07:06 21/07/2014

Lúng túng kiểm định vàng trang sức

Sau gần 2 tháng áp dụng Thông tư 22/2013/TT - BKHCN về quản lý đo lường và chất lượng vàng trang sức, cả người mua lẫn người bán vẫn rất lúng túng về vấn đề kiểm định chất lượng vàng.

Sau gần 2 tháng áp dụng Thông tư 22/2013/TT - BKHCN về quản lý đo lường và chất lượng vàng trang sức, cả người mua lẫn người bán vẫn rất lúng túng về vấn đề kiểm định chất lượng vàng.


Thiếu công cụ kiểm định


Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng nữ trang tại TP Hồ Chí Minh cho biết, Thông tư 22 ra đời nhằm minh bạch thị trường vàng, thống nhất đo lường chất lượng vàng, quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều điểm gây khó khăn cho DN.

 

Việc quản lý tuổi vàng trang sức theo Thông tư 22 vẫn còn gặp nhiều khó khăn.


Số liệu thống kê của Sở Khoa học - Công nghệ (KH - CN) cho thấy, hiện có hơn 10.000 đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh nữ trang, gồm chành (cửa hàng bán sỉ), vựa, tiệm vàng... trong đó nhiều đơn vị làm gia công nhỏ tại nhà, không đăng ký kinh doanh. Hầu hết các tiệm vàng nhỏ lẻ đều lấy hàng từ các chành hoặc tự gia công chứ rất ít bán vàng của các công ty có tên tuổi. Do vậy, tuổi vàng là do các chủ tiệm tự quyết định và không ai có thể kiểm soát. Cụ thể, vàng tây lưu hành trên thị trường chủ yếu là vàng 18K, tương đương 7,5 tuổi nhưng thực tế chỉ còn 7 tuổi. Tương tự vàng 14K, tương đương 5,85 tuổi, cũng bị giảm còn 5,5 tuổi. Chưa hết, nhiều cửa hàng vàng còn đưa ra thị trường thêm loại hàng chợ có ký hiệu ST (6,8 tuổi) và vàng SL (6,5 tuổi), nhưng thực chất đã bị các đơn vị sản xuất bớt vài “lai” trong quá trình chế tác, do đó vàng ST chỉ còn 6,1 tuổi thay vì 6,8 tuổi.


Nhiều DN kinh doanh vàng cho biết, muốn xác định chính xác tuổi vàng theo quy định, DN phải có máy kiểm định chất lượng vàng. Theo một DN kinh doanh vàng tại quận 5, giá một máy kiểm định tuổi vàng đến hơn 300.000 USD. Thế nhưng, kết quả giám định của mỗi máy kiểm định ở các DN vàng không phải lúc nào cũng giống nhau. Vì thế, nguy cơ DN bán vàng thiếu tuổi là điều có thể xảy ra. Mặt khác, nhiều DN kinh doanh vàng chưa hiểu hết quy định của Thông tư 22 cũng gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng vàng.


Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Kim hoàn mỹ nghệ TP Hồ Chí Minh, thừa nhận, dù đã có gần 1 năm chuẩn bị nhưng chỉ có 10% số DN, chủ yếu DN lớn và hội viên là biết được thông tư này để thực hiện đúng quy định. Thông tư 22 quy định DN phải trang bị cân có giới hạn sai số thấp (cụ thể là cân 5 số). Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có khoảng 3.000 DN kinh doanh vàng, nếu các DN cùng mua loại cân này thì sẽ khó tìm được hàng do số DN cung cấp loại sản phẩm này khá ít.


Nguy cơ tăng giá vàng


Cũng theo ông Nguyễn Văn Dưng, trước khi Thông tư 22 có hiệu lực, các DN nhỏ trữ một lượng lớn vàng không đủ tuổi. Do đó, để thực hiện quy định này, nhiều DN kinh doanh vàng phải nấu lại vàng hoặc phải hủy đi. Theo tính toán, DN trữ ít cũng tồn đọng chừng vài ngàn sản phẩm, còn với DN trữ nhiều và đặc biệt có những DN đầu mối, lượng vàng trang sức còn tồn lại có thể lên tới cả trăm ngàn sản phẩm. Vì vậy, những DN còn ôm hàng tồn đến nay vẫn đang khá lúng túng với số hàng chưa thể đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường vì vướng quy định.


Để tiêu thụ lượng vàng trang sức còn tồn đọng, ông Dưng đề xuất giải pháp, với những sản phẩm chỉ sai lệch ít về tuổi vàng, DN có thể điều chỉnh lại cho đúng thực tế. Còn với những sản phẩm không thể điều chỉnh được tuổi, doanh nghiệp đem nấu để chế tác lại. Tuy nhiên, cách làm này sẽ làm phát sinh chi phí do hao hụt trong quá trình chế tác lại, cộng với chi phí về nhân công, khiến giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên. Theo đó, nhiều DN vàng đã linh động bán hàng kèm theo cam kết về chất lượng, tuổi vàng trên hóa đơn để người mua yên tâm.


Theo Hội Kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh (SJA), trước đây để cạnh tranh, các DN thường ăn bớt vài phần trăm tuổi vàng để bù chi phí chế tác vàng trang sức. Nay thực hiện quy định xác định đúng tuổi vàng, giá vàng trang sức sẽ khó giảm. Chưa kể, nếu phải đầu tư máy huỳnh quang tia X với giá hàng tỷ đồng để giám định chất lượng vàng, kèm theo đó là chi phí khấu hao máy móc, nhân công vận hành máy... thì giá thành sản phẩm sẽ tăng. SJA khuyến cáo người dân mua vàng ở đâu thì bán ở đó theo truyền thống lâu nay. Việc này khiến người bán vàng cho cửa hàng này được hưởng giá ưu đãi do DN không phải chế tác lại.


Ngoài ra, nhiều DN vàng cho rằng, cần một đơn vị kiểm định độc lập để giảm bớt gánh nặng cho các DN cũng như tạo sự minh bạch, đồng bộ trong việc quản lý chất lượng vàng, tạo sự yên tâm cho người dân khi mua vàng.


Theo Sở KH - CN TP Hồ Chí Minh, do thông tư với các quy định còn mới so với lối kinh doanh truyền thống của DN nên trước mắt Sở chỉ sẽ tiến hành tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở chứ chưa xử phạt theo quy định.


Bài và ảnh: Hải Yên