11:06 06/11/2014

Lùng bùng cơ chế quản trị chung cư

Cuộc sống chung cư tại Hà Nội có nhiều ưu điểm, nhưng đồng thời cũng có nhiều bất cập. Do không thể tự chủ trong các vấn đề về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nên người dân chung cư phải phụ thuộc rất nhiều vào sự “biết điều” hay “không biết điều” của chủ đầu tư.

Cuộc sống chung cư tại Hà Nội có nhiều ưu điểm, nhưng đồng thời cũng có nhiều bất cập. Do không thể tự chủ trong các vấn đề về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nên người dân chung cư phải phụ thuộc rất nhiều vào sự “biết điều” hay “không biết điều” của chủ đầu tư. Chính vì vậy, vai trò của Ban quản trị chung cư, với tư cách là đại diện tiếng nói của người dân, là rất quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của Ban quản trị chung cư hiện còn nhiều bất cập, khiến cho hiệu quả của các Ban quản trị chưa cao.

Hoạt động chưa hiệu quả

Theo phản ánh của những cư dân chung cư Nam Đô (Trương Định, quận Hoàng Mai), chung cư này đã đưa vào sử dụng một năm, nhưng đã kịp bộc lộ nhiều mâu thuẫn về quyền lợi giữa người dân và chủ đầu tư. Đơn cử như dịp hè vừa qua là vấn đề nước sinh hoạt bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhưng chủ đầu tư không quan tâm giải quyết. “Do chưa có Ban quản trị (BQT) chung cư nên mọi kiến nghị của chúng tôi mới chỉ mang tính chất tự phát. Bản thân các cư dân đã nhiều lần kiến nghị thành lập BQT nhưng không được đáp ứng, nên cư dân phải làm việc với chủ đầu tư theo hình thức cử đại diện Ban liên lạc để xử lý vấn đề nước sinh hoạt ô nhiễm này. Nếu không có tập thể cùng đấu tranh, thì các vấn đề tồn tại của chung cư khó được giải quyết”, chị Thùy Trang, cư dân chung cư Nam Đô cho biết.

Khu đô thị Việt Hưng.




Quỹ bảo trì nhà chung cư Luật giao cho BQT quản lý, nhưng việc thực hiện không nghiêm. Một số chủ đầu tư dây dưa, chiếm dụng quỹ này. Nguyên nhân là do chưa có chế tài và ban soạn thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ tiếp thu các ý kiến đề xuất để đưa vào dự thảo luật với các chế tài cụ thể như phạt lãi suất; đồng thời quy định rõ diện tích sở hữu chung - riêng.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Tương tự, chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội), gồm 6 tòa nhà, 3 tòa CT8 và 3 tòa CT10 mới đưa vào sử dụng khoảng một năm, nhưng cư dân đã phải đối diện với một loạt vấn đề mâu thuẫn với chủ đầu tư về nước sinh hoạt thiếu, vệ sinh môi trường, diện tích chung bị chủ đầu tư tận dụng cho thuê để tận thu... Tuy tại đây đã có BQT chung cư, nhưng theo phản ánh của người dân, việc thành lập BQT chưa theo đúng quy định, dẫn đến hoạt động của BQT không hiệu quả, không thể giải quyết mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân.
Cùng tình trạng “có BQT cũng như không” là cư dân tòa Sunrise Building (Sài Đồng, Long Biên). Thời gian qua, các cư dân nơi đây đã nhiều lần khiếu nại tới các cơ quan chức năng do không thống nhất được với chủ đầu tư là Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội về phần diện tích chung - riêng. Chị Phan Dương, một cư dân tòa nhà cho rằng: “Hiện chủ đầu tư lạm dụng diện tích sinh hoạt chung, cho thuê chỗ bán hàng, gửi xe. Do đó, người dân yêu cầu bàn giao diện tích chung từ tầng hầm, sảnh và toàn bộ tòa nhà từ tầng 1 đến tầng mái cho BQT quản lý, nhưng vẫn chưa được đáp ứng”.

Mâu thuẫn gay gắt của cư dân tòa nhà với chủ đầu tư liên quan đến phí bảo trì chung cư phải kể đến tại tòa nhà Keangnam. Theo quy định của Luật Nhà ở, quỹ bảo trì chung cư được thành lập từ 2% giá trị các căn hộ được bán. “Tuy nhiên, từ khi thành lập BQT đến nay, chủ đầu tư không bàn giao tiền bảo trì cho chúng tôi quản lý. Theo ước tính, số tiền này lên đến khoảng 70 tỷ đồng. Do đó, đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có chế tài đối với chủ đầu tư bàn giao số tiền quỹ bảo trì đã thu cho BQT. Các hộ dân chung cư nếu chây ì thì ngay lập tức bị cắt điện, cắt nước... Nhưng chủ đầu tư chây ì, không nộp phí bảo trì đối với phần diện tích quản lý của họ, thì chưa có chế tài. Đó là chưa kể chủ đầu tư không phân định diện tích chung - riêng, dẫn đến không phân định được chỗ nào để xe thu phí, phí là bao nhiêu”, bà Trịnh Thúy Mai, thành viên BQT chung cư Keangnam, cho biết.

Chủ đầu tư dây dưa, né tránh

Hà Nội có 478 chung cư thì mới chỉ có 95 nhà chung cư có BQT, chiếm gần 20%, còn lại hơn 80% vẫn do chủ đầu tư đứng ra quản lý vận hành, dẫn đến việc người dân nghi ngờ tính minh bạch của tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Tại các kỳ họp HĐND Hà Nội gần đây, việc thành lập BQT luôn được cử tri nêu ra tại các buổi tiếp xúc cử tri. Đại biểu HĐND đã chất vấn việc chậm thành lập các BQT tại các tòa nhà chung cư, khu đô thị đang gây khó khăn cho việc quản lý, đơn cử như khu đô thị Việt Hưng mới có 2/40 tòa nhà có BQT.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc thành lập BQT nhà chung cư được quy định cụ thể tại Quyết định 01/2013 và Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng, với quy trình thành lập gồm tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu Ban quản trị và công nhận BQT nhà chung cư. Trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thuộc chủ đầu tư. Khi có 50% tổng số căn hộ được bán trở lên thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu. Sau 10 ngày nhận được biên bản Hội nghị nhà chung cư, UBND quận huyện có trách nhiệm công nhận BQT. Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thúy Mai, thành viên BQT chung cư Keangnam, hầu hết quy định này đều bị chủ đầu tư phớt lờ và chính quyền sở tại chưa quan tâm, như BQT tòa nhà Keangnam phải sau 6 tháng gửi biên bản mới được công nhận.

Đại diện các BQT chung cư thừa nhận, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là quỹ bảo trì chung cư được thành lập từ 2% giá trị các căn hộ được bán. Hiện số tiền này phần lớn do chủ đầu tư khi bán nhà đang giữ, tổng kinh phí bảo trì chung cư có khi lên đến vài chục tỉ đồng. Điều này dẫn đến nhiều chủ đầu tư không muốn thành lập BQT, thậm chí là tìm cách ngăn cản. “Chủ đầu tư muốn gắn trách nhiệm của mình với tòa nhà nhưng lại không muốn minh bạch các khoản thu chi. Nếu thành lập BQT thì chủ đầu tư chỉ có một người trong BQT, mà hoạt động của BQT thì tuân theo nguyên tắc đa số nên tiếng nói chủ đầu tư sẽ yếu thế, không thể muốn làm gì thì làm”, một đại diện BQT cho biết.

Theo UBND thành phố Hà Nội, để xử lý việc thành lập BQT đối với các tòa nhà chung cư chậm do các chủ đầu tư chậm triển khai Hội nghị nhà chung cư, hiện vẫn chưa có chế tài. Bên cạnh đó là sự thiếu kiểm tra, đôn đốc của chính quyền địa phương, trực tiếp là quận huyện, phường xã. Do đó, UBND thành phố yêu cầu các quận huyện khẩn trương rà soát toàn bộ các tòa nhà chung cư trên địa bàn, có biện pháp đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý vận hành khẩn trương tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo quy định của thành phố; xử lý trách nhiệm cá nhân trong việc không thành lập Ban quản trị nhà chung cư, báo cáo về thành phố trong quý IV/2014. Đối với Sở Xây dựng Hà Nội, cần tăng cường hướng dẫn UBND các quận huyện trong việc thành lập BQT nhà chung cư, phối hợp với quận huyện giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong công tác quản lý sử dụng, vận hành như việc phân định diện tích chung - riêng, nơi đỗ xe, sử dụng quỹ bảo trì, chi phí vận hành...

Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội:

Cần có quy chế quản lý với từng loại nhà chung cư

Việc thu phí bảo trì nhà chung cư bán trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành (1/7/2006) rất khó thực hiện. Bên cạnh đó là tình trạng nhiều nhà đầu tư cố tình chiếm dụng khoản tiền này, không bàn giao lại cho BQT và chưa có chế tài xử lý. Do đó, cần đề xuất với Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư phù hợp với đặc điểm, tính chất, quy mô của từng loại nhà chung cư theo hướng quy định rõ cách thức xác định diện tích sở hữu chung, riêng trong các loại nhà chung cư. Cùng với đó, cần quy định rõ trách nhiệm và chế tài đối với chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư, không thành lập BQT, không chấp hành quy định về bố trí không gian sinh hoạt công cộng đủ điều kiện cho người dân... 


Ông Bùi Đức Nhuận, Trưởng Ban quản trị khu nhà T - Nhân Chính:

Địa vị pháp lý phải rõ ràng

Nên có quy định cụ thể việc thu, chi, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đối với nhà chung cư bán trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực, có thể thu theo tháng hoặc hàng quý. Ban Quản trị nhà chung cư T - Nhân Chính đã hoạt động 8 năm nhưng mới được công nhận cách đây 3 năm, nhưng lại không có vị trí pháp lý nên rất khó khăn, vất vả trong giao dịch. Do đó cần có quy định cụ thể về vị trí pháp lý để tiến hành giao dịch như sửa chữa, tổ chức dịch vụ công ích... 


Luật sư Nguyễn Minh Anh:

Minh bạch các nguồn thu chi

Những tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân tại các nhà chung cư xoay quanh bài toán lợi ích chung - riêng, bởi thực tế diện tích tầng một mang lại lợi nhuận cho thuê thường không được các chủ đầu tư minh bạch. Chủ đầu tư cho rằng phải lấy lợi nhuận kinh doanh tại tầng 1 để bù đắp chi phí bảo trì chung cư, trong khi không công khai minh bạch các nguồn thu, chi phí; trong khi dịch vụ liên tục tăng. Điều này dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa các bên, nhất là diện tích chung - riêng. Do đó, các hợp đồng mua bán, cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này cần có quy định cụ thể để quy trách nhiệm các bên.



Xuân Minh - Ngọc Bích