậm chí xét nghiệm đều miễn phí. Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Thanh Hóa… cũng đều đã lên kế hoạch đón công dân từ miền Nam về theo từng đợt để bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch. Họ là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh: lao động tự do mất việc làm, người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người bị mắc kẹt do thăm thân, đi công tác… Tuy vậy, tất cả đều bắt buộc phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo quy định khi bắt đầu hành trình về quê.

Ở đây, ngoài việc hệ thống chính trị địa phương đã tích cực, chủ động lên kế hoạch, phương án phối hợp với các địa phương liên quan trong suốt hành trình đưa đón công dân an toàn, cũng không thể không nhắc đến vai trò của các hội đồng hương tại các tỉnh, thành phía Nam. Có lẽ chưa bao giờ hoạt động của hội đồng hương lại nổi bật và có ý nghĩa lớn như vậy. Trong hoàn cảnh dịch bệnh rối bời, họ chính là sợi dây liên lạc kết nối hiệu quả người có hoàn cảnh khó khăn với chính quyền quê nhà. “Ăn cơm mẻ bát xứ người, vẫn luôn canh cánh góc trời chân quê”, quả thực như vậy.

Đưa công dân ra khỏi vùng tâm dịch không phải là câu chuyện mới. Cách đây không lâu, nhiều địa phương phía Bắc cũng đã làm như vậy để góp phần chia lửa với Bắc Giang, Bắc Ninh - hai “vệ tinh” kinh tế của khu vực phía Bắc. Với sự chung sức đó, Bắc Giang và Bắc Ninh đã nhanh chóng vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh và đang trên đà hồi phục, rồi họ đã lại đón trở lại người lao động từ Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình… để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ở tầm quốc gia, suốt hơn 1 năm rưỡi chống dịch vừa qua, Việt Nam cũng đã mở rộng vòng tay đón biết bao người con từ nhiều quốc gia khác trên thế giới trở về quê hương. Tham gia tích cực vào đó không chỉ là cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, mà còn là những nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ ngoại giao, kiều bào ta ở nước ngoài. Điều đó đã góp phần tạo nên bức tranh chống dịch thành công chung của Việt Nam được bạn bè thế giới đánh giá cao.

Một khi “luồng xanh” này thông thoáng, có lẽ các cơ quan chức năng cũng nên xem xét một cách nghiêm túc việc chia lửa mạnh mẽ hơn với miền Nam. Đó là trong trường hợp diễn biến dịch xấu hơn hoặc khi hệ thống phòng, chống dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận bị quá tải, “luồng xanh” này cần được mở rộng để đưa những bệnh nhân COVID-19 - tùy theo phân loại và ưu tiên vào từng thời điểm nhất định của giới chuyên môn - ra khỏi vùng tâm dịch để giải tỏa áp lực và có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho họ. Đây cũng là cách để bảo vệ chính đội ngũ y tế của chúng ta, với nhiều người từ nhiều địa phương đang được huy động chi viện cho miền Nam, tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm chéo ở vùng dịch.

Cách đây 1 năm, chúng ta từng làm được điều kỳ diệu là bay vào tâm dịch để “giải cứu” 219 công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước đoàn tụ với gia đình, trong đó có nhiều người mắc COVID-19. Như vậy, nếu lên phương án kỹ càng, có kịch bản kiểm soát và phòng tránh dịch bệnh có thể lây lan từ “luồng xanh” này, việc giảm tải áp lực y tế sâu hơn cho miền Nam là hoàn toàn khả thi, trong trường hợp tình thế buộc chúng ta phải tính đến phương án này.

Trung Sơn